Dai dẳng vấn đề giải phóng mặt bằng một dự án (Kỳ II)

Cập nhật: Thứ bẩy 25/02/2017 - 15:03
 Công ty Than Khánh Hoà đầu tư trên 1,6 tỷ đồng xây dựng trạm bơm, đường ống nên cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất cho người dân xóm Đồng Bục (xã An Khánh).
Công ty Than Khánh Hoà đầu tư trên 1,6 tỷ đồng xây dựng trạm bơm, đường ống nên cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất cho người dân xóm Đồng Bục (xã An Khánh).

Theo Đề án mở rộng, nâng công suất hoạt động đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Công ty than Khánh Hoà phải bóc tách mỗi năm khoảng 6 triệu m3 đất đá mới lấy được than nguyên khai. Do vậy, 3 năm vừa qua, đơn vị đã tận dụng triệt để những điểm còn lại tại bãi đổ thải phía Nam thuộc địa phận xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên) nhưng giờ đã hết và không có khả năng mở rộng do bao quanh là khu dân cư dày đặc. Hướng phát triển bãi đổ thải của Công ty được chuyển về phía Tây thuộc địa phận xã An Khánh của huyện Đại Từ theo quyết định của cấp có thẩm quyền nhưng vướng mắc chồng chất...

Bổ sung tiền đền bù liệu sẽ có mặt bằng đổ thải?

 

Ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ: Sau khi chủ đầu tư Dự án thực hiện các nội dung theo kết luận mới đây của lãnh đạo UBND tỉnh, UBND huyện Đại Từ sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn và cấp uỷ, chính quyền xã An Khánh tuyên truyền, vận động nhân dân, cương quyết đóng đường dân sinh đi qua bãi đổ thải phía Tây. Các vấn đề khác liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng Dự án bãi đổ thải phía Tây phải giải quyết dứt điểm trong năm nay.
Ông Đặng Văn Huy, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác Giải phóng mặt bằng tỉnh: Qua rà soát quá trình đền bù thu hồi đất tại Dự án bãi đổ thải phía Tây do chủ đầu tư và UBND huyện Đại Từ thực hiện đã đúng quy định của pháp luật tại thời điểm thu hồi đất. Tuy nhiên, Dự án quyết toán sau ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (1-7-2014) nên chủ đầu tư phải bổ sung trên 20,4 tỷ đồng tiền chênh lệch lệch giá để chi trả cho người dân theo quy định của văn bản pháp quy hiện hành. Những nội dung khác người dân kiến nghị chính đáng, đúng pháp luật đã được chủ đầu tư và chính quyền huyện Đại Từ cơ bản thực hiện.

Dự án mở rộng bãi đổ thải Tây được Công ty than Khánh Hòa triển khai thực hiện từ năm 2012 tại xã An Khánh (Đại Từ) với diện tích là 29,47ha, số hộ dân bị ảnh hưởng là 234 hộ. Nhằm đảm bảo tiến độ của Dự án, tháng 6-2012, UBND tỉnh đã có Công văn số 1107/UBND-CN về việc cho phép Công ty Than Khánh Hoà được ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB cho các hộ dân. Theo đó, Ban bồi thường, GPMB huyện Đại Từ (nay là Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Đại Từ) đã chi trả tiền bồi thường cho 233 hộ dân với tổng số tiền 87,1 tỷ đồng (1 hộ dân chưa nhận tiền đền bù).

 

Mặc dù vậy, trong và sau quá trình thu hồi đất tại bãi đổ thải phía Tây phát sinh thêm một số vấn đề, như: Người dân không đồng tình với giá bồi thường thu hồi đất theo quyết định của UBND tỉnh nên chỉ đề nghị là tạm nhận số tiền đền bù và khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực mà giá đất cao hơn thì Công ty Than Khánh Hoá phải bổ sung kinh phí đền bù. Người dân còn đề nghị đền bù đất xây dựng kênh mương, phần đất mà một số hộ dân đã hiến đất để làm tuyến đường liên xã An Khánh - Phúc Hà (khoảng 2ha); giải quyết vấn đề thiếu nước sản xuất, sinh hoạt của người dân hai xóm Đồng Bục và xóm Ngò. Một số người dân cũng không chấp nhận lấp tuyến đường dân sinh cũ đi qua bãi thải vì cho rằng tuyến đường tránh Công ty Than Khánh Hoà làm thay thế xa hơn đường cũ, vắng người đi lại… Do vậy, từ năm 2013, nhiều người dân xóm Ngò đã tập trung ngăn cản việc UBND huyện Đại Từ đóng tuyến đường dân sinh đi qua bãi đổ thải, ngăn không cho Công ty Than Khánh Hoà được tiếp tục đổ thải trên phần diện tích 29,47ha (Công ty đã đổ thải được một phần).

 

Sau khi nghiên cứu những kiến nghị của một số người dân xã An Khánh, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Đại Từ phối hợp với Công ty Than Khánh Hoà giải quyết một số nội dung chính đáng. Cụ thể, Công ty đã đầu tư gần 1,6 tỷ đồng xây dựng trạm bơm, hệ thống ống dẫn nước đáp ứng nước sản xuất nông nghiệp cho người dân xóm Đồng Bục; xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt và hỗ trợ gần 700 triệu đồng (3 triệu đồng/hộ) để người dân xóm Ngò tự khoan giếng theo đề nghị nên đã đáp ứng đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Riêng nội dung người dân đề nghị nâng mức giá đền bù đất nông nghiệp, trong quý IV-2016, trên cơ sở kết quả rà soát quy trình đền bù, thu hồi đất tại Dự án bãi đổ thải phía Tây của cơ quan chức năng trong tỉnh, đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Đại Từ phối hợp với các sở, ngành, chủ đầu tư Dự án bổ sung thủ tục, phê duyệt lại phương án bồi thường, GPMB theo Luật Đất đai năm 2013. Đồng thời, huyện Đại Từ và chủ đầu tư Dự án tiếp tục tổ chức đối thoại để trả lời người dân về các vấn đề vướng mắc khác theo đúng quy định của pháp luật nhằm giải quyết dứt điểm những vướng mắc tại Dự án bãi đổ thải phía Tây.

 

Từ kết quả rà soát, thẩm định của các cơ quan chức năng trong tỉnh cho thấy: Quy trình thu hồi 29,47ha đất ở xã An Khánh phục vụ Dự án bãi đổ thải phía Tây của Công ty Than Khánh Hoà là đúng pháp luật trong giai đoạn tiến hành thu đất. Nhưng do Dự án quyết toán sau ngày 1-7-2014, (thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành) nên giá đất có sự chênh lệnh giữa các văn bản hướng dẫn cũ và mới. Do vậy, UBND tỉnh đã yêu cầu cơ quan chức năng tính toán theo khung giá đất mới nên số tiền Công ty Than Khánh Hoà phải bổ sung để chi trả cho các hộ dân bị thu hồi đất tại xã An Khánh là 20,4 tỷ đồng. Tuyến đường tránh bãi đổ thải phía Tây mà Công ty Than Khánh Hoà làm thay thế tuyến đường dân sinh cũ đi qua giữa bãi đổ thải nay nằm trong Dự án xây dựng đường tuyến đường liên xã nối từ xã Cù Vân qua xã An Khánh tới hai xã: Phúc Hà, Tân Cương (T.P Thái Nguyên) đang được thi công theo tiêu chuẩn đường giao thông miền núi nên người dân xóm Ngò không thể đòi hỏi gì khác. Nội dung một số người dân xã An Khánh yêu cầu đền bù đất đã hiến làm đường giao thông, đất xây dựng kênh mương, đất công do UBND xã An Khánh quản lý sẽ không được đền bù vì không có cơ sở pháp lý thực hiện. Ông Vũ Đình Lên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV - CTCP cho biết: Chúng tôi cảm kích trước tinh thần chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên, sự phối hợp chặt chẽ của cấp uỷ, chính quyền các cấp huyện Đại Từ. Chủ đầu tư đã thực hiện đúng các chính sách đối với người dân tại thời điểm thu hồi đất, những vấn đề phát sinh người dân chưa được cơ quan chức năng chấp nhận, chúng tôi đã, đang, sẽ thực hiện trong năm 2017. Nhưng lãnh đạo Tổng Công ty băn khoăn về việc nếu bổ sung thêm 20,4 tỷ đồng tiền chênh lệch về giá đền bù cho người dân bị thu hồi đất theo chỉ đạo của địa phương nhưng người dân hai xóm: Ngò, Đồng Bục vẫn ngăn cản việc đổ thải tại bãi đổ thải phía Tây thì giải quyết như thế nào?

 

Lo lắng của lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV - CTCP là có cơ sở vì thực tế thời gian qua cho thấy số ít người dân xã An Khánh khi đáp ứng những yêu cầu cũ, họ lại có những yêu cầu mới rất khó thực hiện. Đơn cử, trong khu vực giải phóng mặt bằng bãi đổ thải phía Tây chỉ có 4 ngôi mộ phải di dời nhưng một số người dân đề nghị chủ đầu tư và chính quyền xã An Khánh phải xây dựng cả một nghĩa trang nhân dân (chi phí lên tới chục tỷ đồng). Trong khi quỹ đất ở xã An Khánh còn rộng, các gia đình nhận tiền đền bù di dời 4 ngôi mộ đến nơi mới không quá khó…

 

Dõi theo quá trình giải quyết những kiến nghị của một số người dân xã An Khánh, chúng tôi thấy sự vào cuộc có trách nhiệm, nghiêm túc của các cơ quan chức năng trong tỉnh, cấp uỷ, chính quyền huyện Đại Từ và sự cầu thị của chủ đầu tư Dự án (cấp uỷ, chính quyền huyện Đại Từ đã hai lần tổ chức lực lượng đóng đường dân sinh đi qua bãi đổ thải phía Tây nhưng người dân xã An Khánh đánh kẻng, tập trung đông người ngăn cản). Do đó, người dân bị thu hồi đất và người dân bị ảnh hưởng khác bởi Dự án này tại xã An Khánh ngoài những yêu cầu chính đáng cần có trách nhiệm hợp tác, tạo điều kiện để giúp Công ty Than Khánh Hoà ổn định sản xuất trở lại. Những hành vi, lời nói quá khích của số ít đối tượng lợi dụng dân chủ, chính sách của Nhà nước để gây mất an ninh trật tự tại xã An Khánh trong quá trình thực hiện Dự án này rất cần có sự giám sát của cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh để thu thập chứng cứ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Văn Hiến
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: