Người thầy tận tuỵ
![]() |
Vừa trải qua chặng đường gần 600 km từ Điện Biên Phủ về Thái Nguyên, nhưng Giáo sư Đỗ Văn Hàm (ảnh), Trưởng Khoa Y tế Cộng đồng, Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên) đã lên ngay giảng đường cho kịp buổi dạy. 37 năm làm giảng viên, chưa bao giờ Giáo sư lỡ hẹn với sinh viên và đồng nghiệp.
Vậy mà khi trò chuyện với chúng tôi, Giáo sư khiêm tốn: Có ai sinh ra đã là giáo sư đâu... rồi lấy cho tôi xem từng cuốn sách do chính Giáo sư viết. Thấy tôi lóng ngóng lật giở từng trang, Giáo sư ôn tồn: Sách nhẹ lắm, nhưng trong đó là tri thức em ạ.
Vâng! Tôi hiểu: Trong mỗi cuốn sách tôi cầm trên tay, Giáo sư đã gửi gắm vào đó tâm huyết đời mình - tâm huyết của một người thầy đào tạo cho xã hội những người thầy thuốc chữa bệnh cứu người, nên sách rất có sức nặng... Nhìn những cuốn từ điển ngả màu, nhăn thành nếp vì được lật mở tra cứu nhiều, tôi biết ở tuổi 60 rồi, Giáo sư vẫn tự học và tìm hiểu thêm những kiến thức chuyên ngành để bổ sung cho bài giảng. Giáo sư ôn tồn bảo: Sách là chìa khoá mở cửa vào căn nhà tri thức nên phải đọc, phải học suốt đời cũng chưa đủ. Nhất là thời đại thế giới hội nhập, nếu không sử dụng thành thạo được một ngoại ngữ thì... mình sẽ trở nên lạc hậu, nhất là khi làm việc với đối tác nước ngoài. Chính vì thế, tôi luôn căn dặn học trò của mình phải năng học thêm ngoại ngữ để có điều kiện nghiên cứu, tiếp cận với những kiến thức mới của nhân loại.
Cũng nhờ sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Nga nên khi tham gia các hội thảo quốc tế, Giáo sư được đồng nghiệp nước ngoài quý trọng. Nhiều kiến thức mới thuộc lĩnh vực chuyên môn, Giáo sư tìm được ngay trong sách của bạn bè quốc tế gửi tặng. Hàng ngày, thông qua mạng Internet, Giáo sư còn tranh thủ trao đổi với bạn bè ở nhiều nước trên thế giới về tâm tư tình cảm, về nghiệp vụ chuyên môn. Cũng có khi hỏi bạn bè về một lĩnh vực mới và có lúc giúp bạn giải đáp một vướng mắc về thuật ngữ chuyên ngành...
Đồng thời với giảng dạy chuyên môn, Giáo sư lặng lẽ nghiên cứu, viết các bài báo khoa học gửi đăng trên các tạp chí trong nước, quốc tế, được đồng nghiệp đánh giá cao. Qua quá trình công tác, Giáo sư đã công bố 59 bài báo khoa học trong nước, 2 bài báo khoa học ở nước ngoài và đã xuất bản được 10 cuốn sách khoa học. Điển hình như các cuốn sách: Bệnh học nghề nghiệp; Vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp; Phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học Y học... Nhiều cuốn sách của Giáo sư đã trở thành cẩm nang, sách gối đầu giường của không ít đồng nghiệp và sinh viên. Cũng qua suốt gần 40 năm trong nghề, Giáo sư đã phôi thai, cho công bố 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, điển hình là đề tài “Nghiên cứu các biện pháp can thiệp nhằm giảm tác hại của hoá chất bảo vệ thực vật tại khu vực chuyên canh rau (T.P Thái Nguyên)” và nhiều đề tài cấp ngành, cấp cơ sở khác được Hội đồng khoa học các cấp đánh giá cao.
Ngoài ra, Giáo sư còn trực tiếp hướng dẫn, giúp học viên, sinh viên cách nghiên cứu, tiếp cận và chắp bút các đề tài khoa học, bài báo khoa học thành công. Theo Giáo sư: Mình đứng sau các đề tài khoa học hoặc bài báo khoa học của học viên là cách tốt nhất trong việc dìu dắt thế hệ trẻ đi vào con đường nghiên cứu khoa học. Qua đó, mình tạo cho thế hệ sau có động lực để say mê, nhất là việc giới thiệu các học trò của mình với bạn bè nước ngoài tại các hội thảo quốc tế…
Nhớ lại những năm chín mươi của thế kỷ trước, khi đi nghiên cứu sinh ở Cộng hoà Liên bang Nga, cũng nhờ giỏi chuyên môn và ngoại ngữ, ông được các thầy cô và bạn bè học ở Học viện Y vệ sinh Leningrat quý mến. Trong thời gian học tập ở nước bạn, ông may mắn được tiếp xúc với nhiều giáo sư đầu ngành, được Học viện coi như một thành viên. Hàng ngày, sau các buổi lên lớp hoặc tự học ở ký túc xá, ông được phép vào làm việc trực tiếp trong Viện.
Ông tâm sự: Đó là con đường ngắn nhất mình học được tinh hoa của bạn, để sau này mang kiến thức về phục vụ nhân dân. Năm 1990, ngay sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Bệnh nghề nghiệp/Y học Dự phòng, ông được nhiều viện lớn trong nước mời về làm chuyên viên, giảng viên, nhưng ông đã từ chối để trở lại Trường cũ công tác. Bằng cách tích cực tham gia cùng với bộ môn xây dựng chương trình đào tạo cho các đối tượng đào tạo tại Trường về lĩnh vực Y học dự phòng; biên soạn và chủ biên các giáo trình giảng dạy, đồng thời, nghiên cứu, cập nhật thông tin mới về các chuyên ngành vệ sinh môi trường; vệ sinh lao động; bệnh nghề nghiệp; dịch tễ học; dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm... giúp cho bài giảng phong phú. Vì thế, trong đôi mắt đồng nghiệp cũng như các thế hệ học trò, ông luôn là người thầy đáng kính.
Giáo sư tâm sự: Nếu cứ bệ nguyên giáo trình áp dụng cho tất cả mọi đối tượng, chắc chắn mình sẽ đào tạo cho xã hội những sản phẩm kém năng động. Do vậy, trước mỗi giờ giảng trên lớp, tôi đều tìm hiểu về nhận thức của sinh viên và biết mình nên bắt đầu bài giảng như thế nào. Quan trọng là khơi gợi được suy nghĩ sáng tạo của các học viên, sinh viên...
Mái tóc nay đã ngả màu sương, suốt gần 40 năm làm người “lái đò”, Giáo sư đã đưa hàng nghìn học trò cập mạn bờ tri thức. Đã có nhiều học trò thành danh còn Giáo sư vẫn là một người thầy tận tuỵ, cần mẫn với công việc nghiên cứu, giảng dạy. Ông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng nhiều Bằng khen. Năm 2010, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư.