Đòn bẩy phát triển nông nghiệp ở Đại Từ
Từ các nguồn vốn, huyện Đại Từ đã hỗ trợ người dân thiết bị hiện đại, đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã An Khánh (Đại Từ). |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2010- 2015, UBND huyện Đại Từ đã ban hành nhiều đề án, chương trình thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, ngành nông nghiệp của huyện đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Bà Nguyễn Thị Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Trong nhiệm kỳ 2010-2015, UBND huyện đã ban hành nhiều đề án, chương trình cụ thể để phát triển nông nghiệp như: Chương trình sản xuất lương thực giai đoạn 2011-2015; Đề án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2011-2015; Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ chè giai đoạn 2012-2015; Đề án quản lý và khai thác các công trình thuỷ lợi giai đoạn 2013-2015... Những chương trình, đề án này tập trung đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường quản lý bảo đảm chất lượng con giống, vật tư nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy ngành Nông nghiệp huyện phát triển theo hướng hàng hoá.
Để tìm hiểu về hiệu quả các đề án, chúng tôi thực tế tại một số trang trại trên địa bàn huyện Đại Từ. Qua quan sát, chúng tôi thấy các trang trại có quy mô lớn, diện tích lên đến hàng nghìn m2, được xây dựng hiện đại với máng ăn, vòi nước uống tự động và hệ thống xử lý chất thải bằng hầm biogas. Chị Nông Thị Thu, ở xóm Chính Tắc, xã Na Mao, chủ một trang trại chăn nuôi lợn cho biết: Trước đây khu vực chăn nuôi của gia đình tôi gần nhà không đảm bảo vệ sinh. Được sự hỗ trợ vốn của huyện, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại hiện đại, vệ sinh trên diện tích 3.000m2 đảm bảo vệ sinh môi trường từ năm 2012. Hiện nay, trang trại thường xuyên nuôi 30 con lợn nái sinh sản, 20 con lợn hậu bị và gần 300 con lợn thịt mỗi lứa, thu lãi trên 1 tỷ đồng/năm.
Trang trại của gia đình chị Nông Thị Thu là một trong những trang trại được hỗ trợ theo Đề án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm của huyện. Theo Đề án, những gia đình có mong muốn xây mới, di chuyển trang trại tới khu vực quy hoạch đảm bảo môi trường sẽ được huyện hỗ trợ tiền thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng cơ sở hạ tầng không quá 100 triệu đồng/trang trại và hỗ trợ chi phí giống, thức ăn không quá 50 triệu đồng/trang trại. Việc hỗ trợ này đã tạo động lực thúc đẩy người dân xây dựng trang trại, sau 4 năm thực hiện Đề án, trên địa bàn huyện đã có 77 trang trại, tăng 56 trang trại so với năm 2011, góp phần đưa sản lượng thịt hơi đạt 12.200 tấn/năm, tăng 3.300 tấn so với năm 2011.
Bên cạnh Đề án phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm, những đề án, chương trình khác cũng tập trung hỗ trợ người dân đưa các giống cây trồng mới có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước với vật tư nông nghiệp, công trình thuỷ lợi. Những năm qua, ngân sách của Trung ương, tỉnh, huyện đã phân bổ trên 28,5 tỷ đồng để hỗ trợ người dân mở rộng diện tích giống lúa lai, ngô lai; mua 14 máy gặt đập liên hợp, 29 máy làm đất, hàng nghìn bình phun tự động, máy cắt, tuốt lúa; đầu tư trên 69,6 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 1.400 thiết bị máy móc để nâng cao chất lượng trồng và chế biến chè; hỗ trợ gần 5 tỷ đồng phát triển 32 trang trại trên địa bàn… Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ cho biết: Trong quá trình triển khai, chúng tôi cụ thể hoá từng mục tiêu, giải pháp của các chương trình, đề án, đưa ra phương án hỗ trợ người dân hiệu quả nhất.
Nhìn lại nhiệm kỳ qua, ngành Nông nghiệp huyện Đại Từ có sự chuyển biến cả về chất và lượng. So với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra, nhiều chỉ tiêu phát triển nông nghiệp đạt và vượt kế hoạch như: Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 5,54%/năm, vượt chỉ tiêu 1,54%; cơ cấu nội ngành có sự chuyển dịch tích cực; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đạt 98 triệu đồng, vượt 13,95% so với chỉ tiêu… Từ sự phát triển của ngành Nông nghiệp, đời sống, thu nhập của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân mỗi năm 3,7%, hiện nay chỉ còn 12,28%.