Gạo Việt Nam ghi dấu ấn về chất lượng

Cập nhật: Thứ sáu 22/04/2022 - 11:12
 Gạo xuất khẩu chủ yếu là gạo chất lượng cao.
Gạo xuất khẩu chủ yếu là gạo chất lượng cao.

Nhờ chiến lược duy trì chất lượng gạo xuất khẩu, tăng xuất khẩu gạo chất lượng cao và giảm xuất khẩu loại gạo phẩm cấp thấp, gạo Việt Nam đã và đang ghi dấu ấn trên thị trường thế giới.

Giá xuất khẩu tăng cao

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu tại Việt Nam, Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp duy trì được nhiều đơn hàng đến các thị trường lớn của thế giới với giá trị tăng cao. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời diễn ra mới đây, ông Philipp Roesler - cựu Phó Thủ tướng Đức, thành viên HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, gạo của Lộc Trời từ lâu đã đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhất thế giới và được ưa chuộng tại EU.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác là Trung An những ngày này đang gấp rút hoàn thành đơn hàng 15.000 tấn gạo sang thị trường Hàn Quốc, với thời gian giao hàng kéo dài đến tháng 6/2022. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ, đây là gạo 100% tấm, dùng làm nguyên liệu sản xuất bia, được Hàn Quốc nhập với giá 369 USD/tấn (giá FOB - giá xuất cảng), cao hơn 31 USD/tấn so với báo giá gạo cùng loại xuất khẩu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Cùng với Trung An, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác của Việt Nam cũng đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này trong xu hướng nhu cầu của thế giới đang muốn gia tăng nhập khẩu gạo giai đoạn sau đại địch. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, gạo là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao trong quý đầu tiên của năm 2022 với 1,48 triệu tấn, tương đương 715 triệu USD, tăng 24% về lượng và tăng 10,5% về kim ngạch.

Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ rõ, trên thị trường thế giới, giá gạo Việt Nam vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong các nước xuất khẩu gạo. Điển hình, đầu tuần tháng 4/2022 giá gạo 5% tấm xuất khẩu đã tăng 12-15 USD/tấn so với đầu năm và khoảng 10 USD/tấn so với đầu tháng 3, lên mức 415 USD/tấn - cao nhất trong hơn 3 tháng qua. Trong khi loại gạo này của Thái Lan hiện giao dịch ở mức 408 - 412 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong 4 tháng qua.

Bộ Công thương lý giải, nỗ lực chuyển đổi cơ cấu gạo xuất khẩu từ loại phẩm cấp thấp sang loại phẩm cấp cao là một trong những nguyên nhân giúp giá trị xuất khẩu gạo tăng lên nhanh chóng. Hiện nhiều địa phương tại Việt Nam đã chú trọng đến cơ cấu giống. Các giống đặc sản, lúa thơm được đưa vào canh tác ngày càng nhiều đã giúp khẳng định thương hiệu gạo Việt ở nhiều thị trường “khó tính”. Điều này lý giải vì sao giá gạo Việt Nam cao hơn một số nước xuất khẩu truyền thống, nhưng người tiêu dùng thế giới vẫn chọn ký hợp đồng nhập khẩu gạo Việt.

Đơn cử, tại khu vực Bắc Âu, Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu chỉ rõ, châu Âu không tự túc được hoàn toàn gạo. Khoảng 60% nhu cầu được đáp ứng bởi sản xuất trong khu vực, khiến nhu cầu nhập khẩu của khu vực lên đến 1,8 triệu tấn gạo xay xát. Triển vọng nông nghiệp của EU 2020-2030 dự kiến nhu cầu gạo nhập khẩu sẽ tăng cho đến năm 2030. Trong thập kỷ tới, nhập khẩu sẽ tăng khoảng 250.000 tấn. Đây là lý do thời gian qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Bắc Âu giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối tốt.

Về phía doanh nghiệp, điển hình như Tập đoàn Lộc Trời trong năm 2021 đã xuất khẩu được 4.170 tấn gạo chất lượng cao từ các vùng trồng chuyên canh sang EU, bao gồm cả những lô gạo đầu tiên xuất theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA). Có được điều này, ngoài việc đầu tư cho vùng nguyên liệu một cách bài bản, Lộc Trời còn duy trì hiệu quả việc kết nối với các đối tác tại châu Âu. Lộc Trời tự tin trong năm 2022, gạo chất lượng cao của Việt Nam sẽ có mặt nhiều hơn nữa tại EU, Australia.

Tiếp tục tập trung giữ chất lượng cho hạt gạo

Những năm gần đây, dòng gạo thơm, gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25, Jasmine… đã đi được vào một số thị trường lớn như EU, giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn, đặc biệt là tại các thị trường truyền thống như Đức, Italy, Ba Lan…

Kiên định mục tiêu giảm dần sản lượng và tăng giá trị xuất khẩu gạo, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt “Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”. Theo đó, Việt Nam định hướng tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững. Ngành lúa gạo cũng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt. Từ đó, hình thành và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng, giúp thích ứng với sự thay đổi khí hậu và nâng cao thu nhập cho người nông dân cũng như nhu cầu được đáp ứng lúa gạo chất lượng cao của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, ngoài cải thiện giống và chất lượng gạo theo đúng thị hiếu, điều cần phải làm để tăng giá trị xuất khẩu gạo một cách bền vững là xây dựng thương hiệu. Cùng chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn 10-20%.

Dưới góc độ Bộ Công thương, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường và nâng cao giá trị cho gạo xuất khẩu.

Về phía doanh nghiệp, ông Philipp Roesler chia sẻ, tuy xuất khẩu gạo của Lộc Trời đang tương đối thuận lợi nhưng sản phẩm gạo chưa có thương hiệu riêng mà chỉ đang được phân phối dưới thương hiệu của đối tác tại các nước sở tại. Do đó, Lộc Trời đang nỗ lực để đưa các sản phẩm như: Lộc Trời 28, Jasmine, Vibigaba và Sức sống Mekong… xuất khẩu vào thị trường EU dưới chính thương hiệu Lộc Trời, giúp gạo Lộc Trời không chỉ gia tăng kim ngạch mà còn khẳng định vị thế chất lượng tại thị trường này.


Theo NDĐT
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: