Quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Núi Cốc:
Đáp ứng một nhiệm vụ hay cần đa mục tiêu?

Cập nhật: Thứ ba 09/08/2016 - 17:40
 Diện tích rừng keo của gia đình ông Phạm Tuấn Hùng, ở xóm Gốc Mít, xã Tân Thái (Đại Từ) trồng từ năm 2005 nhưng đang vướng mắc về thủ tục khai thác để trồng cây bản địa thay thế.
Diện tích rừng keo của gia đình ông Phạm Tuấn Hùng, ở xóm Gốc Mít, xã Tân Thái (Đại Từ) trồng từ năm 2005 nhưng đang vướng mắc về thủ tục khai thác để trồng cây bản địa thay thế.

Rừng phòng hộ Núi Cốc có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo cảnh quan phục vụ phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tục xảy ra tình trạng trộm cắp rừng và những bất đồng giữa cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương với một số hộ dân địa phương trong việc quản lý, bảo vệ và thụ hưởng các nguồn lợi từ rừng…

Tổ chức, cá nhân nào là chủ rừng?

 

Theo Quyết định số 3123 ngày 27-12-2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt số liệu giao rừng cho tổ chức Nhà nước và lực lượng vũ trang trên địa bàn, Ban Quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc (thuộc Sở Nông nghiệp - PTNT) được giao quản lý, bảo vệ 2.960ha và trên 570ha trong vùng xác lập còn lại được giao cho 357 hộ dân tại địa bàn các xã: Phúc Xuân, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên); Tân Thái, Lục Ba, Vạn Thọ (Đại Từ), Phúc Tân (T.X Phổ Yên) quản lý vì đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Sổ lâm bạ. Phần diện tích trên 570ha thuộc các hộ dân quản lý đã và đang được cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với UBND cấp huyện hoàn tất việc giao rừng gắn với đất theo Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNM nên cơ bản thuận lợi, có sự đồng thuận của người dân. Riêng diện tích 2.960ha do Ban Quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc quản lý hiện có nhiều vấn đề phát sinh, chưa được giải quyết dứt điểm từ nhiều năm nay, như: Tình trạng phá rừng liên tục xảy ra; nhiều hộ dân tự bỏ vốn trồng và bảo vệ rừng hàng chục năm nay không công nhận Ban Quản lý là chủ rừng, đề nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục xem xét giao đất, giao rừng cho người dân quản lý.

 

Bà Nguyễn Thị Hiền, ở xóm Đá Dựng, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) cho biết: “Gia đình tôi đã ở đây từ trước khi thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc và được UBND T.P Thái Nguyên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Nhưng diện tích gần 13ha rừng liền kề mà gia đình tôi đang quản lý, tự bỏ vốn ra trồng cây lại được quy hoạch là rừng phòng hộ và Ban Quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc nhận là chủ rừng. Người dân bỏ nhiều công sức, tiền của trồng rừng nhưng chưa được hưởng các nguồn lợi từ rừng như tiền trông coi, bảo vệ, phí dịch vụ môi trường nếu không chấp nhận điều kiện để Ban là chủ rừng. Điều này là phi lý, bất công bằng…”. Một số gia đình khác ở xã Phúc Trìu, như các ông Long Văn Đoài, Đặc Văn Đoàn, Đặng Văn Chung, bà Dương Thị Hoa cũng có ý kiến cho rằng nhiều diện tích đất của gia đình họ nằm trong xác lập rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc nhưng gia đình đã quản lý, canh tác từ trước năm 1974 (khi chưa có hồ Núi Cốc) và tự bỏ vốn trồng cây, đưa cả phần mộ của ông cha về chôn cất nên mong muốn được Nhà nước giao đất, giao rừng.

 

Ngược lại, khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc lại khẳng định: Khi cấp có thẩm quyền đã giao đất, giao rừng cho chúng tôi trực tiếp quản lý thì các tổ chức, cá nhân muốn hưởng lợi từ rừng theo quy định của Nhà nước phải ký hợp đồng nhận trông coi, bảo vệ theo quy định. Tuy nhiên, ông Quý cũng thừa nhận hiện trạng một số hộ dân đang ở, canh tác trong vùng xác lập rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc nên có những tác động bất lợi, khó khăn cho công tác quản lý và cấp có thẩm quyền có chính sách đền bù, di dời ra ngoài khu vực xác lập. Quan điểm của chính quyền các xã có đất nằm trong vùng xác lập rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc cũng cho rằng việc quản lý rừng hiện nay chưa hiệu quả (rừng liên tục bị tàn phá), Nhà nước nên giao 100% diện tích cho người dân quản lý, dưới sự giám sát của cơ quan chuyên môn và chính quyền theo cơ chế rừng phòng hộ.

 

Trồng cây bản địa vừa làm đã vướng

 

Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc trong những năm qua thường xuyên bị mất cắp; phần lớn diện tích rừng phòng hộ được trồng cây keo quá 10 năm tuổi bắt đầu thối gốc, đổ gẫy; đời sống của một số hộ dân nằm trong vùng xác lập khó khăn do chi phí giao bảo vệ, dịch vụ môi trường còn thấp… Để giải quyết những vấn đề này, năm 2014, UBND tỉnh đã có chính sách cho phép tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan khai thác một số diện tích rừng trồng keo nằm trong vùng xác lập rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc để trồng thay thế bằng cây bản địa, như: mít, trám, sấu… Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai việc trồng cây bản địa thay thế cây keo lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thủ tục hành chính khai thác rừng keo trưởng thành trong vùng xác lập quá rườm rà, nhận thức của cán bộ chuyên môn, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện còn khác nhau...

 

Đơn cử như gia đình ông Phạm Tuấn Hùng, ở xóm Gốc Mít, xã Tân Thái (Đại Từ) đề nghị cơ quan chức năng cho phép khai thác 4,5ha keo gia đình tự bỏ vốn trồng từ năm 2005 tại lô 10, tiểu khu 208, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) để trồng cây bản địa. Diện tích đất, rừng trồng của ông Hùng đã được chính quyền xã Phúc Xuân xác nhận là có nguồn gốc chuyển nhượng từ các hộ khác ở địa bàn từ năm 2000 và gia đình tự bỏ vốn trồng, trông coi, bảo vệ rừng. Nhưng năm 2015, công dân này làm thủ tục khai thác, trồng mới lại diện tích rừng nêu trên thì xã Phúc Xuân từ chối cấp phép theo quy định với lý do nằm trong xác lập rừng phòng hộ Núi Cốc. Ông Hùng tiếp tục có đơn đề nghị Ban Quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc xin cấp phép khai thác nhưng lại được yêu cầu thực hiện quá nhiều thủ tục, giấy tờ. Bức xúc, công dân này đã gửi đơn đề nghị đến các cấp, ngành trong tỉnh và ngày 21-3-2016, ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT đã có Văn bản số 378 chỉ đạo Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với chính quyền xã Phúc Xuân hướng dẫn ông Nguyễn Tuấn Hùng về trình tự, thủ tục khai thác rừng (thời gian xong trước ngày 30-3-2016). Người chấp hành theo quy định thì chưa được giải quyết, còn một số lô, khoảnh của cá nhân khác ở phụ cận lại được khai thác, vận chuyển lâm sản ra khỏi địa bàn một cách lén lút, không phép nên ông Hùng càng bức xúc.

 

Ngoài ra, việc khai thác rừng keo trong khu vực xác lập rừng phòng hộ Núi Cốc để trồng cây bản địa cũng rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi mà cơ quan chuyên môn thẩm định, cấp phép khai thác yêu cầu người dân phải tiến hành thủ công, như: dùng trâu kéo, khuân vác bằng… sức người. Một số người dân cho rằng nếu bắt buộc khai thác thủ công theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn, số tiền chi phí bằng số tiền bán lâm sản nên sẽ không còn khả năng trồng lại cây bản địa theo yêu cầu của UBND tỉnh. Giải thích về vấn đề này, bà La Thị Phượng, cán bộ kỹ thuật của Ban Quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc cho rằng: Theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp - PTNT, khai thác rừng phòng hộ phải thực hiện theo băng hoặc tỉa thưa và nghiêm cấm việc san ủi đường vào rừng phòng hộ. Không có đường thì không có phượng tiện cơ giới vào rừng phòng hộ nên việc phải dùng trâu kéo, người khuân vác lâm sản là tất yếu...

 

Khi UBND tỉnh cho phép chuyển đổi cây keo đến tuổi trưởng thành để trồng cây bản địa trong vùng xác lập rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc là vẫn đáp ứng được các mục tiêu: Che phủ đất chống xói mòn; bảo vệ môi trường, cảnh quan nhưng người dân thu được hoa lợi để sống khá từ rừng. Đặc biệt rừng cây bản địa cũng là điểm đến của du khách theo xu hướng du lịch miệt vườn sinh thái. Do vậy, nếu cơ quan chuyên môn quá máy móc, thiếu sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh sẽ mâu thuẫn giữa quản lý, bảo vệ rừng với phát triển đa năng các dịch vụ tại Khu du lịch hồ Núi Cốc.

Văn Hiến
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: