Xử lý phương tiện quá khổ, quá tải
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải và Chi cục Quản lý đường bộ I.4 kiểm tra xe tải có dấu hiệu vi phạm. Ảnh T.L |
Thời gian qua, tình trạng phương tiện quá khổ, quá tải trên cả nước diễn biến phức tạp, gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng giao thông. Trước thực trạng trên, lực lượng chức năng đã mở đợt cao điểm toàn quốc ra quân xử lý vi phạm phương tiện quá khổ, quá tải. Qua đó đã cơ bản lập lại trật tự an toàn trên các tuyến đường. Tuy nhiên, để duy trì ổn định đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt, thường xuyên hơn.
Đợt ra quân cao điểm xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông toàn quốc được Bộ Công an triển khai trong 3 tháng (từ 20/6 đến 20/9/2022). Bộ Công an đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ ở cả 4 cấp công an theo chức năng, nhiệm vụ, tuyến đường và địa bàn phân công phụ trách. Trong đó, tập trung xử lý từ gốc các hành vi vi phạm được xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, xử lý dứt điểm phương tiện quá khổ, quá tải.
Trong tháng cao điểm, cả nước đã xử lý trên 13.000 trường hợp vi phạm. Bộ Công an xác định, không vì những khó khăn do lực lượng mỏng, thiếu trang thiết bị hay các trường hợp lái xe không hợp tác… mà để việc xử lý vi phạm bị chùng xuống hoặc buông lỏng. Toàn Ngành quyết tâm duy trì xử lý thường xuyên, liên tục, không để hết đợt cao điểm lại tái diễn tình trạng phương tiện quá khổ, quá tải.
Với tỉnh Thái Nguyên, trong đợt cao điểm vừa qua, các lực lượng chức năng đã quyết liệt xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó có nhiều trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, toàn tỉnh có trên 3.500 đầu xe ô tô vận tải hàng hóa. Sau quá trình vận động, tuyên truyền kết hợp với xử lý vi phạm, đã có tới 90% xe tải bỏ cơi nới thành thùng, giảm khổ và tải trọng của xe.
Tuy vậy, một tỉnh phát triển công nghiệp mạnh như Thái Nguyên hiện nay, lượng hàng hóa lưu chuyển mỗi năm lên tới cả chục triệu tấn, luôn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn tình trạng vận chuyển quá khổ, quá tải.
Do đó, sau đợt cao điểm, tỉnh Thái Nguyên vẫn tập trung chỉ đạo duy trì công tác tuyên truyền, vận động kết hợp tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, không lơ là, buông lỏng.
Tỉnh yêu cầu ngành Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thành thùng xe, kiểm soát ngay tại các cảng, bến bãi, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa...; phối hợp kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ qua tỉnh, đồng thời duy trì hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần. Tăng cường sử dụng thiết bị ghi hình để ghi lại hình ảnh phương tiện vi phạm, đặc biệt là các xe vi phạm về cơi nới kích thước thành thùng, làm cơ sở để xử phạt.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và Công an các địa phương tăng cường xử lý vi phạm, nhất là xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành trên các tuyến đường bộ, vào ban đêm. Kiên quyết xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ trong quá trình kiểm tra…
Như vậy có thể thấy, việc siết chặt quản lý phương tiện quá khổ, quá tải là rất quan trọng. Tuy nhiên, để kiểm soát hiệu quả, bền vững không chỉ có các lực lượng chức năng mà cần sự vào cuộc thực sự của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, trong đó có các tổ chức hội, hiệp hội vận tải, các doanh nghiệp vận tải và chủ phương tiện vận tải.