Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10):
Chuyển đổi số - Cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp

Cập nhật: Thứ tư 20/10/2021 - 09:17
 Nhờ sự hỗ trợ của Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên, Hội LHPN tỉnh và các huyện, thành, thị đã có phòng họp trực tuyến. Ảnh: T.L
Nhờ sự hỗ trợ của Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên, Hội LHPN tỉnh và các huyện, thành, thị đã có phòng họp trực tuyến. Ảnh: T.L

Quá trình chuyển đổi số (CĐS) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử trong phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp. Chủ động tham gia CĐS sẽ giúp phụ nữ tỉnh Thái Nguyên bắt kịp với thời đại mới, giúp tăng năng suất lao động và thu nhập cho gia đình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ thực tế có thể thấy, CĐS và ứng dụng công nghệ số là xu thế tất yếu, công cụ hữu dụng giúp thay đổi phương thức, hướng tới mô hình, phương thức mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Do đó, trang bị cho phụ nữ các kiến thức và kỹ năng số cơ bản ngày càng được nhìn nhận là một trong những biện pháp quan trọng, giúp quản lý và mở rộng kinh doanh, phát triển thành công trong nền kinh tế số.

Tuy vậy, trong quá trình tham gia vào nền kinh tế CĐS, nhiều phụ nữ khởi nghiệp chưa có nền tảng về khoa học kỹ thuật, lực lượng lao động nữ còn thiếu hụt về kỹ năng và năng lực chuyên môn khoa học công nghệ, chưa tìm được cách thức hiệu quả trong việc tiếp cận khách hàng qua mạng Internet, chưa tham gia vào thương mại di động và triển khai thương mại điện tử.

Nhiều phụ nữ khi khởi nghiệp và các doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh vẫn đang sử dụng công nghệ, máy móc, phương tiện sản xuất cũ, lạc hậu, nhân công chất lượng thấp, trình độ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ thông tin của các chủ cơ sở sản xuất, phụ nữ khởi nghiệp còn chậm.

Để ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ phụ nữ phát triển, thời gian qua, hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền tới các cán bộ, hội viên về những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình CĐS của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và chương trình hành động của Hội, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về CĐS, từ đó nâng cao ý thức của chị em trong việc tham gia thực hiện CĐS.

Hội cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phụ nữ cài đặt và sử dụng ứng dụng C-Thainguyen; triển khai ứng dụng công nghệ số giúp phụ nữ khởi nghiệp, bán hàng trực tuyến thông qua chương trình “Chị Shopa hỗ trợ phụ nữ Thái Nguyên khởi nghiệp”.

Phiên chợ nông sản an toàn tổ chức hàng tháng tại trụ sở Hội LHPN tỉnh.

Cùng với đó, Hội hỗ trợ thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý; hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống cửa hàng của Hội Phụ nữ và các kênh phân phối phù hợp nhu cầu của thị trường, quảng bá, xúc tiến thương mại; hợp tác, liên kết giữa DN, hợp tác xã, người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ...

Trong 5 năm qua, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ hơn 200 phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng được 511 mô hình phát triển kinh tế. Tính đến tháng 8-2021, trên địa bàn tỉnh có 7.776 DN thì 23% trong số đó do nữ giới làm chủ. Con số tăng lên từng năm, đa dạng về ngành nghề kinh doanh. Hiện nay, đa số hội viên phụ nữ đang sử dụng các thiết bị di động thông minh… Không ít cán bộ và hội viên phụ nữ đã tiếp cận, tham gia các nhóm Zalo, Facebook.

Thông qua các trang mạng xã hội, các hội viên đã chủ động tuyên truyền, quảng bá, chia sẻ thông tin nhanh nhất về các mô hình hay, cách làm hiệu quả, các sản phẩm an toàn do phụ nữ kinh doanh, sản xuất. Nhờ sự kết nối, quảng bá qua công nghệ thông tin, nhiều sản phẩm đã đến tay khách hàng trong và ngoài nước. Điều này cho thấy phụ nữ đã tiếp cận công nghệ thông tin, nhiều DN do phụ nữ làm chủ đã biết thích nghi kịp thời, tận dụng các cơ hội của nền kinh tế số để phát triển và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Trước những thách thức hướng đến CĐS, để thích ứng với thời cuộc, mỗi hội viên nữ cần nỗ lực, tự vượt qua chính mình, tự học tập, trang bị kiến thức, để đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Mỗi hội viên cần trang bị cho mình những kỹ năng về công nghệ, kinh doanh, quản trị DN, đàm phán, giới thiệu sản phẩm trên nên tảng công nghệ, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học trong nông nghiệp để nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm; kỹ năng sử dụng mạng Internet và kỹ năng viết thông tin quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên Internet...

Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội như: “Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp”, các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp... cũng giúp hội viên phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp sáng tạo, cũng như tìm kiếm cơ hội kết nối, quảng bá sản phẩm, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm các mô hình khởi nghiệp thành công.

Tiếp cận CĐS sẽ giúp phụ nữ có bước đi vững chắc để bước vào thời kỳ công nghệ, góp phần vượt qua thách thức và rào cản để đón nhận những cơ hội và lợi ích mà công nghệ số mang lại. Đây cũng là xu thế tất yếu trong tương lai, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: