Ưu tiên đầu tư đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng
Các đại biểu tham dự hội nghị tham luận nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo cuối kỳ dự án. |
Tiến sĩ, Bộ trưởng Bộ Công chính và vận tải Lào Bounchanh Sinthavong và Thứ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Lê Đình Thọ thống nhất những nội dung liên quan đến dự án đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc song phương với Bộ Công chính và vận tải Lào, sáng nay (30/11), tại Viêng Chăn, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tham dự Hội nghị báo cáo cuối kỳ Dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt kết nối Viêng Chăn (Lào) tới Vũng Áng (Việt Nam). Tiến sĩ, Bộ trưởng Bộ Công chính và vận tải Lào Bounchanh Sinthavong và Trưởng đại diện KOICA tại Việt Nam Kim Jin Oh cùng tham dự hội nghị.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã có bài phát biểu quan trọng, đánh giá cao sự nỗ lực của tư vấn Hàn Quốc, sự tích cực phối hợp của các địa phương cơ quan, đơn vị liên quan hai nước Việt – Lào, đến nay đã hoàn thành cơ bản nghiên cứu để tiếp thu góp ý về kết quả nghiên cứu của dự án đến nay và mô hình cấu trúc tài chính của dự án.
Thứ trưởng Thọ cho biết, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã ký Thỏa thuận tạo điều kiện cho Lào sử dụng cảng Vũng Áng (Việt Nam) như là cảng đầu mối chính đối với hàng hóa quá cảnh của Lào. Việc thúc đẩy nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Viêng Chăn – cảng Vũng Áng là cần thiết và trong chiến lược nhằm thu hút hàng hóa của Lào, đáp ứng nhu cầu tăng kim ngạch thương mại hai chiều hai nước, đồng thời tạo tiền đề giúp Lào trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực. Chính phủ Hàn Quốc thông qua KOICA đã hỗ trợ Việt Nam và Lào trong lập báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt dài khoảng 550km nối thủ đô Viêng Chăn với cảng Vũng Áng.
Thứ trưởng Thọ đề nghị cần xem xét nghiên cứu thêm một số nội dung. Trong đó, để tận dụng hiệu quả tuyến đường sắt kết nối Viêng Chăn tới cảng Vũng Áng, hai bên cần quy hoạch hệ thống kho bãi, logistics dọc tuyến đường sắt nêu trên. Hệ thống các ga (đặc biệt là ga biên giới), khu đoạn là những điểm khống chế quan trọng cũng cần xác định trong nghiên cứu này. Tư vấn cần phải đưa ra sớm nhiều phương án lựa chọn để phía Lào và phía Việt Nam có đủ thời gian xin ý kiến nội bộ, đề xuất thời gian thông qua phương án tuyến tối ưu để báo cáo Chính phủ hai nước xem xét quyết định trong thời gian sớm nhất.
“Khi xác định được phương án tuyến tối ưu, Bộ GTVT hai nước được phép của Chính phủ hai Bên sẽ đàm phán thỏa thuận (hoặc MOU) cấp Chính phủ về điểm nối ray. Mục đích của MOU này không những phục vụ bước triển khai bước tiếp theo của dự án mà còn là cơ sở kêu gọi thu hút đầu tư”, Thứ trưởng nói và cho rằng ưu tiên thứ nhất là cần kết nối đoạn từ cảng Vũng Áng đến ga biên giới phía Lào, bởi vì hàng hóa quá cảnh của Lào có thể tập kết bằng nhiều phương thức khác nhau đến trung tâm trung chuyển/ga biên giới. Các đoạn khác xem xét đầu tư trong tương lai.