Tai nạn giao thông – Nhìn từ nỗi đau: Những người ở lại (Kỳ 2)
Mới 7 tuổi nhưng lo lắng lớn nhất của cậu bé Vinh là bà nội của em sẽ ra đi mãi mãi giống như người mẹ của em |
Những con số thống kê về tai nạn giao thông, những số liệu kinh hoàng về số người chết, người bị thương rồi các loại thương tật… do tai nạn giao thông vẫn tăng lên hàng ngày. Những câu chuyện về tai nạn giao thông chúng tôi nghe được, phần nhiều không phải là về những con số mà là về sự đớn đau. Nhìn từ nỗi đau, hậu quả của tai nạn giao thông càng trở nên ám ảnh…
Bà làm "mẹ"
Mới học lớp 2 nhưng lo lắng của cậu bé Huỳnh Thành Vinh ở xóm Đồng Chừa, xã Yên Đổ (Phú Lương) không xoay quanh vấn đề ăn, học, ngủ, chơi như các bạn cùng trang lứa. Nỗi sợ của em có phần “già dặn” hơn rất nhiều, em sợ bà nội của mình chết đi giống như người mẹ của mình 7 năm trước. Hôm chúng tôi đến thăm nhà, bà Dương Thị Đương, bà nội Vinh đang mệt. Cậu bé 7 tuổi nhỏ thó vừa đi học về ùa vào nhà hỏi thăm sức khỏe của bà. Ôm Vinh trong lòng, bà Đương bảo với chúng tôi: Khi mẹ cháu mất vì tai nạn giao thông, Vinh mới 5 tháng 23 ngày tuổi. Cháu ở với tôi từ đó tới giờ. Tình cảm hai bà cháu tốt lắm nên lúc nào nó cũng lo sợ bà mất đi rồi không còn ai sống cùng mình.
Rồi bà nhớ lại những ngày đầu sau khi chị Lan, mẹ Vinh mất sau khi bị một người đi xe máy say rượu đâm phải khi đang đi bộ trên lề đường. Bà kể trong nước mắt: Bố thằng Vinh cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, con khóc cũng không biết phải dỗ. Thằng bé mới hơn 5 tháng tuổi khát sữa thì khóc suốt cả ngày. Ngôi nhà 2-3 năm liền không một tiếng cười. Cháu không chịu uống sữa ngoài nên tôi phải bế đi từng nhà có phụ nữ mới sinh con để xin sữa. Có đêm, vừa nghe cháu khóc tôi vội bật dậy thì nhận ra chân không cử động được do bệnh thấp khớp tuổi già. Vừa ôm Vinh trong bọc chăn, tôi vừa bò lê từ giường ra cửa rồi tập tễnh bế cháu sang nhà hàng xóm xin cho thằng bé bú nhờ. Giữa đêm, 2 bà cháu vừa đi vừa khóc. Cháu khóc vì đói. Còn tôi, khóc vì thương người sống, thương cả người đã chết.
Không tính ngày mai
Đến ngày thứ 11 sau vụ tai nạn giao thông anh Nguyễn Văn Mùi mới bắt đầu hồi tỉnh. Ở tuổi 38, anh Mùi vẫn sống một mình trong căn nhà nhỏ ở xóm Chính Phú 2, xã Phú Xuyên (Đại Từ). Cuộc sống quanh quẩn cùng mấy đám chè của anh Mùi thay đổi hoàn toàn vào một ngày cuối tháng 10. Khi đó, anh Mùi đang đi làm thì chiếc xe máy của anh va chạm với một xe khách đi ngược chiều. Anh Mùi bị bánh xe khách cán qua vùng bụng và khung xương chậu, tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Sau khi được đưa đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, anh nhanh chóng được cấp cứu và tiến hành phẫu thuật thắt động mạch chậu trong 2 bẹn, làm hậu môn nhân tạo, dẫn lưu bàng quang… Sau 10 ngày thở máy, các chỉ số sinh tồn của anh mới dần ổn định trở lại.
Chị Nguyễn Thị Hiền, chị ruột anh Mùi rầu rĩ: Từ lúc em trai nằm viện đến nay, gia đình tôi đã phải cầm cố tài sản, vay ngân hàng 50 triệu đồng để chi trả chi phí điều trị. Các bác sĩ cho biết, quá trình điều trị sẽ còn tiếp diễn trong ít nhất 3-4 tháng nữa, dù có thẻ Bảo hiểm y tế nhưng chi phí vẫn rất lớn.
Khi chúng tôi hỏi về dự định tương lai của gia đình, chị Hiền nghẹn ngào: Tuy đã tỉnh nhưng trạng thái của em tôi vẫn lơ mơ, chưa hoàn toàn ý thức được. Chúng tôi ngoài thay nhau chăm nom, chỉ có thể động viên em tích cực điều trị để mau khỏe, còn những điều như chi phí điều trị, việc không thể lao động nặng sau khi hồi phục hay tương lai, gia đình tôi chưa dám tính đến tính đến.
Giải pháp nào kiềm chế tai nạn giao thông?
Theo số liệu từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, trung bình mỗi ngày, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện tiếp nhận từ 20 – 35 trường hợp nhập viện do tai nạn giao thông trong tổng số 100-150 ca cấp cứu mỗi ngày. Chỉ tính riêng các trường hợp trẻ em mồ côi cha, mẹ do hậu quả của tai nạn giao thông đã lên đến con số 184… Tính trên toàn tỉnh, trong 10 tháng đầu năm 2017, xảy ra 135 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 56 người, làm bị thương 109 người. Con số này tuy có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng diễn biến của tai nạn giao thông vẫn rất phức tạp.
Thái Nguyên có nhiều tuyến quốc lộ chạy qua, hệ thống đường bộ, đường thủy, đường sắt tương đối lớn nên công tác bảo đảm trật từ an toàn giao thông gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân còn hạn chế, công tác tuyên truyền chưa đạt kết quả như mong muốn, mức xử phạt vi phạm còn thiếu sức răn đe… cũng là nguyên nhân khiến tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp. Giải quyết khó khăn, vướng mắc trên đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội nhằm tìm ra những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn. Trong đó, quan trọng nhất là cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông của người dân. Bên cạnh đó, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy đảng, sự quyết liệt thường xuyên và liên tục của các cấp chính quyền để tập trung xử lý các “điểm đen” về tai nạn giao thông, khắc phục các vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông, giải quyết dứt điểm các vấn đề lấn chiếm lòng lề đường họp chợ, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Ngành Công an cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý thật nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông…