Gian nan tìm nguồn thực phẩm sạch

Cập nhật: Thứ ba 02/08/2016 - 17:24
 Lo lắng thực phẩm bẩn, chị Lê Thị Hương (tổ 15, phường Gia Sàng) tận dụng khu đất trống trước cửa nhà để trồng rau.
Lo lắng thực phẩm bẩn, chị Lê Thị Hương (tổ 15, phường Gia Sàng) tận dụng khu đất trống trước cửa nhà để trồng rau.

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục thông tin về những cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn, thức ăn đường phố không rõ nguồn gốc, đồ uống chứa các chất độc hại, nguy hiểm cho sức khỏe… khiến người tiêu dùng hoang mang, lo sợ. Nhiều người dân trên địa bàn T.P Thái Nguyên bằng cách này hay cách khác đã tự tìm những nguồn cung cấp thực phẩm cho gia đình mình.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các loại thịt tươi sống không nên để tủ lạnh quá lâu và có thể gây ngộ độc thức ăn nếu không bảo quản đúng cách. Thịt nên được giữ ở 00C, và chỉ nên sử dụng trong 3 ngày. Với loại thịt tươi nếu bọc thì giữ được 3 ngày, nếu không bọc giữ được 5 ngày trong điều kiện nhiệt độ 0-30C. Các loại thịt bắp nguyên khúc và thịt đã được xử lý có thể giữ được lâu hơn. Không nên sử dụng thịt lâu quá 7 ngày.    

Dọc các dãy phố, nhiều gia đình tự tạo những vườn rau mini trước hiên nhà bằng nhiều hộp xốp ghép lại với nhau, thậm chí, nhiều người còn tận dụng những ô vuông trồng cây bóng mát vỉa hè để trồng rau xanh. Khu dân cư số 9 (phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên) mới được hình thành từ vài năm trở lại đây, nhiều diện tích đất còn bỏ trống.

 

Một số người dân đã tận dụng đất để trồng rau, phục vụ bữa ăn của gia đình. Đối với các gia đình có đất trồng trọt, chăn nuôi thì việc “tự sản, tự tiêu” là giải pháp được nhiều người lựa chọn. Còn những hộ có diện tích đất hẹp hay bận rộn thì địa chỉ được tin tưởng chính là các cửa hàng rau an toàn hay nguồn thực phẩm từ người quen ở nông thôn.

 

Cứ đến cuối tuần, bà Lê Thị Hiền, tổ 15, phường Tân Thịnh lại ra bến xe khách nhận thực phẩm từ quê chuyển lên để dự trữ ăn dần. Bà Hiền chia sẻ: Nhìn con cái mua thức ăn ngoài chợ mà tôi lo lắng không yên. Sẵn có người nhà ở quê, hàng tuần tôi đều nhờ mua đồ ăn rồi gửi lên qua xe khách cho yên tâm.

 

Ngoài ra, nhiều gia đình còn chung nhau thịt một con lợn để không phải mùa thịt lợn ngoài chợ. Anh Nguyễn Ngọc Tuyển, tổ 1, phường Quang Vinh cho biết: Từ khi có thông tin sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, gia đình tôi rất lo lắng. Vợ tôi nảy ra ý tưởng mấy gia đình mua chung một con lợn có nguồn gốc uy tín rồi thuê người thịt, chia nhau mỗi gia đình một phần rồi cho tủ lạnh ăn dần cho đảm bảo. Cứ đều đặn như vậy, gần 1 năm nay, nhà tôi không phải mua thịt lợn tại chợ.

 

Nắm bắt được nhu cầu thực phẩm sạch của người dân, nhiều cửa hàng rau an toàn, thực phẩm sạch đang mọc lên ngày càng nhiều. Trong đó, bán thực phẩm sạch qua mạng là loại hình kinh doanh mới, đang được rất nhiều bà nội trợ tin dùng. Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, tổ 4, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên), chủ shop online Thực phẩm sạch Hòa Bình, cho biết: Khi mới xây dựng trang trại tại tỉnh Hòa Bình, ý tưởng của tôi là nhằm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình. Nhận thấy nhu cầu của thị trường rất lớn, tôi mở rộng quy mô để kinh doanh. Hiện nay, trang trại 20ha của gia đình tôi có trên 2.000 con lợn thịt và đủ loại rau xanh đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu cung cấp cho Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam và một số cửa hàng rau an toàn. Đồng thời, tôi dành một số lượng nhất định để bán online với mục đích giới thiệu sản phẩm.

 

Có thể thấy, trước bối cảnh thực phẩm bẩn tràn lan, khó kiểm soát như hiện nay, việc người dân chủ động tăng gia sản xuất là giải pháp được nhiều người lựa chọn song chỉ là biện pháp tức thời, chứ chưa mang tính bền vững. Đó là chưa kể đến nhiều người dân cho rằng việc tự nuôi trồng là tốt, trong khi điều kiện đất, nước không đảm bảo. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lê Thị Hương Lan, Trưởng khoa Sinh hóa (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cho biết: Nhiều người dân chỉ quan tâm đến thực phẩm có chất tăng trọng, có nhiễm hóa chất hay không, còn mầm bệnh ký sinh trùng trong thực phẩm lại ít quan tâm. Trong khi thực tế nhiều ký sinh trùng truyền qua thực phẩm gây nhiều bệnh lý phức tạp, thường gặp nhất là các bệnh về đường ruột.

 

Mỗi người một cách làm, một biện pháp song tựu chung lại đều nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân. Tuy nhiên, giải pháp tối ưu nhất vẫn là sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền và ngành chuyên môn, đảm bảo thực phẩm xuất ra thị trường phải có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tế này đang là cơ hội tốt để những mô hình nuôi, trồng, kinh doanh thực phẩm an toàn được nhân rộng.

Thu Huyền
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: