Hiến "tấc vàng" trong cơn “sốt” đất

Cập nhật: Thứ tư 20/07/2022 - 07:17
 Nhờ có đường giao thông thuận lợi, gỗ keo của bà con xóm Kim Long 2, xã Bình Sơn (TP. Sông Công) bán được với giá cao hơn trước đây khoảng 10 triệu đồng/ha.
Nhờ có đường giao thông thuận lợi, gỗ keo của bà con xóm Kim Long 2, xã Bình Sơn (TP. Sông Công) bán được với giá cao hơn trước đây khoảng 10 triệu đồng/ha.

Từ cuối năm 2020 trở lại đây, giá đất không ngừng “leo thang” ở nhiều địa phương trong tỉnh, thậm chí ở cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở miền núi. Mặc dù vậy, nhờ sự vào cuộc, tuyên truyền, vận động của trên 1.000 bí thư chi bộ, trưởng xóm, người có uy tín nên bà con tại các vùng DTTS và miền núi vẫn tình nguyện hiến những “tấc vàng” cho xóm làm các tuyến đường giao thông.

Xóm Kim Long 2, xã Bình Sơn (TP. Sông Công) hiện có 64 hộ dân với 251 nhân khẩu, trong đó 65% là đồng bào dân tộc Sán Dìu. Năm 2021, tuyến đường dài trên 1 km của xóm được đổ bê tông và mở rộng từ 3,5m lên 5m. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân.

Để có được kết quả trên, có sự đóng góp không nhỏ của trưởng xóm Trương Văn Tuấn. Ông Tuấn chia sẻ: Thời điểm huy động người dân hiến đất để xây dựng tuyến đường đúng vào lúc đất đang “sốt” giá. Mặc dù là xóm vùng sâu, cách trung xã hơn 5km nhưng mỗi m2 đất ở Kim Long 2 khi đó có giá trên 500 nghìn đồng, tùy từng vị trí, tăng gấp đôi so với thời điểm trước năm 2000. Cũng vì thế mà việc tuyên truyền, vận động người dân sinh sống hai bên đường hiến đất gặp không ít khó khăn. Tôi cùng với các đoàn thể của xóm đã đến từng hộ dân để phân tích, giải thích cho bà con hiểu về lợi ích khi tuyến đường được xây dựng và mở rộng. Dần dần bà con đã hiểu và 15 hộ sinh sống hai bên đường đồng thuận hiến tổng số trên 1.000m2 đất.

Để phục vụ việc xây dựng tuyến đường ở xóm Kim Long 2, gia đình ông Nguyễn Văn Quân đã hiến trên 200m2 đất ở và đất vườn - là hộ hiến đất nhiều nhất đợt này. Ông Quân cho hay: Khi được cán bộ xóm tuyên truyền, vận động hiến đất để mở đường, lúc đầu gia đình khá do dự, bởi diện tích này nếu bán đi cũng được cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, nghĩ đến tương lai lâu dài, lợi ích tuyến đường mang lại không chỉ cho bản thân, mà còn cả con cháu đời sau và cộng đồng dân cư, nên gia đình tôi đã bàn bạc và nhất trí hiến đất để làm đường. 

Tương tự xóm Kim Long 2, trong năm 2021 và 2022, đồng bào DTTS ở xóm Vạn Phú, xã Thành Công (TP. Phổ Yên) đã hiến hàng nghìn m2 đất để làm các tuyến đường trục chính trong xóm. Năm 2021, 18 hộ dân của xóm Vạn Phú đã hiến trên 3.000m2 đất; 6 tháng đầu năm 2022, có 16 hộ hiến đất với tổng diện tích trên 2.000m2 đất. Nhà nào ít cũng hiến trên 20m2, hộ nhiều nhất thì cả nghìn m2, tiêu biểu như gia đình ông Lê Văn Ba, ông Âu Văn Bốn hiến gần 4.000m2.

Ông Lê Văn Lợi, Trưởng xóm, người có uy tín ở xóm Vạn Phú, cho biết: Từ năm 2020 trở về trước, các tuyến đường trong xóm mở đến đâu, bà con đều vui vẻ hiến đất đến đó. Nhưng từ năm 2021 đến nay, khi địa phương có Dự án hồ Suối Lạnh, cách xóm khoảng 3km và thị xã Phổ Yên chính thức trở thành thành phố, giá đất trong xóm có sự biến động mạnh, đất ở mặt đường xóm cũng có giá trung bình trên 3,5 triệu đồng/m2. Do vậy, việc huy động người dân hiến đất gặp nhiều khó khăn, có hộ chần chừ không hiến, có hộ lại đòi tiền đền bù.

Với quyết tâm "khó mấy cũng phải làm", ông Lợi cùng với Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận xóm đã tổ chức các buổi họp để bàn bạc công khai về chủ trương làm các tuyến đường; lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những hộ có đất ở mặt đường. Ngoài ra, hằng tuần, ông Lợi cùng đại diện các đoàn thể, đảng viên thay nhau đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con hiểu về chính sách làm đường giao thông nông thôn. Dần dần, mọi người dân đều thấy được trách nhiệm bản thân với cộng đồng, bà con đã tự nguyện hiến đất.

Không riêng ông Tuấn, ông Lợi, trong 2 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tấm gương tiêu biểu ở vùng DTTS và miền núi tham gia hiến đất và tuyên truyền người dân hiến đất làm đường giao thông.... Tiêu biểu như ông Lã Văn Dần, Bí thư Chi bộ xóm Cầu Sào, xã Đức Lương (Đại Từ); ông Hoàng Văn Nhân, Trưởng xóm Hương Bảo 2, xã Quy Kỳ (Định Hóa); ông Lục Văn Sáu, người có uy tín ở xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt (Phú Bình)... Từ đó, đóng góp tích cực mang lại diện mạo mới cho những vùng DTTS và miền núi, góp phần xây dựng nông thôn mới. 

Vũ Công
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: