Trước 15/7 phải thông đường sắt Bắc - Nam
Các kỹ sư dùng thiết bị hiện đại "siêu âm" lòng sông để xác định vị trí dầm cầu gãy (Chụp sáng 21/3). |
Hôm qua (21/3), lãnh đạo Bộ GTVT đã có liên tiếp 2 cuộc họp tại TP.HCM và Đồng Nai bàn các phương án khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh. Tại các cuộc họp, lãnh đạo Bộ GTVT đã nghe các đơn vị quản lý, tư vấn thiết kế, trục vớt cứu hộ kiến nghị các giải pháp.
Sau đó, tại buổi hội ý với Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Nguyễn Nhật vào chiều muộn 21/3, sau khi nghe các đơn vị đưa ra 3 phương án khắc phục, sửa chữa cầu Ghềnh, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã chốt thực hiện theo phương án 2b.
Trước đó, ông Ngô Anh Tảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đưa ra 3 phương án để khắc phục cầu Ghềnh.
Phương án 1: Sẽ khôi phục nguyên trạng theo sơ đồ hiện trạng của cầu Ghềnh. Tập trung khôi phục 110m bị hư hỏng do sà lan đâm vào. Bố trí sơ đồ nhịp chính thông thuyền là 75m được gối trên hai trụ mới thi công. Bên cạnh đó bố trí hai nhịp phụ để nối với nhịp 1 và nhịp 4 chiều dài 14,5m. Với phương án này thì phải chờ kết quả kiểm định của hai trụ T1, T3. Sử dụng hai trụ này để làm 4 trụ chống va hai phía thượng, hạ lưu cho hai trụ này.
Đối với phương án này thì phải phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả kiểm định hai trụ T1, T3. Nếu không kiểm định được thì không có cơ sở để thực hiện. Còn nếu chờ đợi kiểm định hai trụ này thì mất trên 20 ngày mới có kết quả. Phương án này được nhận định là mất nhiều thời gian.
Phương án 2 được chia thành hai phương án là 2a và 2b, cụ thể:
Phương án 2a: Giữ nguyên cao độ hiện tại. Tiến hành thay mới cả 3 nhịp 75m dạng hình vòm như hình cầu Ghềnh hiện nay. Làm thêm nhịp 1 và nhịp 3, không phải gia cố thêm trụ T1, T3 hiện nay mà chỉ tăng cường cho mố M1, M2 ở hai đầu Nam - Bắc.
Nếu thực hiện theo phương án này thì trong vòng một vài ngày tới sẽ triển khai sản xuất 3 dầm thép ngay. Mất khoảng 2,5 tháng sẽ xong cả 3 dầm thép.
Hai trụ chính giữa sông làm mới bằng cọc bê tông cốt thép khoan nhồi. Thiết kế sẽ tính đến chống va trôi của tàu thuyền. Hai mố M1, M2 chỉ tăng cường thêm kết cấu phần xà mũ, còn giữ lại toàn bộ nền đường hai đầu cầu.
Phương án 2b: Cơ bản giống phương án 2a nhưng nâng tối đa có thể tĩnh không thông thuyền theo chiều cao lên thêm 1,2m, không ảnh hưởng đến các công trình khác. Lúc đó tĩnh không thông thuyền của cầu Ghềnh là 70 x 6,2m. Phương án này mất thêm kinh phí để nâng vuốt đường hai đầu cầu.
Phương án 3: Là khôi phục lại toàn bộ cầu cũ này theo dạng ban đầu.
Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị tư vấn, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã yêu cầu thực hiện theo phương án 2b để sớm đưa cầu vào khai thác và thuận lợi cho giao thông thủy sau này.
Về phương án trục vớt dầm cầu Ghềnh đang chìm dưới nước, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ định cho Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông 1 trong 10 ngày phải trục vớt xong.
Việc thi công lại cầu mới phải được tiến hành khẩn trương, chậm nhất là đến 15/7 hoàn thành để đảm bảo sớm thông lại tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, phương án 2b sẽ nâng cao độ trắc dọc đỉnh ray trên cầu lên 1,2m để nâng tĩnh không thông thuyền. Việc nâng cao độ đỉnh ray không ảnh hưởng đến cầu Đồng Nai Nhỏ và đảm bảo các yếu tố khai thác đường sắt hiện tại của khu gian.
Phương án này có ưu điểm công trình bền vững, vĩnh cửu, mỹ quan đẹp, có tính kế thừa để tận dụng cho các dự án nâng cấp cải tạo sau này. Tĩnh không thông thuyền được nâng cao nên thuận lợi và an toàn hơn đối với khai thác giao thông thủy dưới cầu.