Chạm “room” tín dụng: Nửa mừng, nửa lo

Cập nhật: Thứ hai 15/08/2022 - 07:26
 BIDV là một trong những ngân hàng chạm hạn mức tín dụng được NHNN cấp tạm trong năm 2022. Do đó, nhiều khoản vay của khách hàng tạm thời không thể đáp ứng.
BIDV là một trong những ngân hàng chạm hạn mức tín dụng được NHNN cấp tạm trong năm 2022. Do đó, nhiều khoản vay của khách hàng tạm thời không thể đáp ứng.

Năm 2020 và 2021, việc tăng dư nợ tín dụng đối với phần lớn ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sang đến năm 2022, với sự phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu vốn tăng cao, nên ngay từ cuối quý II, nhiều ngân hàng đã chạm “room” tín dụng (giới hạn cho vay). Đây được xem là dấu hiệu đáng mừng, song cũng gây không ít khó khăn cho cả doanh nghiệp (DN) và ngân hàng.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với cuối năm 2021 (tăng 16,69% so với cùng kỳ năm 2021), là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Với mục tiêu tăng 14% cả năm, dư địa còn lại 6 tháng cuối năm chỉ là 4,64%. Trong khi đó, theo quy luật, nhu cầu vốn những tháng cuối năm thường tăng cao do DN cần nhập hàng tích trữ phục vụ Tết. Ngoài ra, ngành Ngân hàng đang triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho DN theo gói 40.000 tỷ đồng từ ngân sách theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Thực tế này đã và đang khiến nhiều ngân hàng phải xin nới “room” tín dụng, song hiện vẫn chưa được NHNN chấp thuận do lo ngại làm gia tăng lạm phát.

Tại Thái Nguyên, theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh: Mặc dù theo kế hoạch, tăng trưởng tín dụng cả năm của toàn tỉnh chỉ là 12% nhưng tính đến cuối tháng 6-2022, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đạt 79.080 tỷ đồng, tăng 7.512 tỷ đồng (tương ứng tăng 10,62%) so với cuối năm 2021 (trung bình mỗi tháng tăng 1.252 tỷ đồng). Với mức tăng này, nhiều ngân hàng đã chạm ngưỡng chỉ tiêu cho vay cả năm. Do đó, trong tháng 7, dư nợ này chỉ tăng thêm 157 tỷ đồng (lên 79.237 tỷ đồng), mặc dù nhu cầu vay vốn của người dân, DN vẫn lớn. Điều này khiến nhiều DN, hộ kinh doanh gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn.

Chị Nguyễn Thị Thanh, kế toán trưởng một DN kinh doanh sắt thép ở phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên), cho biết: Gần 2 tháng nay, DN tôi không được vay theo hình thức thông thường tại ngân hàng truyền thống nữa, mà phải vay theo hình thức LC (thư tín dụng, do ngân hàng phát hành). Với hình thức vay này, thay vì được giải ngân sau vài tiếng, DN phải chờ khoảng 1 tuần. Tuy lãi suất vay theo hình thức LC thấp hơn khoảng 0,2-0,3%/năm, nhưng ngược lại, do không kịp thời thanh toán nên với nhiều khoản nhập, DN bị đối tác tính lãi cao hơn.

Nhiều DN hiện không thể tiếp cận khoản vay tại những ngân hàng TMCP Nhà nước để có được lãi suất hợp lý, khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng.

Chị Thanh cũng chia sẻ: Trên thực tế, DN tôi vẫn có thể vay tại một số ngân hàng TMCP nhỏ, song lãi suất cao hơn hẳn so với ngân hàng TMCP Nhà nước. Trước đây, LC chỉ áp dụng đối với các DN có hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng nay, một số ngân hàng đã áp dụng cho cả DN khác, với điều kiện có báo cáo tài chính đẹp, có hợp đồng lớn và khoản vay minh bạch.

Cùng với khoản vay thông thường, các khoản vay thấu chi có hạn mức cao tại một số ngân hàng hiện cũng đang bị tạm dừng. Theo lãnh đạo một ngân hàng: Từ đầu tháng 8 đến nay, đơn vị đã phải tạm dừng cho vay đối với các khoản tiền tỷ, còn những khoản vay vài trăm triệu đồng, ngân hàng vẫn cố gắng đáp ứng. Trong khi toàn ngành chờ được nới “room” tín dụng thì các chi nhánh vẫn thực hiện việc cho vay đối với những khoản vay nhỏ và cứ khi có khách hàng trả ra, thì nguồn tiền đó lại được giải ngân cho khách có nhu cầu và đủ điều kiện. Một trong những yếu tố khiến nhu cầu vốn tăng cao những tháng qua là do nhiều DN bán hàng chậm, tồn kho nhiều khiến dòng vốn bị ứ đọng. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến "room" tín dụng của nhiều các ngân hàng, nhất là những ngân hàng có tỷ lệ cho vay sản xuất, kinh doanh lớn.

Không những gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn mà lãi suất cho vay của ngân hàng hiện tăng khá cao so với hồi đầu năm 2022, dao động từ 0,6-2%/năm, tùy ngân hàng và kỳ hạn. Nguyên nhân là do hầu hết gói tín dụng ưu đãi của ngân hàng dành cho khách hàng thông thường bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã không còn (trừ khách hàng thuộc đối tượng của Nghị định số 31). Hiện, lãi suất phổ biến các ngân hàng TMCP Nhà nước đang ở mức 8-8,5% với kỳ 6 tháng; từ 9-9,5% ở kỳ 9 tháng; 9,8-10% ở kỳ dưới 12 tháng; còn trên 12 tháng là 11,5-12%. Đối với các ngân hàng TMCP nhỏ, mức lãi suất cao hơn khoảng 1-2%/năm, cộng với đó là một số điều kiện như phải tham gia gói bảo hiểm nhân thọ ít nhất 15 triệu đồng/năm…

Rõ ràng, việc khó tiếp cận được nguồn tiền cho vay tại nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng TMCP Nhà nước đã và đang khiến nhiều DN, hộ kinh doanh gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các ngân hàng sàng lọc khách hàng theo “khẩu vị” của đơn vị mình, cũng như có cơ hội giữ lại khách hàng tốt. Còn việc lãi suất dần trở lại mức trước khi có dịch COVID-19 cho thấy nền kinh tế bắt đầu có sự phục hồi, khởi sắc trở lại.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nới lỏng tín dụng có thể khiến lạm phát tăng cao. Nhưng thắt chặt tín dụng cũng dễ khiến nền kinh tế thiếu vốn, giảm cung hàng hóa, nhất là vào thời điểm cuối năm, từ đó đẩy giá cả leo thang và vẫn khiến lạm phát tăng cao. Cùng với đó là việc triển khai gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31 nên nhiều khả năng, NHNN sẽ nới "room" tín dụng, nhưng chắc hẳn sẽ có chọn lọc và thời điểm nới phù hợp, nhằm kiềm chế lạm phát, cũng như tránh tạo ra một cuộc đua tăng lãi suất huy động, gây ra phản ứng dây chuyền là tăng lãi suất cho vay, dẫn tới tăng nợ xấu.

Thu Hằng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: