Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông ở các khu công nghiệp (Kỳ 2)
Lực lượng an ninh trật tự của KCN Yên Bình tổ chức chốt chặn tại các điểm giao cắt để điều tiết, hướng dẫn người dân chấp hành tín hiệu đèn giao thông. |
Tình hình giao thông tại KCN Yên Bình và KCN Điềm Thụy còn nhiều tồn tại, bất cập. Nguyên nhân của tình trạng này bên cạnh những yếu tố khách quan thì chủ yếu là do sự phối hợp của các lực lượng chức năng với những đơn vị quản lý, doanh nghiệp đứng chân trong các KCN vẫn chưa nhịp nhàng, đồng bộ. Để giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông, các ngành, địa phương, đơn vị liên quan cần tăng cường tuyên truyền tới người lao động về Luật Giao thông đường bộ, phối hợp, xử lý dứt điểm những tồn tại trong công tác quản lý trật tự an toàn giao thông, cũng như có sự đầu tư tương xứng cho hạ tầng giao thông trong KCN.
Người trong cuộc nói gì?
Trong quá trình tìm hiểu thực tế về những bất cập trong công tác bảo đảm an toàn giao thông tại 2 KCN Yên Bình và Điềm Thụy, chúng tôi nhận được sự đồng thuận rất cao của các địa phương có KCN đứng chân và các ngành quản lý. Đại diện những đơn vị này không chỉ thừa nhận những tồn tại như: Ùn tắc giao thông, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, cơ sở hạ tầng xuống cấp, không đồng bộ... mà còn chia sẻ nhiều tâm tư, nguyện vọng, những cái khó của người trong cuộc. Sau tất cả các cuộc làm việc, chúng tôi đều nhận được những đề nghị, kiến nghị của địa phương, đơn vị chức năng. Họ rất mong mỏi có sự phối hợp nhịp nhàng và đầu tư đồng bộ hơn để giải quyết vấn đề này.
Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải: Hiện nay, các tuyến đường giao thông đấu nối với KCN Điềm Thụy và KCN Yên Bình đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng do mật độ lưu lượng giao thông gia tăng nhanh chóng. Đặc biệt là đối với tuyến tỉnh lộ ĐT 261 và ĐT 266 đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng vào những giờ cao điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Để giải quyết vấn đề này, ngành giao thông đã đề xuất với UBND tỉnh triển khai thực hiện Dự án nâng cấp cải tạo tuyến đường ĐT 261 và ĐT 266 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, Dự án vẫn chưa được phê duyệt. Thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển về hạ tầng giao thông và thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh. |
Ông Tân Hoàng Long, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh: Việc đảm bảo ATGT tại các KCN, CCN đang là vấn đề hết sức cấp thiết. Do vậy, cuối năm 2016, Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt Đề án “Tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ tại những khu vực có KCN, CCN trên địa bàn toàn quốc”. Để triển khai hiệu quả đề án này, thời gian tới, Ban ATGT tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh tăng cường, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT tại các KCN, CCN. Bên cạnh đó, Ban ATGT của các địa phương sẽ làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, yêu cầu chủ doanh nghiệp và người lao động ký cam kết về đảm bảo trật tự ATGT và đưa vấn đề thực hiện Luật giao thông đường bộ vào trong nội quy và xét thưởng thi đua của cán bộ, công nhân làm việc tại doanh nghiệp. |
Nói về tình trạng họp chợ lấn vỉa hè, lòng đường ở khu vực cổng số 2 (cổng Nam) Công ty Samsung Thái Nguyên, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến giãi bày: Tại khu vực cổng Nam Công ty Samsung có hiện tượng họp chợ trái phép. Tuy nhiên, khu vực này do Công ty cổ phần đầu tư phát triển Yên Bình quản lý, chưa bàn giao cho phường. Hiện do Đội An ninh trật tự KCN Yên Bình phối hợp với Đồn Công an KCN Yên Bình quản lý. Trung tá Đào Văn Hưng, Phó Đồn trưởng Đồn Công an KCN Yên Bình kêu khó: Chúng tôi đã nhiều lần phối hợp ra quân xử lý khu vực họp chợ trái phép, tập trung xe taxi, xe ôm sai quy định, phạt hàng trăm trường hợp. Nhưng sau khi xử lý, các tiểu thương lại quay trở lại kinh doanh, các lái xe lại về tập kết vị trí cũ nên có hiện tượng xuất hiện lực lượng chức năng thì yên, vắng lại “đâu đóng đấy”, chúng tôi rất khó xử lý.
Với tình trạng nhiều người không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, lực lượng công an đều cho biết đã thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý đến hàng nghìn trường hợp nhưng cũng chỉ như “muối bỏ bể”. Lượng công nhân có tới gần 100 nghìn người, chỉ cần 1% số đó ý thức kém thì con số đã lên tới hàng nghìn người. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát giao thông mỏng, còn rất nhiều địa bàn cần giải quyết.
Ông Dương Văn Tiệp, Trưởng Công an xã Điềm Thụy chia sẻ: Chúng tôi nhiều lần phối hợp với lực lượng Công an huyện tuần tra, xử lý nhưng chủ yếu là tuyên truyền, nhắc nhở. Công nhân đi làm vào giờ cao điểm, trong khi đó mật độ giao thông lớn, ùn tắc thường xuyên, nếu dừng xe xử lý vi phạm là tắc đường ngay. Với KCN Yên Bình, Trung tá Đào Văn Hưng cho biết thêm: Một trong những nhiệm vụ của Đồn Công an KCN Yên Bình là bảo đảm trật tự ATGT. Nhưng Đồn có rất nhiều công việc khác trong khi lực lượng mỏng. Cũng vì vậy công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông chưa được chúng tôi thực hiện thường xuyên.
Đâu là giải pháp
Qua tiếp nhận ý kiến của các bên liên quan, chúng tôi nhận thấy chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, các đơn vị liên quan chưa có sự quan tâm đúng mức, phối hợp để giải quyết vấn đề đặt ra. Trong khi đó phải nhìn nhận rằng công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các KCN là hết sức bức thiết bởi tỉnh ta đang đẩy mạnh thu hút đầu tư. Rõ ràng chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, các đơn vị liên quan cần sớm “ngồi lại” với nhau, cùng bàn thảo, thống nhất phương án xử lý đồng bộ, hiệu quả.
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông vẫn là quan trọng nhất. Thời gian qua, công tác này đã được thực hiện nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Như câu chuyện của Trung tá Nguyễn Trịnh Hoàng, Trưởng Công an phường Đồng Tiến: Chúng tôi đi tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử phạt thì hầu hết người vi phạm trật tự an toàn giao thông, gây ra tai nạn giao thông là người “tứ xứ”. Thời gian qua, công tác tuyên truyền của lực lượng Công an mới chỉ tập trung ở những người dân địa phương, trong khi những người này lại chấp hành rất nghiêm các quy định của pháp luật.
Như vậy, công tác tuyên truyền giao thông ở đây cần được thực hiện sao cho hàng trăm nghìn công nhân “tứ xứ” đều có ý thức tốt trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng của thị xã đã phối hợp tổ chức 5 buổi tuyên truyền ATGT cho trên 4 nghìn người tham gia tại KCN nhưng như vậy là quá ít với số lao động hơn 75 nghìn người. Công ty Samsung Thái Nguyên đã có nhiều cách làm hay như: tổ chức tuyên truyền bằng phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu ngay cổng vào, có hình thức xử lý với những công nhân không chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ... Tuy nhiên, việc tuyên truyền vẫn cần quyết liệt hơn nữa. Các công ty cần thành lập các tổ, đội phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Công an tổ chức các hoạt động tuyên truyền thường xuyên, liên tục, nắm bắt tâm lý công nhân để đổi mới công tác tuyên truyền, đánh trúng tâm lý người dân.
Bên cạnh tuyên truyền thì công tác tuần tra, kiểm soát cần được đẩy mạnh. Chúng tôi đã có nhiều buổi tìm hiểu thực tế tại 2 KCN Yên Bình và Điềm Thụy nhưng chưa lần nào gặp lực lượng Công an giao thông làm việc. Tâm lý người dân vẫn là sợ, chấp hành khi bị kiểm tra. Vì vậy, sự xuất hiện của các chiến sĩ áo vàng có ý nghĩa rất lớn trong việc thay đổi thói quen của người dân. Các công ty trong khu công nghiệp nên có quy định bắt buộc về chấp hành luật khi tham gia giao thông, ban hành chế tài xử phạt cụ thể với những công nhân vi phạm luật giao thông. Ngoài ra, các địa phương, lực lượng chức năng, đơn vị liên quan cũng nên sớm phối hợp để xử lý dứt điểm tình trạng biển báo, hàng quán lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Việc xử lý không chỉ giúp giảm thiểu tai nạn giao thông mà còn góp phần tạo nên diện mạo KCN khang trang, chuyên nghiệp trong mắt các nhà đầu tư.
Và một yếu tố không thể thiếu là nâng cấp hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu thực tế. Các ngành chức năng, đơn vị liên quan nên sớm hoàn thiện hệ thống biển báo, vạch kẻ đường trên một số tuyến đường giao thông còn thiếu; sớm bố trí điểm dừng đỗ xe taxi, ô tô, xe máy tập trung; lắp đặt camera giám sát và hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở những ngã tư, ngã năm giao cắt giữa các tuyến đường có mật độ giao thông lớn trong KCN. Các tuyến đường xung quanh KCN nhất là tỉnh lộ 266, cần sớm được sửa chữa, nâng cấp, lắp đặt thêm hệ thống đèn chiếu sáng, cống thoát nước, được sơn vạch kẻ đường rõ ràng...
Thay lời kết
Thái Nguyên đang từng bước xây dựng tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Mấy năm gần đây, tỉnh ta luôn nằm trong nhóm những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong hoạt động của một KCN, bảo đảm an toàn giao thông chỉ là một trong rất nhiều công tác cần thực hiện tốt. Tuy nhiên, công tác này cần được coi trọng, thực hiện sớm với tầm nhìn trước cho hàng chục năm sau để sẵn sàng cho sự tăng trưởng nhanh chóng của các công ty cũng như số lao động. Công tác bảo đảm an toàn giao thông thực hiện tốt, hạ tầng giao thông đồng bộ sẽ càng thể thiện sự chuyên nghiệp của Thái Nguyên trong công tác thu hút đầu tư.