Trụ bê tông bảo vệ đường làng - Lợi bất cập hại
2 trụ bê tông trên đường vào xóm Ca, xã Kha Sơn (Phú Bình) tồn tại từ năm 2012 ngay sau khi người dân làm đường xong. |
Với mục đích hạn chế các loại xe có trọng tải lớn đi qua làm hỏng đường, ở một số nơi, người dân, đơn vị thi công đã dựng trụ bê tông ngay trên đường bê tông. Tuy nhiên, những cột trụ này không chỉ làm mất mỹ quan mà còn trở thành vật cản, tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Tuyến đường đê từ phường Cam Giá - đập Ba Đa - xã Đồng Liên (T.P Thái Nguyên) hiện cơ bản đã được cải tạo, đổ bê tông rộng hơn so với trước đây. Mặt đường rộng là vậy nhưng ở đoạn đi qua tổ dân phố số 7, phường Cam Giá lại xuất hiện 1 trụ bê tông lớn án ngữ ngay trên mặt đường. Với nhiều người chưa quen đường, hoặc điều khiển phương tiện vào lúc trời tối, mưa gió, tầm nhìn bị hạn chế, sẽ rất dễ bị giật mình, mất tay lái đâm phải trụ bê tông dẫn đến tai nạn hoặc hư hỏng xe. Song song với trụ bê tông này còn hiện rõ dấu vết của một trụ khác vừa bị phá bỏ. Bằng mắt thường có thể thấy, nếu cả 2 trụ cùng tồn tại thì nó có thể bó hẹp mặt đường tới 1/3. Dù một trụ mới được phá đi nhưng nó lại tạo thành 1 ổ trâu rộng tới hơn nửa mét vuông. Chưa kể những cọc cốt thép to tròn ở miệng hố đã được cắt đi nhưng vẫn nhô cao từ 3-5cm, phương tiện tham gia giao thông chẳng may sa xuống khó tránh khỏi bị đâm thủng lốp. Nguy hiểm hơn, ngay sát một bên đường là bờ ta luy âm sâu gần chục mét, nếu xảy ra va chạm thì hậu quả rất khó lường.
Một người dân nhà ở tổ dân phố số 7, phường Cam Giá cho biết: Khi đoạn đường mới hoàn thành và đưa vào sử dụng thì các trụ bê tông cũng xuất hiện, không biết là đơn vị thi công hay cơ quan quản lý tuyến đường dựng lên. Các phương tiện buộc phải đi qua giữa 2 trụ. Theo đó, chỉ có xe ô tô cỡ nhỏ mới đi lọt. Gần đây, vì họ cần chở vật liệu bằng xe tải để làm đoạn phía dưới nên mới cho phá bỏ đi 1 trụ bê tông. Khi hoàn thiện tuyến đường, chắc chắn họ sẽ phục dựng trở lại để hạn chế phương tiện.
Chúng tôi thấy, những trụ bê tông như vậy còn hay xuất hiện ở những trục đường bê tông nông thôn liên xóm, liên xã. Điển hình là đường vào xóm Ca, xã Kha Sơn (Phú Bình). Ngay từ đoạn đầu rẽ vào, người dân đã cho dựng 2 trụ bê tông cao khoảng 40cm rất chắc chắn ở trên đường. Các lại phương tiện phải giảm tốc độ, thận trọng di chuyển vào giữa nếu không dễ bị đâm va vào 1 trong 2 trụ, nhất là đối với xe ô tô. Quan sát 2 trụ này, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều vết trầy xước, trong đó nhiều vết khá sâu, chứng tỏ phải có lực va chạm rất mạnh mới có thể để lại dấu tích như vậy. Ngay phía sau 2 trụ này là bảng nội quy bảo vệ đường bê tông được viết trên tường nhà một người dân. Nội quy có ghi: Ô tô có trọng tải từ 3 tấn trở lên không được đi vào đường, nếu xe nào vi phạm đều bị xử lý theo quy định của địa phương. Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng xóm Ca cho biết: Đây là đoạn đường bê tông được xây dựng từ năm 2012 do bà con trong xóm góp công, của cùng làm. Việc dựng trụ bê tông là để hạn chế xe lớn, tránh làm hư hỏng đường và quy định này là do người dân tự thống nhất với nhau.
Theo chúng tôi, đây không chỉ là đoạn đường vào xóm dân sinh mà còn lối vào di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia chùa Ca. Hằng năm thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương đến vãn cảnh, thực hành các nghi lễ. Việc tồn tại 2 trụ bê tông như vậy không chỉ làm mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn không đáng có.
Ngoài 2 trường hợp nêu trên, trên địa bàn tỉnh còn có khá nhiều nơi để những vật cản giao thông như vậy. Thiết nghĩ, việc giữ gìn, vệ tuyến đường, giảm thiểu hư hại là chính đáng nhưng có thể thực hiện bằng nhiều cách khác. Chẳng hạn như thay trụ bê tông bằng trạm barie hạn chế chiều cao của phương tiện; cắm biển thông báo quy định tải trọng, tốc độ cho các loại phương tiện được phép lưu thông; đề cao ý thức tự quản của người dân… Bởi với những cách này, khi xảy ra những trường hợp khẩn cấp còn có thể kịp thời ứng phó, xử lý. Ví dụ như nếu chẳng may xảy ra hoả hạn hay thiên tai địch họa… những trụ bê tông vững chãi kia sẽ lại là vật cản khiến các loại xe cứu thương, cứu hỏa… không thể đi qua, từ đó việc cứu nạn, cứu hộ trở nên bất lực. Như vậy có phải là lợi bất cập hại?
Chưa kể, hành vi xây trụ, đặt chướng ngại vật trên đường giao thông còn bị coi là vi phạm pháp luật. Tại điểm a, khoản 4, Điều 11, Nghị định 171/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người tự ý xây bệ, bục trái phép tạo chướng ngại vật sẽ bị xử phạt từ 2 đến 4 triệu đồng với cá nhân và từ 4 đến 8 triệu đồng với tổ chức. Không những vậy, khi tai nạn nghiêm trọng xảy ra liên quan đến vật cản giao thông, cơ quan chức năng sẽ điều tra xem xét để đánh giá mức độ vi phạm cũng như trách nhiệm của những người liên quan.