Dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng

Cập nhật: Chủ nhật 06/03/2022 - 08:01
 Chị Lục Ngọc Lệ.
Chị Lục Ngọc Lệ.

Lần đầu trò chuyện, chúng tôi cảm nhận ở chị Lục Ngọc Lệ, xóm Tiên Trường 2, xã Tiên Hội (Đại Từ), nguồn năng lượng vô cùng tích cực. Có lẽ, chính sự lạc quan đã giúp chị vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và gặt hái “quả ngọt” như ngày hôm nay.

Thất bại là mẹ thành công

Sinh ra, lớn lên ở Tiên Hội, chị Lệ luôn khao khát có một cuộc sống đủ đầy, sung túc để có điều kiện chăm lo cho bố mẹ và các em. Dẫu vậy, cuộc sống của chị lại gặp nhiều khó khăn bởi bố mất sớm, mẹ chị một mình tảo tần nuôi các con khôn lớn. Đến năm 1993, khi xây dựng gia đình, bước vào cuộc sống mới, chị lại càng thêm vất vả khi phải tự lập, bươn trải vun vén cho gia đình nhỏ. Chị cho biết: Vợ chồng tôi cưới nhau và ra ở riêng chỉ với hai bàn tay trắng. Cuộc sống đã khó càng thêm khó khi năm 1994, tôi sinh con trai đầu lòng. Lúc ấy, chỉ lo xoay xở mưu sinh đã vô cùng gian nan.

Kinh tế gia đình hạn hẹp nên vợ chồng chị chắt chiu lắm. Nhờ đó, sau vài năm, anh chị cũng mua được vài sào chè để canh tác, làm ăn. Chăm chỉ làm lụng, “năng nhặt chặt bị”, nhất là khi được Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp giúp chị vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT không cần thế chấp tài sản, vợ chồng chị đã liên tục xoay vòng vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Tích lũy theo kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”, dần dần vợ chồng chị có điều kiện mua được diện tích đất rộng lớn (1ha) để vừa ở, vừa sản xuất.

Qua chia sẻ của chị, chúng tôi càng thấu hiểu, con đường vượt khó, vươn lên làm giàu của vợ chồng chị đã gặp biết bao trở ngại. Chị bảo: Có những thất bại sẽ khiến mình nhớ mãi trong đời. Bởi sự thất bại ấy không chỉ là mồ hôi, nước mắt mà là cả công sức và tiền của bị mất đi.

Theo lời kể của chị, đầu những năm 2000, phong trào chuyển đổi từ giống chè trung du sang trồng các giống chè lai năng suất, chất lượng như LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… lan rộng khắp làng trên, xóm dưới nơi mảnh đất Tiên Hội. Hồi ấy, chị chưa có nhiều kinh nghiệm về trồng chè giống mới nên đã mua phải giống chè kém chất lượng. Khi mới trồng, vợ chồng chị đặt rất nhiều hy vọng vào mấy sào chè giống mới. Chừng 3 năm sau, thu hoạch lứa chè giống mới đầu tiên, vợ chồng chị khấp khởi mừng thầm bởi những vất vả đêm hôm, khuya sớm chăm bẵm cho vườn chè cuối cùng đã được đền đáp. Nhưng sau chế biến, chất lượng chè rất kém, nước đỏ, không có hương vị, bán chẳng ai mua. Bởi vậy, vợ chồng chị đành phải chặt bỏ mấy sào chè giống mới đầu tiên. Chị bảo: Khi chặt bỏ diện tích chè ấy, vợ chồng tôi xót của lắm. Thời điểm đó, chúng tôi rất nghèo. Để có kinh phí chuyển đổi cây giống trên diện tích đất trồng chè này, gia đình tôi phải vay ngân hàng hàng chục triệu đồng (một món tiền rất lớn thời bấy giờ, có thể mua được cả một “thổ” đất khá rộng).

Mất 3 năm để “đóng học phí” cho sự chờ đợi, công sức và số tiền lớn như vậy có thể sẽ khiến nhiều người chùn bước, không dám mạo hiểm đầu tư tiếp cho cây chè nữa hoặc là bỏ cuộc. Nhưng với chị Lệ thì lại khác. Chị nói như đúc kết: Thất bại là mẹ thành công, sự trả giá ấy cho chúng ta kinh nghiệm, ý chí và nghị lực để vươn lên.

Sau khi chấp nhận phá bỏ toàn bộ diện tích chè lai kém chất lượng, chị Lệ lại chạy đôn, chạy đáo vay mượn tiền để đầu tư trồng lại bằng giống chè Bát Tiên - Long Vân. Dưới bàn tay chăm sóc của vợ chồng chị, vườn chè phát triển tốt và cho thu hoạch sau đó gần 3 năm. Thấy được hiệu quả của loại chè giống mới như chất lượng tốt, giá bán cao, vợ chồng chị tiếp tục mở rộng lên 3.000m2 và đến nay vẫn tiếp tục cho thu hoạch ổn định. Sản phẩm chè búp làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Luôn thử sức với những cây trồng mới

Người năng động thường không bao giờ bằng lòng mà luôn học hỏi để có được kết quả tốt hơn. Chị Lệ là một người như thế. Khi cây chè vẫn cho thu nhập ổn định, với khát vọng vươn lên làm giàu, chị xoay xở tìm hướng đi mới. Năm 2007, chị mạnh dạn đưa giống bưởi Diễn về trồng trong vườn nhà. Bưởi Diễn không khó chăm sóc nhưng 1, 2 lứa quả đầu tiên được thu hái thường cho chất lượng không được như ý muốn. Theo chị Lệ, những cây bưởi Diễn càng nhiều tuổi, chất lượng quả càng ngon. Vì vậy, sau một thời gian kiên trì theo đuổi, gần 400 gốc bưởi Diễn của gia đình chị đã cho những lứa quả chất lượng. Khi ăn, từng tép bưởi mang vị ngọt thanh mát, chuẩn bưởi Diễn mang thương hiệu “made in Tiên Hội”, được người tiêu dùng ưa chuộng. Khoảng 4, 5 năm trước, mỗi quả bưởi có thể bán được với giá 25 đến 35 nghìn đồng/quả, mang lại cho vợ chồng chị nguồn thu nhập khá.

Với mục tiêu không để đất vườn trống, chị còn đầu tư trồng thêm cây ổi, vải thiều… Khi thấy thị hiếu người tiêu dùng đã giảm đối với bưởi Diễn, vài năm trở lại đây, chị tiếp tục đầu tư trồng thêm các loại bưởi khác như Da xanh, Phúc Trạch và bưởi Đường. Chị bộc bạch: Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy các giống bưởi này rất thích hợp với vùng đất Tiên Hội. Bởi vậy, tôi quyết định trồng đa dạng các loại cây ăn quả để người tiêu dùng thỏa sức lựa chọn.

Mạnh dạn đầu tư giống, phân bón trồng các giống bưởi, đặc biệt là trồng 300 gốc bưởi Đường, đến nay, một nửa trong số đó đã cho thu hoạch. Đáng mừng là số bưởi thu hoạch từ khu vườn của vợ chồng chị được thương lái gần, xa tìm đến mua ngay tại vườn nhà. Với giá bán từ 25 đến 30 nghìn đồng/quả, mỗi vụ bưởi, gia đình chị thu nhập hơn trăm triệu đồng. Năm 2021, chị tính sơ sơ tổng thu nhập của 2 vợ chồng đạt gần 200 triệu đồng (hiện nay, nhà chị chỉ có 2 nhân khẩu, 2 con trai của chị đã đi làm, đi học xa nhà).

Khoảng 3 năm nay, chị lại tiếp tục thử sức với một loại cây mới - cây bơ. Chị cho rằng đây là loại cây dễ chăm sóc, quả bơ lại bổ dưỡng, giá bán cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện, 100 gốc bơ của gia đình chị đã bắt đầu cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Tuy năng suất chưa cao nhưng vợ chồng chị vẫn tin tưởng loại cây này sẽ giúp gia đình có thêm một nguồn thu nhập kha khá.

Không chỉ tích cực vươn lên làm giàu cho gia đình mình, chị Lệ còn là một con người giàu lòng nhân ái. Chị đã từng có 13 năm (2002-2015) tham gia công tác phụ nữ ở xóm với vai trò Chi hội trưởng. Khi còn tham gia công tác Hội, chị đã giúp đỡ nhiều chị em trong xóm cả về vật chất, tinh thần. Trong đó có một hội viên phụ nữ nghèo - chị Nguyễn Thị Thanh. Thời điểm ấy, gia đình chị Thanh rất khó khăn, chồng mất sớm, con còn nhỏ. Khi chị Thanh bị ốm nặng, phải nằm viện, chị Lệ đã vận động hội viên đóng góp tiền, ngày công lao động hỗ trợ gia đình. Vào thời điểm chị Thanh xây dựng ngôi nhà mới, chị Lệ cùng hội viên phụ nữ của xóm hỗ trợ gia đình hội viên nghèo này ngày công lao động để đào móng nhà…

Hiện nay, không giữ vai trò Chi hội trưởng Phụ nữ xóm nữa nhưng chị Lệ vẫn luôn là một hội viên gương mẫu. Có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình, chị không “giấu bí quyết” mà luôn nhiệt tình trao đổi, chia sẻ với chị em, bà con chòm xóm. Không những vậy, chị còn hỗ trợ những gia đình hội viên phụ nữ khó khăn bằng cách cho vay không lấy lãi, hỗ trợ cây giống, chỉ bảo cách làm ăn… nên đến nay, nhiều gia đình chị em làm chủ hộ đã trở nên khá giả.

Ngoài ra, chị còn là người tiên phong thực hiện mô hình điểm Ngôi nhà 3 sạch nông thôn mới- sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ ở địa phương, qua đó góp phần nhân rộng mô hình này trên địa bàn. Với nhiều nỗ lực, chị đã được nhiều cấp, ngành khen thưởng. Mới đây nhất, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khen thưởng danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu” năm 2021. Đặc biệt, chị là 1 trong 13 cá nhân tiêu biểu của tỉnh được dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022-2027) dự kiến được tổ chức vào trung tuần tháng 3 này.

Huệ Dinh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: