Giúp sức cho hộ dân thoát nghèo

Cập nhật: Thứ hai 03/11/2014 - 10:19
 Nhờ được sự hỗ trợ từ Dự án, nhóm hộ do anh Lê Thanh Trình ở xóm Bục 4, xã Bộc Nhiêu (Định Hóa) làm trưởng nhóm đã mua được máy tuốt lúa trị giá 23 triệu đồng phục vụ nhu cầu sản xuất và kinh doanh.
Nhờ được sự hỗ trợ từ Dự án, nhóm hộ do anh Lê Thanh Trình ở xóm Bục 4, xã Bộc Nhiêu (Định Hóa) làm trưởng nhóm đã mua được máy tuốt lúa trị giá 23 triệu đồng phục vụ nhu cầu sản xuất và kinh doanh.

Thông qua Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số (Chương trình 135), thời gian qua nhiều hộ nghèo của huyện Định Hóa đã có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo...

Anh Lê Thanh Trình, xóm Bục 4, xã Bộc Nhiêu cho biết: Hơn 2 năm trở về trước, do ít đất, lại thiếu kinh nghiệm sản xuất, gia đình tôi rất khó khăn. Song được sự hỗ trợ từ Dự án phát triển sản xuất, gia đình tôi cùng với 4 hộ khác trong xóm đã được Nhà nước hỗ trợ 17 triệu đồng để mua một máy tuốt lúa có trị giá 23 triệu đồng (các hộ đối ứng hơn 5 triệu đồng). Ngoài tuốt lúa của gia đình, chúng tôi còn tranh thủ đưa máy đi tuốt thuê cho các hộ dân khác. Mỗi vụ, chúng tôi cũng có thêm nguồn thu nhập từ 3-4 triệu đồng. Cùng với sự hỗ trợ này, chúng tôi còn được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nhờ đó, chúng tôi có điều kiện và kinh nghiệm phát triển sản xuất. Năm 2012 gia đình tôi đã thoát nghèo.

 

Gia đình anh Trình chỉ là một trong số gần 10 nghìn hộ nghèo trên địa bàn huyện Định Hóa đã được hưởng lợi từ Dự án phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số (thuộc Chương trình 135). Theo số liệu thống kê của huyện Định Hoá, từ năm 2006 đến 2013, huyện có 9.952 hộ dân thuộc diện hộ nghèo, trong đó 731 nhóm hộ được hưởng lợi từ Dự án này. Ban Quản lý Dự án của huyện đã mở 59 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, bảo dưỡng máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí gần 89 triệu đồng; triển khai 18 mô hình sản xuất tiên tiến đem lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng khoai tây Hà Lan, trồng rừng, chăn nuôi dê sinh sản... với tổng kinh phí trên 453 triệu đồng; hỗ trợ các hộ dân mua giống vật nuôi như: lợn nái Móng Cái sinh sản, trâu sinh sản, bò đực lai Sind, bò cái sinh sản, ong lấy mật.... với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng. Anh Hoàng Đình Hoan, xóm Làng Quàn (xã Tân Thịnh) cho biết: Từ năm 2007, gia đình tôi đã được hỗ trợ tiền mua 1 con lợn Móng Cái sinh sản. Với mỗi năm đẻ 2 lứa, trừ hết chi phí, gia đình tôi có thêm một khoảng thu nhập từ 4-5 triệu đồng từ chăn nuôi lợn nái sinh sản. Cùng với đó, chúng tôi còn được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi và trồng trọt. Nhờ vậy, chúng tôi có thêm kiến thức để lựa chọn các loại cây, con để phát triển sản xuất. Từ năm 2010 đến nay, gia đình tôi đầu tư nuôi thêm dê, mỗi năm có thêm nguồn thu nhập trên chục triệu đồng từ nuôi dê...

 

Để Dự án đạt hiệu quả, UBND huyện Định Hóa đã chỉ đạo, xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện theo từng năm đối với các xã có hộ dân được hưởng lợi. Theo đó, huyện đã giao UBND các xã làm chủ đầu tư, chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND các xã kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện theo quy định, đồng thời tổng kết, phổ biến các mô hình điểm. Ngoài ra, hằng năm, UBND huyện còn tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát tại các phòng, ban và UBND các xã về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện Dự án. Đối với các xã thực hiện dự án, UBND xây dựng kế hoạch dự toán chi tiết, thông qua kỳ họp HĐND xã hoặc hội nghị quân dân chính xã; giao chỉ tiêu, kèm theo hướng dẫn cho các xóm tổ chức hội nghị bình xét chọn hộ thực hiện Dự án bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng. Đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Bộc Nhiêu cho biết: Từ năm 2006 đến nay, các hộ dân của xã Bộc Nhiêu đã được đầu tư khoảng 940 triệu đồng để tập huấn khoa học kỹ thuật; hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; các loại máy móc phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp của các hộ dân trong xã. Hằng năm, UBND xã đều chỉ đạo Ban chỉ đạo sản xuất nông lâm nghiệp và Ban quản lý Dự án phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chọn giống chè, giống lợn đảm bảo chất lượng về giao cho các hộ. Ban quản lý Dự án cũng hướng dẫn người dân cách mua giống trâu, bò sinh sản đảm chất lượng và tổ chức cấp tiền hỗ trợ kịp thời cho các hộ...

 

Đồng chí Ma Đình Đối, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai trên địa bàn huyện thời gian qua đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất và tăng năng suất lao động, tạo thêm việc làm, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ dân vùng dân tộc thiểu số. Để thực hiện Dự án đạt hiệu quả trong những năm tiếp theo, UBND huyện đã giao nhiệm vụ cho Phòng Nông nghiệp và PTNT tham mưu để phân bổ nguồn vốn cho các xã, xóm vùng dự án, hướng dẫn các chủ Dự án là UBND xã lập dự toán kế hoạch và các phương án xây dựng mô hình sản xuất theo quy định, xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng đối với các giống cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất đưa vào thực hiện Dự án; Trạm Khuyến nông huyện tăng cường công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ dân thực hiện Dự án.

Đức Anh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: