Trường Đại học Kinh tế quản trị và Kinh doanh Thái Nguyên:
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

Cập nhật: Thứ bẩy 27/06/2015 - 09:19
 Mô hình quy hoạch rau an toàn vùng ven đô thị đang được các chuyên gia thẩm định.
Mô hình quy hoạch rau an toàn vùng ven đô thị đang được các chuyên gia thẩm định.

Quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành TW khóa VIII của Đảng về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: "Các trường đại học phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống".

Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế quản trị và kinh doanh Thái Nguyên (KTQTKD) đã xác định đào tạo đi đôi với nghiên cứu khoa học (NCKH) và coi đây là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

 

Với sứ mạng là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao, NCKH và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý cho phát triển kinh tế -xã hội, đặc biệt ở khu vực miền núi và Trung du Bắc Bộ, Nhà trường đã chủ trương phải ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở thực tế kinh tế - xã hội các các địa phương của vùng. Trong giai đoạn 2004-2015,  Nhà trường đã và đang nghiên cứu hàng trăm đề tài khoa học và dự án các cấp, trong đó có năm dự án quốc tế, 41 đề tài cấp bộ, cấp tỉnh, 296 đề tài cấp cơ sở. Trong mười năm hoạt động, Trường đã công bố 490 bài nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước và quốc tế, trong đó có 51 bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí nước ngoài, nghiên cứu và xuất bản được năm số Tạp chí Kinh tế và Quản trị kinh doanh có mã số ISSN (International Standard Serial Number) bằng hai thứ tiếng Anh và Việt. Nhà trường đã tổ chức được 12 hội thảo quốc tế (trong đó có hai hội thảo quốc tế được tổ chức ở Hàn Quốc và Xinh-ga-po). Ngoài ra, Trường còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn, thu hút sự quan tâm đông đảo của các cơ quan hoạch định chính sách của Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, các bộ, ngành.

 

Năm 2008, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo về "Suy giảm kinh tế, từ lý thuyết đến thực tiễn Việt Nam"; năm 2012, cùng Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức "Tọa đàm góp ý cho Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012"; năm 2013, Nhà trường tổ chức thành công hai cuộc hội thảo quốc tế: "Hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc: lý thuyết và thực tiễn" và Hội thảo "Hợp tác kinh tế ASEAN - Hàn Quốc"; tham gia tư vấn cho Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về bảo hiểm y tế. Năm 2014, tham gia nghiên cứu "Tổng kết đường lối đổi mới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" do Ban Kinh tế Trung ương đặt hàng; tích cực tham gia nghiên cứu sáu đề tài về "Đổi mới Y tế Việt Nam và kinh tế xã hội các vùng dân tộc thiểu số phía Bắc" do Ban Tuyên giáo Trung ương đặt hàng. Đặc biệt trong giai đoạn 2013-2015, chỉ tính các đề tài cấp bộ, cấp tỉnh và cấp Đại học Thái Nguyên, Nhà trường đã và đang thực hiện 30 đề tài và dự án cho các tỉnh trong vùng, trong đó có 14 đề tài, dự án đã nghiệm thu. Riêng đối với tỉnh ta, các giảng viên của Nhà trường đã và đang thực hiện 20 đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp bộ và cấp Đại học Thái Nguyên, trong đó đã nghiệm thu 10 đề tài dự án. Các đề tài dự án đã được các cơ quan chức năng của tỉnh và doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn. Ngoài ra, các giảng viên, sinh viên của Trường còn nghiên cứu hàng trăm đề tài NCKH cấp cơ sở thuộc lĩnh vực chuyên môn và các vấn đề kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Trong nhóm các đề tài chuyển giao ứng dụng, đã và đang phát huy tốt hiệu quả tại các địa phương, doanh nghiệp, như: Xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh gắn với xây dựng nông thôn mới;  Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng thương hiệu nông sản, về phát triển kinh tế các loại cây trồng, vật nuôi; Đảm bảo an ninh lương thực, phát triển du lịch; Các vấn đề về giảm nghèo bền vững... đã được áp dụng rộng rãi tại các địa phương của tỉnh như: Đồng Hỷ, Phú Lương, T.P Thái Nguyên và các địa phương thuộc các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Những kết quả đó đã được ghi nhận bằng những Bằng khen và Cờ thi đua mà các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc,… và Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cho Nhà trường từ các năm 2012, 2013, 2014.

 

Với cách nhìn nhận để khoa học, công nghệ đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, các nhà nghiên cứu, những người làm công tác khoa học phải có môi trường nghiên cứu, chuyển giao, 5 năm qua (2010-2015,) Nhà trường đã huy động được 123 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chất lượng cao của các Viện nghiên cứu quốc gia, như: Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Nghiên cứu Đông - Nam Á... và một số giáo sư giỏi của các trường đại học hàng đầu của Việt Nam về trực tiếp hướng dẫn và tham gia giảng dạy, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học của Nhà trường. Ngoài ra, hằng năm còn có 30 đến 40 giáo sư nổi tiếng nước ngoài đến tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

 

Có thể nói, hoạt động nghiên cứu khoa học gắn liền với hiệu quả chuyển giao, ứng dụng và nâng cao chất lượng của giáo dục và đào tạo đã và đang trở thành động lực và là mục tiêu phát triển dài hạn của Nhà trường. Với kết quả đã đạt được trong những năm qua, Trường Đại học KTQTKD đã và đang khẳng định là nhân tố đi đầu trong xây dựng Đại học Thái Nguyên thành đại học trọng điểm của vùng.

Trinh An
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: