Giá gỗ nguyên liệu tăng cao, người trồng rừng lãi lớn

Cập nhật: Thứ bẩy 22/10/2022 - 07:45
 Các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Phú Lương đang thu mua gỗ nguyên liệu với giá cao.
Các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Phú Lương đang thu mua gỗ nguyên liệu với giá cao.

Hơn 3 tháng trở lại đây, giá gỗ keo nguyên liệu trên địa bàn huyện Phú Lương tăng cao, nên người trồng rừng rất phấn khởi. Với mức giá này, mỗi ha rừng trồng 6-7 năm, bà con có thể cho thu lãi trên 70 triệu đồng.

Gia đình ông Phạm Văn Quang, ở xóm Thanh Đồng, xã Yên Đổ, có hơn 1ha rừng trồng cây keo tai tượng. Mới đây, gia đình ông Quang đã khai thác toàn bộ diện tích rừng trồng từ năm 2014 và thu được 90 tấn gỗ keo nguyên liệu. Với chất lượng gỗ tốt, ông bán được với giá 1,3 triệu đồng/tấn, thu tổng cộng 120 triệu đồng (tăng gần 40 triệu đồng so với chu kỳ thu hoạch trước). Trừ chi phí sản xuất, ông Quang lãi khoảng 100 triệu đồng.

Theo ông Lã Văn Chức, cán bộ lâm nghiệp xã Phủ Lý: Nếu như cùng kỳ năm ngoái, giá gỗ keo nguyên liệu là khoảng 800 nghìn đồng/tấn thì những tháng gần đây, giá thu mua gỗ keo trên địa bàn xã đã tăng lên, đạt trung bình 1,2 triệu đồng/tấn, tăng 300 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Theo tính toán của nhiều hộ trồng rừng, trong suốt chu kỳ 7 năm, chi phí sản xuất, đầu tư cho 1ha rừng keo là khoảng 20 triệu đồng. Khi cây đến kỳ thu hoạch, năng suất trung bình đạt khoảng 80 tấn/ha. Với giá thu mua trung bình là 1,2 triệu đồng/tấn như hiện nay, người trồng rừng lãi khoảng 76 triệu đồng/ha.

Theo nhiều chủ cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Phú Lương, nguyên nhân gỗ nguyên liệu ở mức cao như hiện nay là do thời gian gần đây, nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu gỗ dăm của nhiều doanh nghiệp trong nước tăng mạnh. Theo đó, giá thu mua gỗ dăm cũng tăng cao. Hầu hết các cơ sở, nhà máy thu mua gỗ dăm để chế biến viên nén và đồ gỗ cao cấp xuất khẩu.

Ông Trần Văn Kiên, chủ cơ sở chế biến lâm sản tại xóm Đồng Đình, xã Yên Ninh, cho biết: Do việc xuất bán các mặt hàng gỗ sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là gỗ ván bóc và gỗ xẻ nên từ đầu năm đến nay, cơ sở của tôi chủ yếu sản xuất gỗ dăm để bán cho các doanh nghiệp trong nước. Khoảng hơn 3 tháng trở lại đây, giá gỗ dăm xuất ra đạt 2,8 triệu đồng/tấn, tăng 600 nghìn đồng/tấn so với thời điểm đầu năm 2022. Giá gỗ dăm tăng nên chúng tôi cũng thu mua gỗ nguyên liệu cho người dân với giá cao hơn.

Do giá gỗ nguyên liệu tăng cao, nhiều hộ dân đã khẩn trương khai thác rừng đến kỳ thu hoạch, thậm chí bán cây non để tiếp tục trồng vụ mới. Nhu cầu trồng rừng tăng cao cũng khiến thị trường cung ứng mặt hàng cây keo giống rơi vào tình trạng cung không đủ cầu.

Ông Ma Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã nông - lâm nghiệp và dịch vụ xã Yên Đổ, cho hay: Hợp tác xã có 17 vườn ươm giống cây lâm nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu trồng rừng của người dân trong năm nay, Hợp tác xã đã lên kế hoạch chuẩn bị trên 4 triệu cây giống. Tuy nhiên, do giá gỗ nguyên liệu tăng cao trong những tháng gần đây đã dẫn đến nhu cầu mua cây giống để trồng rừng tăng mạnh. Tất cả các vườn ươm của Hợp tác xã đều “cháy” cây, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Giá gỗ nguyên liệu tăng cao là điều đáng mừng. Song ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân nên trồng rừng theo đúng mùa vụ, thu hoạch rừng khi đủ độ tuổi khai thác. Đối với rừng sản xuất gỗ nhỏ là trên 7 năm, rừng sản xuất gỗ lớn là trên 10 năm, tránh thu hoạch rừng khi cây chưa đủ độ tuổi khai thác.

Phan Trang
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: