Đổi thay ở vùng đất khó

Cập nhật: Thứ sáu 30/09/2022 - 07:38
 Nhà văn hóa xóm Suối Bốc được xây dựng khang trang, góp phần phát triển phong trào văn hóa, thể thao trên địa bàn.
Nhà văn hóa xóm Suối Bốc được xây dựng khang trang, góp phần phát triển phong trào văn hóa, thể thao trên địa bàn.

Yên Ninh từng là một trong những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất của huyện Phú Lương. Tuy nhiên, trải qua quá trình dài nỗ lực, năm 2020, xã đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và vươn lên cán đích nông thôn mới vào năm 2021.

Yên Ninh là xã miền núi nằm xa trung tâm huyện Phú Lương (trên 23km). Trước đây, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư nên việc giao thương của bà con gặp nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp với quy mô manh mún, theo hướng tự cung tự cấp. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, thu nhập bình quân chỉ đạt 9 triệu đồng/người/năm (năm 2011).

Để vượt lên những khó khăn trên, Đảng ủy, chính quyền xã xác định xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ là nhiệm vụ hàng đầu để tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội. Thực hiện nhiệm vụ này, xã Yên Ninh đã tập trung triển khai, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nguồn lực trong nhân dân.

Bà Trương Thị Thắng, Phó Bí thư Chi bộ xóm Suối Bốc, chia sẻ: Trong năm 2020 và 2021, chúng tôi đã vận động nhân dân đóng góp được trên 340 triệu đồng, hiến trên 400m2 đất, góp 300 ngày công lao động để làm 500m đường giao thông trục xóm, xây mới nhà văn hóa với diện tích trên 200m2. Sau khi 2 công trình hoàn thành, bà con trong xóm ai ai cũng phấn khởi, hoạt động giao thương thuận lợi hơn nhiều, đời sống vật chất, tinh thần cũng được nâng lên.

Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, tổng nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn xã Yên Ninh là trên 136,2 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đối ứng và huy động các nguồn lực đóng góp khác được trên 27,8 tỷ đồng; người dân đã hiến hơn 217,5 nghìn m2 đất...

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, 100% đường liên xã, trục xã và trên 65% đường trục xóm, ngõ xóm trên địa bàn xã Yên Ninh đã được cứng hóa; 14/14 xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định; xã xây dựng được 11 tuyến đường điện Thắp sáng làng quê, với tổng chiều dài 10,3km…

Ngoài việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thời gian qua, xã Yên Ninh cũng triển khai nhiều giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, hàng năm, xã đều định hướng, tuyên truyền và tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thế mạnh của địa phương, như: trồng rừng, trồng cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc… 

Đi liền đó, Yên Ninh cũng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng và chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất. Điển hình là Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135. Giai đoạn 2015-2020, toàn xã có hàng trăm hộ được hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất nông, lâm nghiệp, cây và con giống, với tổng nguồn vốn trên 1,6 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đối ứng trên 870 triệu đồng.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, xã Yên Ninh chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Bình quân mỗi năm, xã phối hợp tổ chức các dạy nghề sơ cấp về may, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi... cho người dân; 1-2 phiên giao dịch, giới thiệu người lao động vào làm việc tại các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên địa bàn xã chiếm 95,25% trong tổng số người ở độ tuổi lao động.

Thông qua các giải pháp cụ thể, thiết thực, đời sống của người dân trên địa bàn xã Yên Ninh đã và đang có sự thay đổi tích cực. Hiện, thu nhập bình quân đầu người ở địa phương đạt 36,32 triệu đồng/người/năm (tăng 27,32 triệu đồng so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,24% (giảm 45,76% so với năm 2011); xã không còn nhà tạm, nhà dột nát… 

Nhằm giữ vững và phát huy những kết quả đạt được, theo ông Hứa Đức Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Ninh: Xã đặt mục tiêu cán đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung củng cố, nâng cao 19 tiêu chí nông thôn mới đã đạt; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn; chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể; đẩy mạnh công tác đào tạo và giới thiệu việc làm cho người dân...

Phan Trang
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: