Cuộc sống sau "ly nông": Khi các dự án vào vùng nông thôn (Kỳ 1)
Ảnh minh họa |
Những năm gần đây, tỉnh ta tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp. Vì vậy, diện tích đất nông nghiệp tại nhiều địa phương dần bị thu hẹp để triển khai các dự án, xây dựng các khu, cụm công nghiệp... Kéo theo đó là hàng nghìn hộ nông dân đã, đang và sẽ di dời nhà cửa, bàn giao một phần hoặc toàn bộ đất thổ cư, đất canh tác để thực hiện các dự án. Cuộc sống của bà con ra sao khi bao đời nay, tư liệu sản xuất chính của họ là đất đai?
Điều dễ nhận thấy là khi có các dự án đầu tư trên địa bàn, bộ mặt nông thôn cũng như thành thị sẽ có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, từ đó góp phần tích cực trong tăng trưởng kinh tế (GDP) của tỉnh. Nếu như năm 2010 GDP mới đạt gần 10% thì năm 2016 tăng lên trên 15%; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 đạt hơn 477.000 tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm 2015... Vậy, sau khi bị thu hồi đất để thực hiện các dự án, bà con nông dân làm gì để ổn định đời sống, sản xuất và có những đóng góp nhất định trong sự phát triển chung của tỉnh?
Thu hẹp đất nông nghiệp
Thái Nguyên có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 356.000ha, trong đó đất nông nghiệp là trên 279.000ha. Tính đến nay, tỉnh đã thu hút hơn 170 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) với tổng số vốn đăng ký trên 7 tỷ USD và 12.870 tỷ đồng. Có 6 khu công nghiệp (KCN) đã và đang được đầu tư xây dựng với tổng diện tích hơn 1.500ha (chủ yếu là đất canh tác nông nghiệp được chuyển đổi), tập trung ở các huyện Đại Từ, Phú Bình, T.X Phổ Yên, T.P Sông Công và T.P Thái Nguyên. Theo quy hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 32 cụm công nghiệp (CCN), hiện nay có 23 CCN đã được thành lập. Theo công bố quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, giai đoạn từ năm 2011-2020, chuyển mục đích sử dụng trên 19.870ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Đất nông nghiệp bị thu hẹp nhưng sản lượng lương thực của tỉnh vẫn tăng qua các năm (tính riêng năm 2016 đạt hơn 469.000 tấn, vượt 7,9% so với kế hoạch)...
Các dự án vào làng quê, những hộ nông dân bị ảnh hưởng sẽ được nhận tiền bồi thường theo từng trường hợp (phải di dời nhà cửa; bàn giao một phần hoặc toàn bộ đất thổ cư, đất canh tác cho dự án...). Khi nhận tiền đền bù, có người cảm giác như vừa trải qua một giấc mơ, bởi trước đó việc lo cho những bữa ăn đạm bạc hàng ngày còn khó khăn, nay trong tay họ có tới tiền tỷ. Nhưng cũng có nhiều người lo lắng không biết tương lai sẽ ra sao, sinh sống thế nào khi một phần hoặc toàn bộ đất đai đã bàn giao cho dự án? Cuộc sống của những người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án có sự xáo trộn không nhỏ, nhất là ở những dự án phải tái định cư. Để tìm hiểu cuộc sống của người nông dân sau “ly nông” (không làm nông nghiệp nữa) ra sao, chúng tôi đã đến một số địa phương đang triển khai các dự án lớn như huyện Đại Từ, T.X Phổ Yên và T.P Thái nguyên để tìm hiểu.
Nhiều cách nghĩ, cách làm
Bước vào ngôi nhà cao tầng kiên cố với những vật dụng hiện đại, đắt tiền, liền kề phòng khách là đại lý bán hàng tạp hóa, bánh kẹo lớn thuộc tổ 18, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), chúng tôi cảm nhận được cuộc sống của gia chủ khá sung túc. Qua phong thái và cách nói chuyện của vợ chồng bác Nguyễn Thị Luyến, tôi không nghĩ hai bác là nông dân “chính hiệu”. Bác Luyến cho biết, trước kia, gia đình ở xóm 1, xã Hà Thượng, sống bằng nghề làm ruộng, sản xuất chè, thuộc diện hộ nghèo. Dự án Núi Pháo được triển khai trên địa bàn xã, gia đình bác phải bàn giao toàn bộ đất thổ cư và đất nông nghiệp cho Dự án, nhận tiền đền bù hơn 1 tỷ đồng. Dù thuộc diện được hỗ trợ tái định cư, nhưng gia đình bác Luyến đã chủ động mua nhà mới và nhanh chóng chuyển đổi nghề. Bác Luyến chia sẻ: Nằm mơ tôi cũng không nghĩ có ngày trong tay mình có tiền tỷ. Nhưng tôi nghĩ, miệng ăn núi còn lở, mình không thể ăn tiêu hưởng thụ bằng những đồng tiền đó, nên bàn với gia đình nhanh chóng mua nhà và tìm hướng làm ăn mới để ổn định cuộc sống...
Cũng là hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo, anh Trần Văn Định, ở xóm Phúc Lẩm, xã Tiên Hội (Đại Từ) lại dùng tiền đền bù để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi; trồng cây ăn quả. Anh kể: Trước kia, gia đình tôi ở xóm 2, xã Hà Thượng, 6 nhân khẩu chỉ trông vào 7 sào ruộng, thóc lúa làm ra không đủ ăn, vợ chồng tôi phải chạy chợ thêm mới đủ trang trải cuộc sống. Nhận gần 600 triệu đồng tiền bồi thường, tôi đã mua đất vào đây, đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho năng suất, chất lượng cao nên đời sống khá giả hơn trước...
Đến khu vực thực hiện Dự án xây dựng Khu du lịch hồ Núi Cốc, tôi gặp chị Nguyễn Thị Hoa, ở xóm Cao Trãng, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên). Chị cho biết: Gia đình tôi có 4 lao động chính, sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, giờ toàn bộ đất canh tác của gia đình đã bàn giao để làm đường thuộc Dự án. Tôi chủ động đi học thêm nghề làm tóc để mở cửa hiệu; chồng tôi học lái xe ô tô tải. Tôi nghĩ, nếu mình dùng tiền đền bù vào những việc khác thì có ngày sẽ chết đói, nên vợ chồng tôi động viên nhau đi học nghề, hy vọng cuộc sống sẽ sớm ổn định...
Còn bà Ngô Thị Việt, ở xóm 13, xã Tân Linh (Đại Từ) lại có một cách nghĩ khác: Gia đình tôi đã bàn giao đất cho Dự án Núi Pháo. Nhận tiền đền bù, tôi đã xây nhà, mua sắm các vật dụng cần thiết. Nay cuộc sống vẫn rất khó khăn vì thiếu đất sản xuất, không có việc làm ổn định, các con tôi phải đi làm thuê ở những địa phương lân cận.
Lời chia sẻ của bà Việt khiến tôi nhớ tới câu chuyện ở xóm Thượng, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Cả xóm có 300 hộ nhưng tổng tiền đền bù lên đến hơn 800 tỷ đồng. Xóm thuần nông nghèo bỗng chốc trở thành một đại công trường, nhiều ngôi nhà cũ bị đập bỏ thay vào đó là các ngôi nhà cao tầng, biệt thự, người dân “thi đua” mua sắm các vật dụng đắt tiền… mà không lo đến việc mình sẽ làm gì, sẽ sống bằng nghề gì khi ruộng đất không còn khiến hiện nay nhiều gia đình đã trở lại xuất phát điểm ban đầu.
Tính đến nay, tỉnh ta đã thu hút trên 170 dự án đầu tư trong nước, nước ngoài. Các dự án triển khai làm ảnh hưởng tới hơn 10.000 hộ dân. Với các dự án khả thi đã có từ 70 đến hơn 90% số hộ bị ảnh hưởng nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho các dự án. Nhiều lao động nông thôn đã được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề (gồm các nghề chính như: cơ khí, gò hàn; sửa chữa máy nông nghiệp, nông cụ; may công nghiệp; dịch vụ nấu ăn, nấu cỗ, quản lý nhà hàng, khách sạn…). Hơn 75% số lao động qua đào tạo đã có việc làm ổn định. Hàng nghìn lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các dự án và nhà thầu, nhờ đó đời sống các hộ dân ảnh hưởng bởi các dự án đã dần ổn định và từng bước phát triển.
(Còn nữa)