Giải pháp nào vực dậy các làng nghề? (Kỳ II)

Cập nhật: Thứ bẩy 08/04/2017 - 15:11

Việc duy trì và phát triển làng nghề hiện nay đang được xem là một yêu cầu không thể thiếu trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trước sức ép ngày càng tăng của cơ chế thị trường thì vấn đề làm sao để giữ gìn làng nghề không bị mai một, ổn định đời sống cho người làm nghề đang là bài toán khó cần được quan tâm giải quyết.

Hướng mở hiệu quả

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quang Huân, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề tỉnh cho biết: Khó khăn lớn nhất của làng nghề hiện nay là nhu cầu về vốn, đầu ra, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản phẩm khó tiêu thụ, chất lượng chưa cao, khó cạnh tranh trên thị trường... Do vậy, các làng nghề đang rất cần được hỗ trợ để nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.

 

Hiện thực hóa chính sách

 

Thực tế cho thấy, những khó khăn nêu trên không mới mà đã tồn tại từ lâu trong mỗi làng nghề, có chăng là khác nhau về mức độ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tính đến thời điểm này có khoảng 20 văn bản, chính sách để hỗ trợ ngành nghề nông thôn và làng nghề để giúp đỡ bà con. Đó là các văn bản, quyết định về hỗ trợ máy móc, thiết bị, hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, đăng ký thương hiệu, bản quyền tác giả hay các chính sách về truyền nghề, đào tạo nghề nông thôn… Tuy nhiên, để vận dụng và hiện thực hóa các chính sách này vào làng nghề cũng không hề đơn giản. Đơn cử như việc hỗ trợ máy móc, thiết bị thì hiện tỉnh mới áp dụng cho các làng nghề tiêu biểu (2-3 làng nghề/năm) và thực hiện đối ứng 50%.

 

Theo ông Đàm Thế Thụ, Trưởng làng nghề mộc, mỹ nghệ Phú Lâm (xã Kha Sơn, Phú Bình): Để nghề mộc, mỹ nghệ trụ vững với thời gian cần phải thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ, thay đổi máy móc, cần liên kết để sản xuất tiêu thụ tập trung… Bên cạnh đó, chúng tôi rất cần tăng cường vốn hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất; hỗ trợ thành lập phòng trưng bày sản phẩm làng nghề để giới thiệu sản phẩm.

 

Còn ông Phạm Đăng Ninh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình, cho rằng: Một trong những yếu tố quyết định thành công trong sản xuất kinh doanh là khâu tiêu thụ ổn định. Làng nghề cần áp dụng nhiều biện pháp để đưa sản phẩm tiếp cận người sử dụng, trong đó tham gia các hội chợ, triển lãm là giải pháp rất tốt. Đặc biệt, để làng nghề có thể tiếp cận được nguồn vốn thì có thể tính đến giải pháp là xây dựng các hợp tác xã trong làng nghề, lấy pháp nhân là hợp tác xã để vay vốn lãi suất thấp. Thực hiện được điều này tức là các làng nghề đã vận dụng linh hoạt những ưu đãi của chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác.

 

Cần những người “giữ lửa”

 

Theo thống kê của Hiệp hội làng nghề tỉnh, tính đến nay, có hơn 11.700 hộ làng nghề với trên 22.760 lao động, trong đó, số người trẻ làm nghề chiếm tỷ lệ rất thấp. Lý do chính khiến không mấy người còn mặn mà với nghề đó là thu nhập chưa đủ để đáp ứng nhu cầu sống cho họ và gia đình. Để làng nghề có thể phát triển được thì trước hết nguồn nhân lực phải mạnh, bên cạnh những nghệ nhân có kinh nghiệm, tay nghề thì rất cần những thanh niên có trí tuệ, có tâm huyết với sự nhanh nhạy của tuổi trẻ để nắm bắt thị trường, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Hiện nay, toàn tỉnh ta mới chỉ có một cá nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề Việt Nam, đó là ông Nguyễn Văn Đoàn (56 tuổi), Giám đốc Hợp tác xã Chè Núi Cốc, thuộc Làng nghề chè truyền thống xóm Khuôn II, xã Phúc Trìu, T.P Thái Nguyên.

 

Trăn trở với nỗi lo thiếu lao động tại làng nghề, ông Triệu Văn Quản, Trưởng làng nghề dệt mành cọ Đồng Thịnh (xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa) tâm sự: Gần như các cơ sở sản xuất của làng nghề vắng bóng lớp trẻ, số lao động đều trên 35 tuổi trở lên. Đó là điều rất đáng lo ngại. Lớp trẻ không học nghề là mất nghề, đồng nghĩa với mất làng nghề.

 

Nói về vấn đề này, ông Bùi Quang Huân cho biết: Trên thực tế, công tác truyền nghề, dạy nghề và du nhập nghề mới vào tỉnh còn yếu, thiếu người truyền nghề và thiếu người muốn học nghề. Do vậy, yêu cầu đặt ra là mỗi làng nghề cần tìm và lựa chọn một số nghệ nhân có tay nghề vững vàng, có tâm huyết để dìu dắt và trao đổi kinh nghiệm với các thành viên còn lại. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt và góp phần “giữ lửa” cho các làng nghề.

 

Không thể thiếu “cánh tay” bà đỡ

 

Cho dù áp dụng chính sách gì chăng nữa thì bản thân các làng nghề cần phải tự nỗ lực để thay đổi, trước hết là thay đổi về cung cách sản xuất cho tới cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Trong đó, các làng nghề cần tích cực cử đại diện tham dự các lớp tập huấn, các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực thiết kế phát triển sản phẩm. Đồng thời, có nhận thức về sự cần thiết phải đăng ký thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hành các quy trình sản xuất tốt để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nhằm tạo niềm tin với khách hàng.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số các làng nghề được công nhận mới có trên 25 cơ sở được cấp chứng chỉ VietGAP đối với sản phẩm chè, 17 hộ được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nghề chế biến thực phẩm (bánh chưng, miến dong, bún, bánh, các sản phẩm từ ngựa bạch…). Còn lĩnh vực xúc tiến thương mại, đăng ký thương hiệu và quảng bá sản phẩm về cơ bản vẫn yếu. Đến nay, mới có 34 làng nghề có Website, nhưng việc điều hành và duy trì rất ít, các làng nghề có thương hiệu chủ yếu vẫn là các làng nghề chè.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về lĩnh vực kinh tế tập thể, để làng nghề phát triển được thì sự cố gắng của các làng nghề chưa đủ mà cần sự vào cuộc, quan tâm kịp thời của chính quyền và các cấp, ngành hữu quan. Trước hết là tại các huyện, xã, cụ thể là phòng Kinh tế hạ tầng, UBND xã, các tổ chức đoàn thể được phân công nhiệm vụ theo dõi làng nghề cần nắm bắt và hiểu rõ các chính sách để kịp thời tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là các hộ làm nghề, áp dụng chính xác và đầy đủ, tránh để thiệt thòi cho người dân. Ông Vũ Văn Bút, Chủ tịch UBND xã Đồng Thịnh (Định Hóa) cho biết: Là địa phương có làng nghề, thời gian tới, xã sẽ phối hợp với huyện hướng dẫn các làng nghề ổn định cơ cấu tổ chức, hoạt động theo quy chế để nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý làng nghề. Đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt của hợp tác xã làng nghề, khuyến khích đăng ký hộ kinh doanh, doanh nghiệp để kinh doanh và làm dịch vụ công cho làng nghề…

 

Có thể khẳng định rằng, tỉnh ta có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển đa dạng các làng nghề. Do vậy, nếu có sự đầu tư đúng hướng, có những chính sách phù hợp, sát thực tiễn, nhất định làng nghề sẽ vượt qua khó khăn, trụ vững và phát triển, tăng trưởng kinh tế nông thôn.

Thu Huyền
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: