Xử lý vi phạm giao thông - Những khó khăn còn đó (Kỳ 1)

Cập nhật: Thứ sáu 10/11/2017 - 11:50
 Nơi xử lý vi phạm giao thông, tại Công an thị xã Phổ Yên.
Nơi xử lý vi phạm giao thông, tại Công an thị xã Phổ Yên.

Xử lý vi phạm giao thông đường bộ theo quy định xử lý hành chính và hình sự hiện nay đang là những vấn đề khó khăn. Bởi các biện pháp xử lý hành chính và hình sự chưa đủ sức răn đe, cần phải có chế tài xử lý mạnh hơn để giải quyết các vụ án giao thông và tạm giữ phương tiện có hiệu quả hơn.

Theo quy định xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ có khá nhiều lỗi bị xử phạt với hình thức tạm giữ phương tiện, giấy tờ xe. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn chưa đủ sức răn đe, bởi số trường hợp tạm giữ tuy có giảm năm sau so với năm trước nhưng không đáng kể và vẫn là những lỗi vi phạm muôn thuở. Bởi còn nhiều khó khăn đối với cơ quan thực thi và chế tài chưa đủ mạnh. 

Vẫn lỗi vi phạm muôn thuở

Những năm qua, Công an các huyện, thành, thị đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức người tham gia giao thông đến các đối tượng, nhất là học sinh, sinh viên và công nhân; tăng cường tuần tra, kiểm soát cả trên khâu cơ động và cố định, nên số trường hợp vi phạm đã giảm, song tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp và vẫn là những lỗi vi phạm muôn thuở: không có giấy phép lái xe (GPLX), chở quá khổ, quá tải, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm.

Đại úy Dương Trần Quyết, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông (CSGT) trật tự cơ động, Công an thị xã Phổ Yên cho biết: “Phổ Yên là một trong những địa bàn tập trung đông dân cư và người lao động tại các nhà máy của Sam sung khá đông (riêng số công nhân làm việc trong các nhà máy của Samsung đã lên đến 8 vạn người). Vì vậy, lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông khá lớn, kéo theo tình trạng vi phạm các quy định về giao thông không ít.

Từ đầu năm đến nay, Công an thị xã đã lập biên bản 2.947 trường hợp vi phạm, giảm 891 trường hợp. Các lỗi vi phạm chủ yếu trên địa bàn vẫn là không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định, không có GPLX….Qua xử lý vi phạm đã tước GPLX có thời hạn 469 trường hợp; tạm giữ 156 ô tô; 788 xe mô tô (so với cùng kỳ, ô tô tăng 52 trường hợp; xe mô tô giảm 81 trường hợp); phương tiện khác 18 trường hợp.

So với thị xã Phổ yên và T.P Thái Nguyên, đặc điểm địa hình, địa bàn của huyện Đồng Hỷ cũng có khó khăn riêng như: là huyện miền núi, vùng cao; có nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã nên lưu lượng xe không nhiều. Trung tá Trương Văn Tuấn, Đội Trưởng Đội CSGT huyện Đồng Hỷ cho biết: “Từ ngày 15-11-2016 đến 15-10-2017, Công an huyện đã lập biên bản 1.309 trường hợp, giảm 1.927 trường hợp so với cùng kỳ; tạm giữ 269 xe mô tô, 127 xe máy các loại; 73 xe ô tô tải (so với năm 2016 tăng 34 xe ô tô; giảm 540 xe mô tô; giảm 85 xe máy các loại). Những lỗi vi phạm chủ yếu là: không có GPLX, sử dụng nồng độ cồn quá mức cho phép; chở quá trọng tải và quá số người theo quy định.

Đại úy Nguyễn Nam Hưng, Phó Đội trưởng Đội tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm thuộc Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: “Tính từ ngày 16-11-2016 đến 15-10-2017, trên địa bàn toàn tỉnh đã tạm giữ 6.625 phương tiện (giảm 485 trường hợp so với cùng kỳ), trong đó 51 xe ô tô khách; 759 xe ô tô tải; 921 xe tắc-xi; 4.256 mô tô, xe máy; các phương tiện khác 638 chiếc.  Các lỗi vi phạm chủ yếu là: thiết bị an toàn không đảm bảo 8.875 trường hợp; không có GPLX 3.597 trường hợp; xe chở hàng quá khổ, quá tải 1.154 trường hợp; chạy quá tốc độ 1.319 trường hợp; sử dụng rượu bia 1.069 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 946 trường hợp…

Điều đáng nói là, sau khi tạm giữ phương tiện, nếu người vi phạm hoặc chủ phương tiện có đầy đủ giấy tờ chứng minh việc quản lý, sử dụng là hợp pháp thì sẽ được cơ quan tạm giữ trả lại phương tiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến nhiều trường hợp “bỏ của chạy lấy người” không đến cơ quan Công an để xử lý theo quy định. Trong đó tình trạng chủ yếu là việc mua bán trao tay không làm thủ tục sang tên, đổi chủ, chỉ đến khi vi phạm bị tạm giữ phương tiện, không chứng minh được việc quản lý, sử dụng là hợp pháp nên bỏ phương tiện; hoặc những trường hợp là trộm cắp; xe quá cũ nát, giá trị xe còn thấp hơn nhiều so với mức tiền xử phạt vi phạm hành chính…

Theo anh Hà Mậu Trường, Đội trưởng CSGT T.P Thái Nguyên cho biết: “Tại Công an T.P Thái Nguyên, bình quân mỗi năm, có khoảng 200 xe quá hạn do không có người đến nhận, phải thanh lý, đấu giá tài sản; nguyên nhân chủ yếu là không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc của xe. Riêng năm 2016, thanh lý 406 xe và tồn 392 bộ giấy tờ xe; từ tháng 5-2017 đến tháng 11-2017, còn tồn 106 xe chưa có người đến xử lý”. Đối với T.X Phổ Yên, trong 4 năm (2012- 2015) thanh lý trên 670 xe các loại; từ đầu năm đến nay thanh lý, đấu giá 1 đợt gồm: 8 xe tự chế và 143 xe mô tô, xe máy; hiện còn 116 xe máy, mô tô và 2 xe ô tô chưa đến xử lý. Đối với Đồng Hỷ: Riêng năm 2016, tạm giữ 2.176 bộ giấy tờ xe, còn tồn 89 trường hợp; từ đầu năm đến nay đã thanh lý 73 xe mô tô.

Đối với Phòng CSGT, Công an tỉnh, năm 2016, đã làm thủ tục tịch thu 22 phương tiện ô tô các loại, 119 phương tiện ô tô, xe máy mà người vi phạm và chủ phương tiện không đến nhận. Vài năm trở lại đây, công tác thanh lý, đấu giá phương tiện tạm giữ quá hạn đã thuận lợi hơn. Vì vậy, bình quân mỗi năm Công an các huyện, thành, thị đều tổ chức thanh lý, đấu giá nên không có tình trạng tồn xe từ năm này qua năm khác như một số tỉnh thành phố lớn khác. Tuy nhiên, vấn đề thanh lý, đấu giá tài sản vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn.

Còn những khó khăn, vướng mắc

Việc tạm giữ phương tiện và giấy tờ xe là thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật nhằm nâng cao ý thức, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp không đến nhận lại xe hoặc giấy tờ xe đã gây khó khăn cho các đơn vị trong quá trình thanh lý, đấu giá tài sản. Theo quy định, việc xử lý những phương tiện đã quá thời hạn tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì được tiến hành thanh lý theo các bước đã quy định để sung công quỹ nhà nước. Song, trong quá trình xử lý còn những vướng mắc bởi: Nhiều trường hợp vi phạm không khai báo trung thực tên, địa chỉ nên khi Cơ quan Công an  thông báo thì không đến đúng địa chỉ; hoặc có nhiều trường hợp do phương tiện bị trộm cắp hoặc việc mua bán đã qua nhiều chủ; mất giấy tờ nên không chứng minh nguồn gốc của xe; xe đã bị “cà” lại số khung, số máy…

Theo ý kiến chung của một số đội trưởng CSGT các huyện, thị, thành: do chế tài xử phạt còn thấp nên chưa đủ sức răn đe và dễ dẫn đến tình trạng người vi phạm bỏ phương tiện, giấy tờ, không đến xử lý. Ví dụ: Có nhiều trường hợp (đối với xe mô tô, xe máy) vi phạm lỗi: điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì phạt tiền từ 3 triệu đến 4 triệu đồng, hình thức phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng GPLX từ 3 đến 5 tháng, tạm giữ phương tiện; trong khi đó chiếc xe tạm giữ chỉ có giá trị 500 nghìn đồng nên chủ phương tiện không muốn đến nộp phạt để nhận xe. Đối với xe ô tô tải cũng tương tự như vậy, ví dụ đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt quá trọng tải cho phép khi tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định ATKT và BVMT của xe trên 150%; đối với lái xe phạt tiền từ 8 triệu đến 12 triệu đồng và hình thức phạt bổ sung: tước quyền sử dụng GPLX từ 3 đến 5 tháng; đối với chủ phương tiện (là tổ chức) thì phạt tiền từ 36 triệu đến 40 triệu đồng; trong khi đó xe ô tô chỉ có giá trị khoảng 30 triệu đồng, nên người vi phạm cũng từ bỏ không đến cơ quan Công an để chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính để nhận lại xe…

Từ thực tế trên nên chăng cũng cần điều chỉnh để tăng tính ràng buộc với chủ sở hữu hoặc có biện pháp xử phạt trực tiếp mới đủ sức răn đe.

(Còn tiếp)

Minh Phương - Thu Lan
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: