Văn hóa giao thông
Những ngày gần đây, lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an T.P Thái Nguyên) đang ra quân tích cực xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Ngoài tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm, lực lượng chức năng cũng tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức, văn hóa ứng xử của người dân khi tham gia giao thông, nhất là với đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên.
Khi ra đường, chúng ta dễ dàng nhận ra không ít hành vi thể hiện sự thiếu ý thức, kém văn hoá khi tham gia giao thông. Đó có thể là hành vi đi sai làn đường, dừng, đỗ, quay đầu xe không đúng quy định; không thắt dây an toàn khi đi xe ôtô; học sinh không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy. Đó cũng có thể là hiện tượng lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu, đi vào đường ngược chiều hay uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện cơ giới. Đó còn có thể là trường hợp cố tình vượt đèn đỏ, đèo quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ nhưng không cài quai. Rồi hàng loạt các hành vi thiếu ý thức khác như: vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại, nghe nhạc, vượt qua đường sắt dù có tín hiệu dừng lại và khi bị xử lý thì chống người thi hành công vụ...
Hành vi thiếu văn hóa giao thông cũng được thể hiện ở việc người dân họp chợ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông. Ở tỉnh ta, tình trạng này diễn ra khá phổ biến, hầu hết các địa phương đều tồn tại các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng, lề đường. Mặt khác, tình trạng xe vận tải mang vật liệu cồng kềnh quá giới hạn cho phép, gây cản trở tầm nhìn và tầm hoạt động cho các phương tiện khác cũng vẫn xuất hiện thường xuyên trên đường.
Một thực tế đáng buồn mà không ít người bắt gặp trong quá trình tham gia giao thông đó là tình trạng cãi vã, ẩu đả khi có va chạm giao thông. Chỉ một va quệt nhỏ trên đường phố, thay vì những lời xin lỗi thì nhiều trường hợp quay ra tranh cãi nhau để tìm đúng sai làm ách tắc giao thông, mất đi hình ảnh đẹp trong ứng xử nơi công cộng. Cá biệt, có trường hợp còn xông vào đánh nhau, thậm chí vác dao rượt nhau dẫn đến án mạng. Ở Thái Nguyên tuy chưa có trường hợp đáng tiếc nào như thế, nhưng tại nhiều nơi sự việc đánh lộn gây thương vong đã diễn ra, nhất là ở các thành phố lớn.
Có nhiều nguyên nhân được xác định, trong đó đáng chú ý là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân, người tham gia giao thông hiện nay còn thấp. Bởi vậy, để nâng cao văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông rất cần cải thiện ý thức, trình độ hiểu biết của người dân về giao thông và trật tự an toàn giao thông. Đây là việc làm cần thiết để góp phần kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông, tạo dựng môi trường văn hoá giao thông lành mạnh.
Làm được điều đó đòi hỏi phải thực hiện một cách đồng bộ từ trên xuống dưới, tại các khu dân cư, mỗi gia đình và từng thành viên trong xã hội. Theo các chuyên gia, cần hình thành chương trình giảng dạy chính khoá trong các cấp học của nhà trường, trở thành tiêu chí để xã hội nhìn nhận, đánh giá về cá nhân, tập thể. Phải xã hội hoá công tác giáo dục về an toàn giao thông kết hợp với các hình thức răn đe, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Đã có địa phương áp dụng hình thức kiểm điểm công khai trước tổ dân phố, đồng thời đưa lên phương tiện thông tin đại chúng để phê phán đối với những trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ và thiếu văn hóa trong ứng xử khi tham gia giao thông…
Như vậy có thể nói, ngoài chấp hành pháp luật về giao thông thì thái độ ứng xử tích cực của người tham gia giao thông đóng vai trò không nhỏ để giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Vì thế, việc xây dựng văn hoá giao thông, văn minh đô thị là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Và văn hóa giao thông nhất thiết phải đi ra từ nhận thức và hành vi ứng xử của mỗi người.