“Phao cứu sinh” của người bị tai nạn giao thông

Cập nhật: Thứ năm 09/11/2017 - 11:18
 Bà Trần Thị Bắc, Chốt trrưởng Chốt sơ cấp cứu Hội Chữ thập đỏ phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên đang sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân bị tai nạn giao thông
Bà Trần Thị Bắc, Chốt trrưởng Chốt sơ cấp cứu Hội Chữ thập đỏ phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên đang sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân bị tai nạn giao thông

Không kể nắng hay mưa, ngày hay đêm, mỗi khi nhận được tin báo tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên địa bàn, những tình nguyện viên của các chốt sơ cấp cứu Hội chữ thập đỏ T.P Thái Nguyên lại sẵn sàng có mặt tại hiện trường để kịp thời ứng cứu người gặp nạn.

Khu vực chợ Túc Duyên, phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên là một trong những địa điểm từng xảy ra nhiều vụ TNGT, trở thành nỗi ám ảnh của không ít người dân mỗi khi qua đây. Với mong muốn giúp đỡ, sơ cấp cứu ban đầu cho những trường hợp không may bị TNGT, năm 2009, Chốt sơ cấp cứu Chữ thập đỏ phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) được thành lập. Theo đó, Chốt có ba tình nguyện viên đều là các y, bác sĩ đã nghỉ hưu, có lòng nhiệt tình. Không quản nắng hay mưa, ngày hay đêm, các tình nguyện viên vẫn thay nhau túc trực; sẵn sàng ứng cứu người bị TNGT. Qua 7 năm hoạt động, Chốt đã sơ cấp cứu cho gần 180 trường hợp bị TNGT, kiểm tra huyết áp, tư vấn sức khoẻ cho hàng trăm lượt người.

Hơn 10 năm làm công việc sơ cấp cứu, bà Trần Thị Bắc, Chốt trưởng Chốt sơ cấp cứu phường Túc Duyên cho biết: Với tinh thần cứu người là trên hết, mỗi khi nhận được tin của người dân báo có vụ tai nạn, chúng tôi liền tức tốc tới ngay. Để đáp ứng việc sơ cấp cứu, chúng tôi được trang bị dụng cụ y tế hỗ trợ cho việc sơ cứu ban đầu như: bông, băng, gạc, nẹp… Nhờ vậy thời gian qua, chốt sơ cấp cứu này đã giúp nhiều trường hợp bị TNGT thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Bà Nguyễn Thị Luyến, 70 tuổi, xã Linh Sơn, Đồng Hỷ chia sẻ: Năm ngoái, trên đường đi chợ, tôi bị một chiếc xe máy lao trực diện, khiến chân bị thương nặng, chảy nhiều máu. Nhờ có các tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ phường Túc Duyên sơ cấp cứu kịp thời nên vết thương của tôi cũng nhanh hồi phục.

Còn với bà Đặng Minh Hoan, sau nhiều năm làm tình nguyện viên tại chốt sơ cấp cứu xóm Gia Bẩy, xã Đồng Bẩm, bà không nhớ chốt sơ cấp cứu nằm ngay trong nhà mình đã sơ cấp cứu, chuyển viện kịp thời cho bao nhiêu trường hợp bị TNGT. Chỉ biết rằng, sau mỗi lần giúp được một người thoát khỏi nguy hiểm là bà lại thấy vui vì mình làm được điều có ý nghĩa. Bà Hoan tâm sự: Làm công việc này, cần có cái tâm và lòng nhiệt tình chứ tính công xá gì, nhiều khi còn chuốc phiền phức vào thân. Sự phiền toái mà bà nói chính là câu chuyện xảy ra cách đây không lâu. Khi đó, vào buổi sáng sớm, bà nhận được điện thoại của bảo vệ tổ dân phố báo tin có người đi xe máy do say rượu nên đã lao vào cột điện. Khi đến nơi, thấy người bị nạn đang nằm lịm dưới đường, người bị chảy máu, bà Hoan đã cầm máu, sơ cứu ban đầu cho người bị nạn rồi gọi xe đưa đi bệnh viện cấp cứu. Sau đó, người nhà bệnh nhân đã tìm đến để “tính sổ” vì họ cho rằng bà là người gây tai nạn. Nhờ có công an và tổ dân phố làm chứng, bà đã được minh oan.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều những trường hợp nạn nhân bị TNGT được sơ cấp cứu kịp thời từ những tình nguyện viên của các chốt sơ cấp cứu thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố. Là địa bàn có dân cư đông, nhiều tuyến đường huyết mạch, các phương tiện giao thông tham gia hoạt động với lưu lượng lớn nên T.P Thái Nguyên luôn có số vụ tai nạn giao thông cao so với địa phương khác trên toàn tỉnh. Với phương châm, giảm thiểu tối đa hậu quả do TNGT xảy ra đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, những năm qua Hội Chữ thập đỏ thành phố luôn duy trì và nhân rộng các mô hình chốt (trạm) sơ cấp cứu, đội xe ôm an toàn, góp phần giảm thiểu, khắc phục những hậu quả nặng nề về người do TNGT.

Hiện nay, Hội Chữ thập đỏ thành phố đang duy trì 15 chốt sơ cấp cứu, trong đó có 11 chốt sơ cấp cứu đường bộ và có 4 chốt sơ cấp cứu, cứu hộ cứu nạn trên sông. Bằng những kiến thức cơ bản về kỹ năng sơ cấp cứu được trang bị, các tình nguyện viên đã tích cực, chủ động xử lý sơ cấp cứu kịp thời, sau đó đưa đến các cơ sở y tế gần nhất. Đồng thời, các tình nguyện viên cũng tham gia quản lý tài sản an toàn cho hàng trăm nạn nhân bị TNGT. Mỗi chốt sơ cấp cứu đều được trang bị những vật tư y tế cần thiết như: băng gạc, nẹp, thuốc sát trùng… đảm bảo giúp người bị TNGT được sơ cấp cứu kịp thời trước khi được chuyển đến bệnh viện điều trị. Từ năm 2012 đến nay, có gần 500 người được sơ cấp cứu ban đầu, trong đó số người tai nạn giao thông là hơn 380 người, tai nạn đuối nước là 5 người. Ngoài ra số người được các tình nguyện viên tại các chốt đo huyết áp, khám, tư vấn sức khỏe cho trên 100 lượt người.

Theo ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ T.P Thái Nguyên: Để mô hình hoạt động hiệu quả, chúng tôi vận động các ngành, tổ chức, cá nhân tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị; đồng thời tăng cường tập huấn nghiệp vụ về sơ cấp cứu cho đội ngũ tình nguyện viên thuộc các chốt sơ cấp cứu đường bộ, đường sông; bố trí các chốt sơ cấp cứu nằm trên trục đường giao thông chính và khu vực đông dân cư, cách xa trạm y tế; cấp thẻ tình nguyện viên, cấp sổ theo dõi có ghi đầy đủ các thông tin cho những người tham gia hoạt động tại chốt…. Nhờ vậy, từ khi đi vào hoạt động, các chốt sơ cấp cứu do Hội Chữ thập đỏ T.PThái Nguyên đã mang lại những hiệu quả thiết thực và trở thành “phao cứu sinh”, địa chỉ tin cậy đối với nhiều người dân trên địa bàn. Qua đó góp phần cứu sống nạn nhân, giảm tỷ lệ tử vong, thương tật do TNGT gây ra mà còn có tác dụng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT trong nhân dân.

Lưu Phượng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: