Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ở T.X Sông Công:
Chọn những điểm mạnh làm đà
Mô hình nhân rộng giống lúa lai vụ xuân tại xã Bá Xuyên (T.X Sông Công) cho năng suất 62 tạ/ha. Ảnh: Q.T |
Sau 4 năm (2011-2014) T.X Sông Công thực hiện Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, giá trị sản xuất của ngành kinh tế này đã tăng từ 310 tỷ đồng (năm 2010) lên 456 tỷ đồng (năm 2014). Đó là kết quả của việc thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ người nông dân để khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Kỳ I: Tạo động lực cho nông dân
Chủ động tìm lợi thế
Ông Tạ Văn Hạt, Trưởng phòng Kinh tế T.X Sông Công cho biết: Trước năm 2010, người nông dân trên địa bàn thị xã mặc dù lao động vất vả, nhưng thu nhập lại thấp do giá trị của các sản phẩm cây trồng, vật nuôi chưa cao. Chính vì vậy, Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp được thực hiện với mục đích hỗ trợ, khuyến khích nông dân nâng cao giá trị sản xuất.
Để triển khai Chương trình, ngoài việc thực hiện cơ chế đối ứng nhằm huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi và các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thị xã còn thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân. Khi tham gia các mô hình, ngoài khoản hỗ trợ của tỉnh, thị xã hỗ trợ thêm 50% tiền mua các loại cây giống. Đơn cử như mô hình nhân rộng sản xuất lúa lai tại xã Bá Xuyên và Vinh Sơn. Khi người dân đăng kí tham gia mô hình, Phòng Kinh tế thị xã và chính quyền xã tiến hành kiểm tra thực địa và hỗ trợ các hộ nông dân tham gia Chương trình với mức 1,6 triệu đồng/ha; lúa thuần chất lượng cao được hỗ trợ 1,08 triệu đồng/ha; hỗ trợ tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đối với mô hình nhân rộng cây thanh long ruột đỏ, người dân được hỗ trợ 27 triệu đồng/ha và được vay tín chấp với lãi suất ưu đãi.
Thực hiện chương trình này phường Lương Châu đã chọn cây thanh long ruột đỏ để thay thế những cây trồng truyền thống có giá trị kinh tế thấp. Trước khi đưa cây thanh long ruột đỏ vào trồng đại trà, Phòng Kinh tế thị xã đã phối hợp với chính quyền địa phương chọn một số hộ nông dân có kinh nghiệm sản xuất, quỹ đất phù hợp để tham gia mô hình mẫu. Qua 4 năm thực hiện mô hình, đến nay, diện tích cây thanh long ruột đỏ ở đây đã phát triển mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao do thích hợp với thổ nhưỡng, tập quán canh tác, nhu cầu của thị trường lớn. Hiện, trên địa bàn phường Lương Châu đã có 20 hộ gia đình trồng thanh long ruột đỏ theo Chương trình Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của Thị xã với diện tích gần 7ha, trong đó 4ha đã cho thu hoạch. Nhiều hộ dân trồng thanh long ruột đỏ ở đây cho biết: 1ha thanh long ruột đỏ cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/1 năm, trừ chi phí người nông dân vẫn còn lãi khoảng 160 triệu đồng (cao gấp 4 lần so với trồng các loại cây truyền thống trước đây). Cây thanh long ruột đỏ giờ không chỉ bén rễ ở phường Lương Châu mà còn phát triển ở các địa phương khác: Bách Quang; Tân Quang; Thắng Lợi. Ngoài ra, thực hiện Chương trình Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của T.X Sông Công, nông dân còn đưa thêm một số mô hình trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế, năng suất cao, như: bưởi Diễn, nhãn lồng; chuối tiêu hồng…Đến nay, diện tích các loại cây ăn quả chất lượng cao của T.X Sông Công đã phát triển lên 650ha. 2 xã Bình Sơn, Vinh Sơn có lợi thế về quỹ đất đồi, đất bãi nên T.X Sông Công đã định hướng và có chính sách hỗ trợ để nông dân phát triển cây chè và trồng rừng…
Đối với các loại cây trồng ngắn ngày, T.X Sông Công đã tập trung thâm canh các giống lúa lai, lúa thuần (LC 212; SYN 6; Nhị ưu 838; HT1; Bắc Thơm số 7); bí xanh siêu quả; rau an toàn; khoai tây. Sau khi các mô hình mẫu đã có kết quả từ thực tiễn sản xuất, T.X Sông Công đã chọn 2 xã: Vinh Sơn, Bá Xuyên để thâm canh lúa lai. Đến nay, diện tích cấy lúa lai, lúa thuần chất lượng cao của T.X Sông Công đạt 700ha, năng suất trung bình đạt 62 tạ/ha (tăng 22 tạ so với năm 2009) đã góp phần nâng cao sản lượng lương thực của T.X Sông Công (năm 2014 đạt 18.177 tấn), giá trị sản xuất đạt 83 triệu đồng/ha đất nông nghiệp (tăng 6,6% so với năm 2013)
Đa dạng hóa các loại hình chăn nuôi
Cùng với việc đưa giống cây trồng mới cho năng suất cao vào sản xuất, T.X Sông Công đã quy hoạch để định hướng dịch chuyển dần các trang trại, gia trại ra khỏi khu vực nội thị và có một số giải pháp hỗ trợ để nâng cao giá trị ngành chăn nuôi. Trong 4 năm qua, T.X Sông Công đã hỗ trợ kinh phí mua con giống, vắc-xin phòng bệnh, tập huấn kỹ thuật, tạo điều kiện về thủ tục hành chính, vay vốn để cải tạo, phát triển các loại vật nuôi theo quy mô lớn. Hiện, trên địa bàn thị xã có 42 trang trại chăn nuôi gà (quy mô 7.000 con/trang trại) được nuôi theo quy trình công nghiệp - an toàn sinh học, gắn với bao tiêu sản phẩm; 3 trang trại chăn nuôi lợn giống (quy mô 100 con nái trở lên). Một số mô hình nuôi các loại đặc sản như: ba ba, cá sấu, thỏ, chim trĩ… cũng được nông dân chủ động đưa vào nuôi thử nghiệm. Từ sự hỗ trợ của chính quyến địa phương và sự nỗ lực vươn lên của các hộ nông dân trên địa bàn nên giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của T.X Sông Công năm 2014 đã đạt 213 tỷ đồng (tăng 2,34 lần so với năm 2010).
Ông Đặng Mộng Điệp, Phó Chủ tịch UBND T.X Sông Công đánh giá: “Khoản hỗ trợ của thị xã chỉ là hơn 4 tỷ đồng nhưng đã tạo động lực để khích lệ bà con nông dân đầu tư sản xuất nông nghiệp, đem lại giá trị kinh tế gấp nhiều lần. Kinh nghiệm của chúng tôi là ngoài sự hỗ trợ trực tiếp còn phải thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời tạo mọi điền kiện có thể để người nông dân nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp”.
(Còn nữa)