“Lá chắn sống” an toàn giao thông
Có sự cảnh báo của chị Nguyễn Thị Tình, các phương tiện tham gia giao thông đều dừng xe chờ tàu qua mới sang đường. |
Hằng ngày người dân quanh chợ khu Nam, phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) quen với cảnh khi có tiếng còi hú báo hiệu tàu của Xí nghiệp Vận tải đường sắt (Công ty Gang thép Thái Nguyên) đi qua là chị Nguyễn Thị Tình, tổ 22, phường Phú Xá chạy vội ra cầm chiếc ô đứng cách đường ray khoảng 4m báo hiệu cho người tham gia giao thông biết tàu sắp qua để không tùy tiện sang đường.
Gần 15 năm làm nghề bán đậu ở chợ khu Nam cũng là chừng ấy năm chị Tình gắn liền với “nghiệp” gác tàu ở đoạn đường ngang qua chợ, nơi không có gác chắn, đèn báo hiệu. Chợ khu Nam do người dân tự hình thành cách đây hàng chục năm, họp ngay sát tuyến đường sắt nối liền từ Gang thép đi Trại Cau (Đồng Hỷ). Tuyến đường sắt này cắt ngang tuyến đường chính từ phường Hương Sơn vào phường Cam Giá. Tuy hằng ngày trung bình có từ 4-8 lượt tàu chạy qua, nhưng nhiều năm qua khu vực này vẫn chưa được đầu tư gác chắn. Mặt khác, đường ngang ở đây nằm ở vị trí rất nguy hiểm, do có độ dốc và lưu lượng người tham gia giao thông đông đúc. Bởi thế nơi đây nổi tiếng là điểm nóng về tai nạn giao thông giữa tàu và các phương tiện khác.
Bà Nguyễn Thị Thúy bán gà tại chợ khu Nam cho chúng tôi biết: “Nhiều người đi qua đường sắt vô tư lắm! Tàu bóp còi inh ỏi nhưng họ vẫn cứ lao xe qua như không có chuyện gì cả. Từ ngày cô Tình tình nguyện làm gác chắn ở đây đã giảm hẳn các vụ va quệt. Nhà cô ấy hoàn cảnh lắm, chồng mất sớm, hai mẹ con nương tựa vào nhau mà sống. Vất vả thế, nhưng cô ấy sống rất có tâm, gặp những người khốn khó hơn mình vẫn giúp đỡ. Người dân ở đây đều ghi nhớ việc làm của cô Tình.”
Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện cùng người dân ở đây thì nghe tiếng còi hú báo hiệu tàu qua, lúc đó khoảng 10h30 sáng. Tôi đã nhìn thấy chị Nguyễn Thị Tình vác vội cái ô để chắn ngang đường dân sinh cách đường ray khoảng 4-5m. Hành động của chị khiến những người tham gia giao thông qua khu vực này đều hiểu và lập tức dừng xe lại. Tàu chạy qua, chị vác ô trở về chỗ ngồi bán đậu. Trò chuyện cùng chúng tôi chị Tình hiền hậu kể: Bán hàng ở đây lâu năm tôi chứng kiến không ít vụ va chạm thương tâm xảy ra giữa người tham gia giao thông và tàu nên tôi không đành lòng. Từ năm 2001 tôi tự nguyện đứng ra cảnh giới cho các phương tiện tham gia giao thông khi tàu chuẩn bị qua đường ngang.
Làm công việc này ở đây suốt hơn chục năm qua, nhiều lúc chị Tình cũng phải nghe không ít lời ra tiếng vào của một số người… Song chị vẫn bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu, hằng ngày cứ giờ tàu chuẩn bị đi qua, chị lại trở thành “lá chắn sống” tự nguyện cảnh báo để mọi người không sang đường, góp phần ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên tuyến đường. Hình ảnh chị Tình như một “barie sống” đã trở nên thân thuộc với người dân ở đây. Theo người dân quanh khu vực chợ khu Nam thì nhờ việc làm của chị Tình mà các vụ tai nạn giao thông giảm hẳn, nhiều người thoát chết trong gang tấc như mải nghe điện thoại khi đang điều khiển phương tiện; đội mũ bảo hiểm kín không nghe được tiếng còi tàu…
18 giờ, cũng là lúc chợ tan tầm, tôi theo chị Tình thăm ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con ở tổ 22, phường Phú Xá. Trong căn nhà cấp bốn ọp ẹp trên tường treo rất nhiều giấy khen của con gái chị. Chỉ vào tấm lịch treo tường chị bảo: Tết vừa rồi các chú lãnh đạo Xí nghiệp Vận tải đường sắt đã đến thăm và tặng quà hai mẹ con. Còn trước đây, các chú lái tàu thi thoảng vẫn qua nhà chơi động viên mẹ. Năm 2008, căn bệnh ung thư quái ác đã cướp đi mạng sống của anh, để lại 2 mẹ con chị côi cút, lúc ấy cháu Nguyễn Quỳnh Hoa mới học lớp 3. Nén nỗi đau vào lòng, chị gắng gượng tần tảo đi chợ nuôi con. Thương mẹ vất vả, cháu Nguyễn Quỳnh Hoa rất chăm ngoan, học giỏi. Suốt 11 năm học cháu liên tục là học sinh giỏi, 2 lần được giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học và được nhận học bổng “Nữ sinh tài năng Việt Nam” của Bộ GD & ĐT. Đây là niềm an ủi để chị vững vàng, nuôi cháu ăn học.
Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Nguyễn Minh Tuấn, lái tàu tuyến Gang thép - Trại Cau kể: Tôi làm nghề lái tàu đã 10 năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa thì những hình ảnh quen thuộc hằng ngày tôi gặp chính là việc chị Tình tự nguyện làm tấm lá chắn sống để cảnh báo người dân mỗi khi tàu qua chợ khu Nam. Trên tuyến đường từ Gang thép đi Trại Cau có một số đường ngang, song có lẽ đoạn cắt qua chợ khu Nam chính là nơi nguy hiểm nhất vì lượng người tham gia giao thông đông, cộng với chợ họp sát với hành lang đường tàu. Thời điểm cuối giờ trưa và cuối giờ chiều khi người dân đi chợ đông, cũng là lúc tàu vận chuyển quặng sắt từ Trại Cau đổ về. Vì mải mua hàng, vội về nhà nhiều người không để ý đến tiếng còi tàu báo hiệu sắp qua khu vực này, vì thế việc làm của chị Tình không chỉ giúp cho đơn vị chúng tôi mà còn cho tất cả mọi người.
Đem những thắc mắc tại sao tuyến đường lưu lượng giao thông lớn như vậy mà chưa có rào chắn qua đường sắt trao đổi với đồng chí Đỗ Xuân Minh, Phó Giám đốc Xí nghiệp vận tải đường sắt, chúng tôi được biết đây là tuyến đường ray thuộc Công ty TNHH một thành viên đường sắt Hà Thái quản lý, đơn vị Xí nghiệp vận tải đường sắt chỉ là đơn vị thuê lại hạ tầng để vận chuyển quặng. Cũng do kinh phí hạn hẹp nên việc đầu tư gác chắn đường ngang ở đây là chưa thể thực hiện được.
Chia tay chị Nguyễn Thị Tình, tôi thực sự trăn trở với tâm sự của chị: “Mong ngành đường sắt sớm xây dựng gác chắn vì lưu lượng phương tiện qua đây rất đông, có như vậy mới đảm bảo an toàn giao thông”.