Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ở T.X Sông Công:
Chọn những điểm mạnh làm đà
Mô hình chăn nuôi gà ri vàng rơm theo hướng an toàn sinh học của gia đình anh Nguyễn Văn Huấn (xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn) được hỗ trợ 1.000 con gà giống. |
Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, tuy nhiên, với diện tích đất nông nghiệp có hạn và ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp thì vấn đề quy hoạch phân khu, phân vùng có ý nghĩa rất quan trọng đối với T.X Sông Công trong thời gian tới.
Kỳ II: Còn nhiều thử thách đặt ra
Căn cơ sử dụng quỹ đất nông nghiệp
Tổng diện tích tự nhiên của T.X Sông Công chỉ có 8.276,27ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 4.425ha, diện tích đất lúa có 2.100ha. Do vậy, công tác quy hoạch sử dụng đất của thị xã rất bức thiết và cần được thực hiện chi tiết, hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Minh Tú, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường T.X Sông Công cho biết: “Từ nay đến năm 2020, diện tích đất cấy lúa của toàn thị xã sẽ tiếp tục bị thu hẹp xuống còn khoảng 1.600ha do quy hoạch phát triển công nghiệp và các mục đích khác. Vì vậy, việc quy hoạch phân khu từng vùng để đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất là rất cần thiết. Đặc biệt, chúng tôi đã phối hợp với 10 phường, xã trên địa bàn rà soát những thửa đất cấy lúa nằm xen kẽ trong khu dân cư bị ô nhiễm, ngập úng có nguy cơ bị bỏ hoang (với tổng diện tích gần 8ha) để trình các ngành chức năng của tỉnh xem xét cho phép bà con chuyển đổi sang trồng hoa, cây ăn quả hoặc đào ao nuôi trồng thuỷ sản trong năm 2015”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại 6 phường và xã Bá Xuyên diện tích đất nông nghiệp rất có giá trị vì có điều kiện thâm canh để sản xuất các loại nông sản hàng hoá, như: rau an toàn, hoa và các loại củ, quả phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã và vùng phụ cận. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp còn khả năng đầu tư để thâm canh ở các địa phương này giờ rất hẹp: Xã Bá Xuyên (597ha); Bách Quang (365,8ha); Lương Châu (130,2ha); Thắng Lợi (115ha); Cải Đan (194ha); Phố Cò (223ha); Mỏ Chè (31ha). Quỹ đất nông nghiệp không lớn nhưng nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng loại đất này sang các mục đích khác ở T.X Sông Công rất cao. Riêng năm 2014, T.X Sông Công có 24 dự án với tổng diện tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 98,8ha; sang năm 2015, nhu cầu đăng ký sử dụng đất cho 34 công trình, dự án tăng lên 279ha. Các năm tiếp theo, nhu cầu sử dụng đất ở T.X Sông Công vào các mục đích phi nông nghiệp sẽ tăng hơn nữa do lên thành phố trực thuộc tỉnh.
Cần có giải pháp phù hợp
Quỹ đất phục vụ sản xuất nông nghiệp dần bị thu hẹp do phát triển đô thị, công nghiệp ở T.X Sông Công là điều tất yếu. Đòi hỏi cấp bách đối với cấp uỷ, chính quyền T.X Sông Công trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo là phải đưa giá trị kinh tế của ngành Nông nghiệp tăng nhanh để thu nhập của người nông dân trên địa bàn được nâng lên.
Những kết quả trong sản xuất nông nghiệp của T.X Sông Công như đã nêu mới bước đầu gợi mở lời giải cho bài toán về quỹ đất vì các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá ở đây còn có quy mô sản xuất khiêm tốn so với tiềm năng. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Để việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ở T.X Sông Công nhanh, phù hợp với sự phát triển của đô thị công nghiệp, đòi hỏi thị xã tiếp tục có cơ chế hỗ trợ, đầu tư hạ tầng, nghiên cứu thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại đó là việc đưa những cây, con giống giá trị cao (sản phẩm cao cấp) vào sản xuất để phục vụ nhu cầu của thị trường đô thị; đối với công tác quy hoạch tổng tỷ lệ 1/2.000 về kế hoạch sử dụng đất của thị xã đã được tỉnh phê duyệt nhưng cũng nên rà soát lại hàng năm để đề nghị xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, nhất là trong giai đoạn 2015-2020. Riêng đối với các công trình, dự án có nhu cầu sử dụng trên 10ha đất nông nghiệp khi xem xét nên tính đến khả năng thực thi sử dụng quỹ đất theo lộ trình ngắn (có thể là từ 1 năm đến 3 năm) để tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, lãng phí đất sản xuất.
Qua tìm hiểu chúng tôi thấy, mặc dù T.X Sông Công đã có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích nhưng số hộ nông dân trên địa bàn dám “làm lớn” không nhiều. Theo kết quả đánh giá trong vòng 5 năm (2009-2014) của Phòng Kinh tế thị xã chỉ có 101 hộ nông dân trên địa bàn thực hiện thành công mô hình sản xuất tổng hợp đạt mức thu nhập 100 triệu đồng/năm. Trong khi đó có tới 3.720 hộ nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi do thị xã phát động. Từ 2 con số này có thể thấy nhiều nông dân ở T.X Sông Công đã “nuôi” ch ílàm giàu nhưng quá trình làm vẫn còn rè rặt do chưa tự tin hoặc chưa đủ quỹ đất sản xuất, vốn, kiến thức, khoa học kỹ thuật… Để “thổi” thêm nhiệt huyết, giúp người nông dân vững tin trên đường làm giàu, cấp uỷ, chính quyền T.X Sông Công nên tiếp tục hoàn thiện các điều kiện cơ bản để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, như: cơ chế ưu đãi; khoa học kỹ thuật; hạ tầng nông thôn và thị trường tiêu thụ nông sản…