Vi phạm an toàn hành lang đường sắt: Hậu quả nhãn tiền
Hiện trường nơi bà Ngô Thị Hòa bị tai nạn ngày 23-6 (ảnh này nguồn Facebook). |
Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - Quán Triều, đoạn qua T.P Thái Nguyên vẫn diễn ra phổ biến. Người dân trồng rau, bán hàng sát đường tàu, đổ rác thải, tự ý mở lối đi qua đường tàu và không lường hết được sự nguy hiểm.
Ngày 23-6 vừa qua, bà Ngô Thị Hòa (ở tổ 10, phường Đồng Quang, T.P Thái Nguyên) đã bị tàu cuốn khi đang hái rau, bị gẫy xương bả vai và 6 xương sườn, hiện vẫn đang phải điều trị tại bệnh viện. Theo đại diện gia đình: Bà Hòa bị bệnh tiền đình ảnh hưởng đến khả năng nghe, có thể do không nghe thấy tiếng còi tàu nên đã xảy ra tai nạn...
Đi dọc tuyến đường sắt này, chúng tôi ghi nhận được nhiều hình ảnh vi phạm của người dân. Phổ biến nhất là việc tận dụng những khoảng đất trống hai bên đường, thậm chí là sát đường ray để trồng rau màu, làm giàn bầu, bí, đỗ… sát đường tàu. Một số người sau khi thu hái rau còn “vô tư” ngồi tại đường ray để sơ chế. Phần lớn những người được chúng tôi hỏi đều từ chối nói tên vì họ biết rõ việc làm của mình vi phạm.
Bà N. ở tổ 4, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), nói: Vì không có đất nên tôi phải trồng rau ở đây, dọc tuyến này hầu như nhà nào cũng trồng. Biết như vậy là vi phạm nhưng tôi nghĩ không sao vì còi tàu lớn nên biết để tránh. Nhân viên đường sắt đi tuần cũng không nhắc nhở hay cấm chúng tôi trồng rau. Tôi chưa thấy ai bị xử phạt cả…
Không chỉ phổ biến việc trồng rau màu, dọc tuyến đường sắt qua địa bàn T.P Thái Nguyên cũng có nhiều vi phạm khác dễ nhận thấy. Chỉ tính từ ngã ba Bắc Nam đến đường Đê Nông Lâm (khoảng 2km), có 2 lối đi dân sinh tự phát không có rào chắn, 40 chiếc cầu tạm bắc lên đường tàu. Tại một số vị trí, người đân đổ rác thải, phế liệu xây dựng lên đường tàu, dựng ô, lập lán làm nơi bán hàng sát đường tàu. Một cơ sở sản xuất hương đốt còn thường xuyên phơi hương sát đường ray… Những hành vi này vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người dân, an toàn chạy tàu. Và thực tế đã xảy ra một số vụ tai nạn thương tâm trên địa bàn vì người tham gia giao thông băng qua đường sắt từ lối đi dân sinh tự phát.
Tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt vẫn diễn ra phổ biến, ngang nhiên cho thấy ý thức chấp hành của người dân chưa tốt, địa phương và ngành liên quan thiếu quyết liệt xử lý. Nghị định 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đã quy định rõ trách nhiệm bảo vệ hành lang đường sắt và mức xử phạt các vi phạm. Điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần tự giác chấp hành để đảm bảo an toàn cho chính mình và người khác; các cấp, ngành liên quan cần tích cực tuyền truyền, quyết liệt xử lý vi phạm./