Vóc dáng con đường huyết mạch
Nút giao đường 353 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. |
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng quy mô tiêu chuẩn hiện đại nhất nước ta tính đến thời điểm này, cũng là công trình tiên phong triển khai theo hình thức BOT. Vào những ngày cuối tháng 5, đoạn tuyến đầu tiên dài gần 23 km của công trình này sẽ được thông xe, đưa vào khai thác. Vượt qua những sức ép không nhỏ trong quá trình thi công, dự án giao thông trọng điểm quốc gia đã "nhìn thấy" ngày về đích.
Công trình hiện đại
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một trong những tuyến đường được người dân và các doanh nghiệp mong chờ nhất ở khu vực phía bắc. Kết nối Thủ đô Hà Nội và TP Hải Phòng, hai "đầu tàu" kinh tế của khu vực phía bắc cũng như cả nước, tuyến đường này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nhất là khi quốc lộ 5 đã mãn tải từ nhiều năm nay, tình trạng tắc nghẽn thường xuyên xảy ra. Từ năm 2003, đơn vị tư vấn ngành giao thông vận tải (GTVT) đã tiến hành khảo sát, thiết kế xây dựng một tuyến đường cao tốc hiện đại loại A từ Hà Nội đi Hải Phòng, dài 105 km, gồm sáu làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, nền đường rộng 33 m, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, tổng mức đầu tư tạm tính 24.566 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không bố trí được nguồn vốn, trong nhiều năm, công trình này vẫn chỉ nằm im trong hộc bàn.
Để tháo gỡ "điểm nghẽn" này, Chính phủ đã giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tổ chức thực hiện dự án, góp 51% vốn điều lệ, thành lập Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) là chủ đầu tư tuyến đường. Chủ tịch HĐQT Vidifi Đào Văn Chiến cho biết: Lần đầu ngân hàng được Chính phủ giao làm đường cao tốc. Việc thí điểm đầu tư xây dựng đường cao tốc không sử dụng vốn ngân sách, huy động từ các nguồn lực xã hội là bước đột phá, tạo tiền đề tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông khác trên khắp cả nước. Vào năm 2007, khi Vidiị đảm nhận dự án, có rất nhiều doanh nghiệp, ngân hàng đăng ký tham gia. Tuy nhiên, khi dự án triển khai, cũng là lúc nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Lạm phát tăng cao, lãi suất ngân hàng vọt lên tới 18-20%, khiến dự án bị trượt giá "chóng mặt". Nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia đầu tư buộc phải bỏ dở, nhưng Vidifi vẫn quyết tâm thực hiện, hoàn thành bằng được dự án.
Đến nay, vốn góp của Vidifi vào dự án này chiếm hơn 96%. Cách đây tròn bảy năm (ngày 19-5-2008), dự án được khởi công. Thiết kế cơ sở của dự án được tiến hành năm năm trước đó, cho nên nhiều quy hoạch về đô thị, dân cư, giao thông thay đổi, buộc phải điều chỉnh một số giải pháp thiết kế bảo đảm an toàn, bền vững công trình. Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT và Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh, hạ thấp trắc dọc đường cao tốc nhằm bảo đảm tính bền vững, an toàn cho công trình, giảm 30 vị trí cống chui dân sinh; bổ sung các vị trí giao cắt giữa đường cao tốc với đường địa phương, điều chỉnh nút giao phù hợp công tác tổ chức thu phí kín. Dự án nằm ở phía nam quốc lộ 5, có tới 80% chiều dài tuyến nằm trên nền đất yếu, phải xử lý, gia tải và chờ lún từ 6 đến 18 tháng. Đó là chưa kể tuyến đường có tới 12 km cầu, một số cầu có tĩnh không thông thuyền lớn, khó triển khai thi công; vận chuyển vật liệu khó khăn,...
Chất lượng - yêu cầu số 1
Với những khó khăn, thách thức cả chủ quan lẫn khách quan, có thời điểm khiến dự án bị đình trệ một thời gian dài. Năm 2014, tổng mức đầu tư của dự án được cập nhật, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, phê duyệt với giá trị 45.487 tỷ đồng. Thủ tướng cũng chấp thuận một số cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án trong phương án tài chính.
Theo đó, chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp khoản vay 200 triệu USD từ nguồn của Ngân hàng Keximbank; có hình thức chuyển đổi hoặc hỗ trợ phù hợp khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW); Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án (khoảng 3.700 tỷ đồng). Đồng thời, Vidiị được sử dụng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp của các khu đô thị và khu công nghiệp chung quanh làm nguồn thu hoàn vốn đầu tư. Với các cơ chế điều chỉnh, bổ sung được Thủ tướng cho phép, phương án tài chính dự án là khả thi, chủ đầu tư thu hồi vốn trong 30 năm, sau đó bàn giao lại cho Nhà nước. Là dự án đường cao tốc được thực hiện theo hình thức BOT đầu tiên trên cả nước, trong phương án tài chính, dự án phải đặt vấn đề thu hồi vốn bên cạnh hài hòa lợi ích của Nhà nước, xã hội.
Để hoàn vốn cho dự án này, mức thu phí được Vidifi dự kiến 2.000 đồng/km/PCU (phương tiện tiêu chuẩn). Các dự án đường cao tốc, do quy mô, tính chất, yêu cầu mỗi dự án khác nhau, cho nên suất đầu tư cũng rất khác nhau.
Theo tính toán, tuyến đường này được quy đổi suất vốn đầu tư bình quân cho 1 km về bốn làn xe, tại thời điểm cuối năm 2013 (không gồm chi phí lãi vay và dự phòng), khoảng 10,8 triệu USD/km, đạt mức trung bình so các tuyến cao tốc ở nước ta đã và đang xây dựng.
Qua nhiều lần kiểm tra tuyến, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đánh giá chủ đầu tư và các nhà thầu đã thiết lập hệ thống quản lý chất lượng công trình, cơ bản đáp ứng yêu cầu dự án, phù hợp quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Chủ tịch HĐQT Vidiị Đào Văn Chiến khẳng định: Ngay từ thiết kế, đơn vị đã xác định đây là tuyến cao tốc có lưu lượng xe vào loại lớn nhất Việt Nam, tải trọng trục xe cũng thuộc loại cao nhất, phân làn tuyệt đối, do vậy nếu không bảo đảm chất lượng, sẽ khó tránh khỏi hư hỏng, hằn lún ngay sau khi đưa vào khai thác một thời gian ngắn. Nếu vậy, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của dự án. Đến nay, khi dự án đã chuẩn bị hoàn thành đoạn tuyến đầu tiên, vẫn còn một số vị trí chưa tắt lún hẳn, nhưng vẫn buộc phải dỡ tải để thi công nhằm bảo đảm tiến độ. Đoạn tuyến này sẽ tiếp tục được theo dõi, bù lún trong quá trình khai thác. Cho đến nay, chưa phát hiện sự việc nào nghiêm trọng, ảnh hưởng chất lượng công trình.
Điểm nhấn khác biệt ở tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng so với các tuyến cao tốc khác ở lớp pô-li-me tạo nhám dày 5 cm phủ trên bề mặt bê-tông nhựa. Giám đốc Ban điều hành gói thầu EX19C Nguyễn Bá Hùng, phụ trách thi công lớp nhựa tạo nhám "bật mí": Lớp phủ này có nhiệt độ hóa mềm lên đến 87 độ C, vượt ngưỡng nhiệt độ cao nhất ngoài trời mà mặt đường phải chịu tại những thời kỳ nắng nóng đỉnh điểm. Quá trình thí nghiệm vệt hằn lún bánh xe đối với lớp phủ này cho kết quả rất tốt. Lớp phủ pô-li-me không chỉ giúp phương tiên lưu thông an toàn, trường hợp khẩn cấp, khi phanh gấp xe sẽ dừng hẳn chứ không trượt thành vệt dài trên đường, ngoài ra còn giúp mặt đường thoát nước tốt khi mưa lớn.
Để đáp ứng tiến độ thông xe đoạn đầu tiên của dự án trong vài ngày tới, nhà thầu đã huy động thêm hai trạm trộn bê- tông nhựa cùng với dàn máy thiết bị.
Theo dự kiến, vào cuối năm nay, khi hoàn thành, đi vào khai thác toàn tuyến, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cùng với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn, Hải Phòng - Hạ Long, tạo thành mạng lưới đường cao tốc hoàn chỉnh tại khu vực Bắc Bộ, rút ngắn rất nhiều thời gian lưu thông đối với các phương tiện xe con còn dưới một nửa so với hiện tại, góp phần giảm tai nạn giao thông, chi phí và thời gian vận chuyển. Tuyến đường này cũng nằm trên tuyến hành lang đường bộ châu Á, ASEAN, sẽ góp phần thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng và thỏa thuận hợp tác "Hai hành lang, một vành đai" Việt Nam - Trung Quốc, kết nối cảng biển quan trọng phía bắc với các tỉnh phía nam Trung Quốc...