Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp

Cập nhật: Thứ sáu 09/01/2015 - 10:11
 Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên đào tạo nghề may công nghiệp cho người dân.
Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên đào tạo nghề may công nghiệp cho người dân.

Khoảng 5 năm trở lại đây, huyện Phổ Yên có trên 1.250ha đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ phát triển công nghiệp.

Việc thu hồi đất nông nghiệp đã tác động trực tiếp đến khoảng 14.430 hộ dân và số lao động bị ảnh hưởng do thu hồi đất canh tác là gần 19.500 người. Nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động, Phổ Yên đã đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động bị thu hồi đất.

 

Mục tiêu mà huyện Phổ Yên đặt ra là: Mỗi năm đào tạo nghề cho 2.500 lao động, tạo việc làm mới cho 5.500 lao động, phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ lao động phi nông nghiệp là 65%, lao động nông nghiệp là 35%. Để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Công Thịnh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, riêng đối với những lao động nông thôn đã dành đất cho phát triển công nghiệp dịch vụ, UBND huyện Phổ Yên đã ban ngành Quyết định số 4387, ngày  9-5/-2014 về phê duyệt Đề án “ Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất” giai đoạn 2014- 2016, trong đó yêu cầu UBND các xã, thị trấn; các ngành liên quan thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được phân công theo Thông tư Liên tịch số 30 của Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đó, UBND các xã thị trấn có trách nhiệm tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện thống kê, rà soát lực lượng lao động bị ảnh hưởng để xây dựng mô hình đào tạo nghề liên kết với sản xuất, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động bị thu hồi đât.

 

Tính đến nay, huyện đã triển khai 4 mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn với 138 người tham gia, đó là: mô hình trồng hoa ly, hoa loa kèn, hoa đồng tiền tại thôn Thanh Hoa, xã Trung Thành; mô hình đào tạo nghề trồng, chăm sóc và chế biến chè tại xã Phúc Thuận; mô hình đào tạo nghề chế biến các sản phẩm mộc tại làng nghề Giã Trung; mô hình đào tạo nghề thêu ren xuất khẩu tại xã Trung Thành.

 

Chúng tôi đến HTX sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung vào thời điểm cuối năm. Ông Nguyễn Văn Thiệu, Chủ nhiệm HTX cho biết: Từ lâu làng nghề Giã Trung đã biết đến là nơi chuyên sản xuất các sản phẩm giường, tủ, bàn ghế, đồ thờ… giả cổ. Từ năm 2011 đến nay, chúng tôi đã đào tạo nghề cho hàng trăm người, trong đó, nhiều người đã thành nghề và mở cơ sở sản xuất riêng. Nếu như năm 2006, trong thôn có 7 người đứng ra làm chủ 7 cơ sở sản xuất, thì đến nay, toàn thôn đã phát triển được hơn 100 xưởng, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động. Hầu hết lao động tại các xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của làng nghề Giã Trung đều là người dân của xã Tiên Phong, một số đến từ các huyện Phú Bình, thị xã Sông Công.

 

 Cùng với xây dựng các mô hình đào tạo nghề, huyện cũng chú trọng đến công tác tuyên truyền, tư vấn nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn vùng bị thu hồi đất để người dân nắm và hiểu đầy đủ các thông tin, làm cơ sở cho việc lựa chọn nghề cần học và có khả năng giải quyết được việc làm sau khi học nghề. Ngoài ra, huyện cũng thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong việc tuyển dụng lao động, tuyển sinh học nghề. Đối với nghề phi nông nghiệp các học viên còn được cam kết giải quyết việc làm sau khi đào tạo, nhằm đảm bảo số lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt từ 85% trở lên. Huyện cũng đề nghị các doanh nghiệp cam kết nhận những lao động bị thu hồi đất vào làm việc, đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội… trên địa bàn. Để việc đào tạo nghề phù hợp với thực tế tại địa phương, huyện đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc đào tạo nghề, điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu, xác định danh mục đào tạo nghề cho người lao động, nhu cầu lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và thị trường lao động... đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

 

Kết quả từ năm 2011 đến nay, huyện đã đào tạo nghề cho gần 5.000 lao động, trong đó lao động học nghề phi nông nghiệp là trên 3.400 người, chiếm trên 70%; lao động nông nghiệp là 1.471 người, chiếm gần 30%,  tỷ lệ lao động có việc làm sau lao động đạt trên 90%. Về giải quyết việc làm mới có gần 30.000 người được tạo việc làm, trong đó các ngành công nghiệp, xây dựng là trên 14.000 người, dịch vụ gần 11.000 người, nông nghiệp lâm nghiệp thủy sản gần 5.000 người. Chỉ tính riêng trong năm 2014, đã có gần 3.000 người lao động được đào tạo nghề với trình độ sơ cấp nghề; gần 14.000 người được giải quyết việc làm mới, với mức lương bình quân từ 2,5 - 5,8 triệu đồng/người/tháng. Riêng người lao động đang làm việc tại khối các doanh nghiệp có mức lương trung bình từ 5,5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng. Lao động đang làm việc tại các hộ cá thể và khối kinh tế tập thể có mức lương từ 3 triệu đến 4,5 triệu đồng/người/ tháng.

 

Tính đến hết năm 2014, cơ cấu kinh tế của huyện Phổ Yên là: công nghiệp, dịch vụ chiếm 94,9%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 5,1%. Nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, trong thời gian tới, huyện tiếp tục lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm mới cho lao động nông thôn. Trong đó, công tác đào tạo nghề phải gắn với việc hình thành các vùng chuyên canh, làng nghề để hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, tiêu thụ được sản phẩm, tăng năng suất và thu nhập cho người lao động.

Hải Hằng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: