Giúp chè Sông Công lên hương
Vừa qua, Hợp tác xã sản xuất và chế biến chè Thắng Lợi (TP. Sông Công) được hỗ trợ niêm yết các sản phẩm được chứng nhận OCOP trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong ảnh: Đóng gói các sản phẩm chè tại Hợp tác xã. |
Với diện tích trên 450ha chè kinh doanh, hằng năm, cây chè đã góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân các xã, phường phía Tây của TP. Sông Công. Do vậy, phát triển cây chè đang là một trong những định hướng kinh tế được thành phố chú trọng trong những năm gần đây.
Tận dụng lợi thế phát triển kinh tế đồi rừng, những năm qua, xã Bá Xuyên đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển cây chè mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Đỗ Trọng Lư, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Năm 2001, Sở Khoa học và Công nghệ đưa Dự án chè cành vào trồng tại xã Bá Xuyên với diện tích 10ha. Từ đó, cây chè ở Bá Xuyên bắt đầu phát triển mạnh. Từ chỗ chỉ có 10ha, đến nay, bà con trong xã đã nhân rộng diện tích lên trên 90ha với các giống: LDP1, Kim Tuyên, Bát Tiên...
Theo bà Nghiêm Thị Bình, Phó phòng Kinh tế TP. Sông Công: So với một số địa phương trong tỉnh, diện tích chè của TP. Sông Công chưa phải nhiều. Song, với sự quan tâm, đầu tư của thành phố, trong những năm qua, loại cây trồng này đã dần khẳng định được vị thế và trở thành sản phẩm có giá trị, tiềm năng của địa phương; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhằm nâng cao hiệu quả sản phẩm chè, TP. Sông Công đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống từ chè trung du sang trồng chè cành cho năng suất, chất lượng cao. Bình quân mỗi năm, thành phố trồng mới, trồng thay thế trên 20ha, trong đó, chè giống mới chiếm tỷ lệ 60%. Hằng năm, địa phương cũng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè tới người dân; định hướng phát triển cây chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ...
Cùng với đó, thành phố triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, nhằm khuyến khích người dân phát triển cây chè. Tính riêng từ năm 2021 đến nay, Sông Công đã hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng thực hiên Dự án liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ chè; hỗ trợ cây giống để trồng mới, trồng lại 14ha chè cành tại các xã, phường: Bá Xuyên, Bình Sơn, Châu Sơn, Lương Sơn; hỗ trợ 3 máy chế biến chè tại xã Bình Sơn và phường Thắng Lợi; hỗ trợ 4 máy làm đất đa năng và 1 máy sao chè cho hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, hộ sản xuất; lắp đặt các điểm tưới tiết kiệm với diện tích hơn 10ha tại xã Bình Sơn, phường Lương Sơn…
Để tạo dựng thương hiệu và đẩy mạnh liên kết trong sản xuất chè, TP. Sông Công đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ tham gia thành lập mới, duy trì và phát triển các HTX, tổ hợp tác, làng nghề sản xuất chè an toàn. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”, thành phố cũng đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ sản phẩm chè được chứng nhận OCOP 3 sao trở lên tham gia nhiều hội trợ, triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm; hợp tác, liên kết để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Đến nay, toàn thành phố có 2 HTX sản xuất, chế biến chè được niêm yết các sản phẩm OCOP trên sàn giao dịch thương mại điện tử; Sông Công đã xây dựng được 13 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các xã, phường…
Ông Phạm Văn Tiến, Giám đốc HTX Trà Cao Sơn, xóm Khe Lim, xã Bình Sơn, cho biết: Giai đoạn 2021-2022, HTX được thành phố hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng thực hiện Dự án liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ chè VietGAP gắn với du lịch trải nghiệm tại xã Bình Sơn. Thông qua Dự án, HTX đã xây dựng được 8ha chè an toàn, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu an toàn của đơn vị lên 50ha. HTX hiện có 5 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao.
Nhờ những giải pháp tích cực, năng suất và chất lượng sản phẩm chè của TP. Sông Công được cải thiện đáng kể. Tính đến hết năm 2021, năng suất chè của toàn thành phố đạt trên 4.800 tấn, tăng 3,6% so với năm 2020; 50ha chè được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 9 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP được xếp hạng 3 và 4 sao. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích chè đạt 580ha, sản lượng đạt trên 7.800 tấn (tăng 3.000 tấn so với năm 2021).