Thầm lặng vì cộng đồng

Cập nhật: Thứ tư 27/07/2022 - 17:21
 CCB Đinh Văn Khánh (bên trái) trao đổi kiến thức nuôi ong mật với lãnh đạo Hội CCB huyện Đồng Hỷ.
CCB Đinh Văn Khánh (bên trái) trao đổi kiến thức nuôi ong mật với lãnh đạo Hội CCB huyện Đồng Hỷ.

Cống hiến cả tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc, sau khi rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, cựu chiến binh (CCB) Đinh Văn Khánh, ở xóm Minh Lý, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) đã quyết tâm vượt khó vươn lên. Với những nỗ lực của bản thân, ông đã có nhiều hoạt động vì cộng đồng, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp và trở thành tấm gương điển hình trong việc làm theo lời Bác.

Những việc làm “không giống ai”
Sinh ra ở vùng quê Minh Lý, mảnh đất chuyên trồng mía làm đường một thời của huyện Đồng Hỷ, năm 1968, chàng thanh niên Đinh Văn Khánh đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, mặc dù tuổi chưa tròn 18 và là con một trong gia đình một mẹ một con. 17 năm trong quân ngũ, dấu chân in khắp các chiến trường từ Bình Trị Thiên khói lửa đến Tây Nguyên nắng gió, rồi qua Lào, Campuchia, ông kịp có mặt tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Năm 1984, đại úy Đinh Văn Khánh rời quân ngũ, là bệnh binh hạng 2. Ông trở về sinh sống cùng gia đình tại địa phương, thời điểm đó, cái đói, cái nghèo hiện hữu khắp làng quê, không riêng gì xóm nhỏ Minh Lý. Gia đình ông cũng chỉ là hộ sản xuất nông nghiệp thuần túy, nên vợ chồng ông phải xoay đủ thứ nghề từ trồng ngô, đỗ, lạc đến cấy lúa, sao chè, rồi nuôi lợn, gà để từng bước ổn định cuộc sống.

Đến năm 1994, ông Khánh bắt đầu tham gia công tác tại địa phương với nhiều vị trí công việc khác nhau, như: Chủ tịch Hội CCB, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã… Trải qua hơn 20 năm công tác, ở vị trí nào ông cũng luôn phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đi đầu trong các phong trào, góp phần đưa Minh Lập từ một xã “yếu toàn thân” trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Đồng Hỷ. 

Trong câu chuyện của những người dân đôn hậu nơi đây, khi kể về CCB Đinh Văn Khánh, họ luôn dành cho ông những lời ca ngợi khi nhắc đến những việc làm “không giống ai” của ông nhưng mang lại hiệu quả thiết thực đối với đời sống của bà con. Từ việc ông đứng ra thế chấp 4 căn nhà vay 60 triệu đồng để kéo đường điện đầu tiên về xã, đến việc ông phát động bà con hiến đất mở đường liên xã, liên xóm rộng rãi, tạo thuận lợi trong việc đi lại, giao thương hàng hóa. Hay như câu chuyện ông vận động 6 hộ đổi đất làm đình chợ để người dân địa phương và khu vực lân cận có nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa. Chợ Trại Cài, Minh Lập ra đời từ đó và cũng nhờ vậy mà chè Trại Cài ngày càng nổi tiếng, thương nhân khắp nơi tìm về mang sản phẩm đi tiêu thụ trong và ngoài nước, góp phần đưa hương chè bay xa...

Những tư duy mới, cách làm sáng tạo của ông Khánh đã mang lại luồng gió mới cho đời sống của người dân địa phương, nhưng cũng khiến ông gặp không ít trở ngại, thậm chí việc đổi đất làm chợ còn khiến ông suýt bị cấp trên kỷ luật do cách làm “không giống ai”. Ông Khánh chia sẻ: Xác định rõ nhiệm vụ được tổ chức phân công, tôi luôn tích cực học tập, trau dồi kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn từng vị trí công tác phù hợp và hiệu quả. Đặc biệt, là người lính trưởng thành trong quân ngũ, tôi luôn suy nghĩ, áp dụng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác vào công việc hằng ngày để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao...

Xông pha trên mặt trận kinh tế
Từ khi còn là Bí thư Đảng ủy xã Minh Lập, CCB Đinh Văn Khánh đã gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Năm 1997, ông mua 6 thùng ong về nuôi lấy mật trong khi kinh nghiệm nuôi ong chưa có, tại địa phương cũng chưa có hộ nào nuôi ong. “Tính tôi vốn ham học hỏi, ban đầu nuôi ong chỉ là muốn phục vụ nhu cầu của gia đình. Sau khi nuôi vài ba năm và đã có kinh nghiệm hơn, tôi phát triển số lượng đàn ong lớn dần lên. Hiện nay, gia đình tôi có 130 thùng ong, trung bình mỗi năm thu trên 2 tấn mật, giá bán trung bình từ 80 đến 120 nghìn đồng/lít. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi trên 100 triệu đồng” - ông Khánh kể.

Trong quá trình nuôi ong, ban đầu ông Khánh cũng gặp không ít khó khăn. Sau đó, nhờ tìm tòi, học hỏi từ những người nuôi ong trước, ông dần rút ra nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Yêu nghề nuôi ong nên ông rất am hiểu tính nết từng đàn ong của gia đình và có các biện pháp thích hợp để ong phát triển tốt, cho mật nhiều. Đó là phải kiểm tra, vệ sinh từng thùng ong hằng ngày để theo dõi tình trạng ong. Đặc biệt là ong chúa, nếu ong chết hay đẻ kém thì phải thay ong chúa khác. Thông thường ong chúa có tuổi thọ từ 3-4 năm, ong thợ từ 60-70 ngày, ong đực từ 70-80 ngày. Ngoài ra, trong quá trình nuôi ong cần chú ý đến bệnh xâm hại tổ, ăn hết nhộng non bên trong, bệnh thối ấu trùng gây hại đàn ong, cũng như trợ giúp để đàn ong vượt qua thời gian thiếu vắng mùa hoa…

Nuôi ong mật hiện đang là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhiều gia đình, không đòi hỏi nhiều nhân lực, chi phí đầu tư cũng không cao mà lại cho thu nhập ổn định, sản phẩm dễ tiêu thụ. Cùng với nuôi ong phát triển kinh tế gia đình, CCB Đinh Văn Khánh còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và cung cấp ong giống cho những người mới vào nghề nuôi ong. Đến nay, ở xóm Minh Lý đã có khoảng 20 hộ nuôi ong mật với tổng số trên 800 đàn.

Ông Vũ Văn Ân, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Đồng Hỷ cho biết: CCB Đinh Văn Khánh là một trong những hội viên năng động, sáng tạo, nhạy bén trong phát triển kinh tế. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông Khánh đã vượt khó vươn lên, không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn là tấm gương sáng cho nhiều hội viên CCB học tập, noi theo...

Minh Phương
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: