Chống buôn lậu, gian lận thương mại: Cần người tiêu dùng góp sức

Cập nhật: Thứ bẩy 06/08/2022 - 08:57
 Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh kính mắt không rõ nguồn gốc xuất xứ tại thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ). Ảnh: Minh Dũng
Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh kính mắt không rõ nguồn gốc xuất xứ tại thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ). Ảnh: Minh Dũng

Mặc dù những tháng đầu năm 2022, số vụ gian lận thương mại bị phát hiện, bắt giữ và xử lý bởi lực lượng chức năng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021, song theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, tình hình gian lận thương mại trên địa bàn vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trước thực tế này rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và chính bản thân người tiêu dùng.

6 tháng đầu năm 2022, ngành chức năng đã phát hiện và xử lý 1.347 vụ việc gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh, với 1.398 đối tượng, giảm 63,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khởi tố hình sự 456 vụ, 519 bị can; còn lại là xử phạt hành chính. Tổng tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là 70 tỷ đồng, tăng 45 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021 (trong đó, tiền phạt vi phạm hành chính gần 13 tỷ đồng; tiền phạt và truy thu thuế hơn 53 tỷ đồng; tiền bán hàng tịch thu gần 4 tỷ đồng).

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, các vụ việc vi phạm chủ yếu tập trung vào nhóm hành vi như: Mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; buôn bán hàng cấm; kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng vi phạm về nhãn… Cùng với các vi phạm mang tính phổ biến, môi trường kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, việc vận chuyển hàng hóa thông qua các đơn vị chuyển phát tăng cao nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Điển hình có thể kể đến như: Vụ tịch 5.316 sản phẩm là quần áo không có nhãn hàng hóa, không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa… tại xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên). Cơ quan chức năng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 35 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa, giá trị gần 86 triệu đồng.

Hay như vụ khám đột xuất kho chứa hàng hóa tại tổ 4, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên). Cơ quan chức năng ghi nhận có trên 2.200 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại do nước ngoài sản xuất. Do chủ hộ kinh doanh không xuất trình được bất kỳ loại giấy tờ, hóa đơn chứng từ nào liên quan đến hàng hóa nên đã bị xử phạt vi phạm hành chính 45 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm có trị giá 120 triệu đồng.

Ở lĩnh vực chuyển phát, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra, bắt giữ đối tượng Nguyễn Hoàng Sơn, trú tại thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), là nhân viên của một đơn vị chuyển phát nhanh, đang vận chuyển trái phép 655 quả pháo nổ (trọng lượng 8,3kg). Mở rộng điều tra, cơ quan công an đã thu giữ được một số đồ vật, tài liệu liên quan đến đối tượng sản xuất pháo tại xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Hai đối tượng này sau đó đã bị cơ quan chức năng ra quyết định khởi tố...

Có thể nói, trước nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân ngày càng tăng cao, trong khi đó, không ít người tiêu dùng chưa quan tâm, chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ. Thậm chí, có những người còn “chuộng” hàng giả, hàng lậu do giá rẻ nên tình trạng gian lận thương mại vẫn có cơ hội hoạt động.

Chính vì thế, để ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, rất cần sự hợp tác của chính người tiêu dùng, thông qua việc nói không với hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng cần vào cuộc trách nhiệm hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra của lực lượng chức năng để tránh tình trạng chính người thực thi nhiệm vụ lại có hành vi bao che, dung túng cho các vi phạm. Qua đó vừa nhằm góp phần bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính, vừa không làm thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Thu Hằng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: