Góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn

Cập nhật: Thứ hai 25/12/2017 - 11:52
 Được vay vốn ở mức tối đa theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, gia đình chị Nguyễn Thị Huệ, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) đã đầu tư vào trồng ổi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Được vay vốn ở mức tối đa theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, gia đình chị Nguyễn Thị Huệ, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) đã đầu tư vào trồng ổi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phù hợp, hiệu quả là những đánh giá mà cả khách hàng và ngân hàng đưa ra khi nói về Nghị định số 55/2015/NĐ-CP sau hơn 2 năm triển khai thực hiện. Từ kết quả này, rất cần được ngành Ngân hàng cũng như cấp ủy, chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể các cấp quan tâm, nhìn nhận để từ đó có những thay đổi về điều kiện, mức cho vay hoặc bảo lãnh, nhất là đối với các cá nhân, doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và có nhu cầu vốn thực sự…

Theo Nghị định số 55, việc cho vay nông nghiệp, nông thôn được thực hiện ở tất cả các ngân hàng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau nên từ nhiều năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT (Agribank) vẫn luôn giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh. Tính đến cuối tháng 11-2017, trong tổng nguồn vốn cho vay 9.824 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh Thái Nguyên thì có tới 7.033 tỷ đồng được đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (chiếm tỷ trọng 71,6%), tăng gần 900 tỷ đồng so với cuối năm 2016 với gần 53 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong số vốn cho vay, ngành trồng trọt chiếm 32%; chăn nuôi 27%; thu mua lương thực 12%; chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản 15%; phát triển ngành nghề nông thôn 8%; còn lại là ngành khác (vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…).

Năm nay, Chi nhánh Thái Nguyên được Agribank Việt Nam giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, đến cuối tháng 11 chỉ tiêu này đã được hoàn thành. Vì vậy, để kịp thời đáp ứng nhu cầu về vốn cho khách hàng, Chi nhánh đã đề xuất với Hội sở chính “nới room” thêm 200 tỷ đồng, tương ứng với 2%. Với kết quả đó, năm 2017 tiếp tục là năm Agribank Chi nhánh Thái Nguyên có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao. Theo ông Lã Hùng Cường, Phó Giám đốc Chi nhánh, để đạt được kết quả này thì một trong hai yếu tố giữ vai trò quan trọng chính là hiệu ứng từ Nghị định số 55.

Cụ thể, Nghị định số 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được Chính phủ ban hành ngày 9-6-2015, có hiệu lực từ cuối tháng 7-2015, thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP (Nghị định số 41). Theo đó, các quy định về cho vay được thông thoáng, cởi mở hơn đối với cả người vay và ngân hàng. Một trong số đó phải kể đến là nâng mức cho vay không cần tài sản đảm bảo. Nếu như trước đây, theo Nghị định số 41, hộ gia đình, cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng, thì theo Nghị định số 55 đã nâng lên 100 triệu đồng; nếu cá nhân, hộ gia đình đầu tư trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm được vay tối đa 200 triệu đồng. Còn đối với hộ kinh doanh từ 200 triệu được nâng lên 300 triệu đồng; hợp tác xã, chủ trang trại từ 500 triệu nâng lên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, Nghị định số 55 còn mở rộng đối tượng được vay đến cả các hộ sản xuất nông nghiệp nằm trên địa bàn phường, thị trấn thuộc thị xã, thành phố (trước đây, theo Nghị định số 41 thì không thuộc đối tượng được vay).

Theo chị Nguyễn Thị Huệ, ở xóm Thanh Chử, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên): Trước đây, để được vay vốn ngân hàng, người dân phải làm khá nhiều thủ tục trong đó có việc đăng ký tài sản đảm bảo với phòng tài nguyên và môi trường huyện. Vì thế, người dân phải đi lại nhiều lần. Nhưng 2 năm trở lại đây, thủ tục đã đơn giản hơn rất nhiều. Tuy người vay vẫn phải nộp “bìa đỏ” cho ngân hàng nhưng không phải làm thủ tục đăng ký tài sản đảm bảo nên chỉ mất nửa buổi là có thể được giải ngân. Cùng với đó, số tiền được vay ngày càng cao hơn, cơ bản đã phù hợp với nhu cầu của phần lớn hộ dân... Chỉ tay về mảnh vườn rộng 3.600m2, với trên 200 gốc ổi hơn 1 năm tuổi khá sai quả, chị Huệ cho biết: Khu đất này vợ chồng tôi mới mua thêm. Mặc dù số tiền 200 triệu đồng vay của Agribank chỉ chiếm 1 phần trong tổng mức đầu tư, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với vợ chồng tôi. Tính đến nay, tôi đã gắn bó với Agribank được gần 20 năm. Nếu không có nguồn vốn này, chúng tôi sẽ không thể có điều kiện để mở rộng sản xuất như thế này. Được biết, hiện mỗi năm, gia đình chị Huệ có thu nhập trên dưới 200 triệu đồng từ ổi.

Còn theo bà Nguyễn Thị Trần Phượng, Giám đốc Agribank huyện Đồng Hỷ, nhờ có Nghị định số 55 mà nhiều hộ dân đã có điều kiện và mạnh dạn hơn trong việc đầu tư sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất để các hộ được vay ở mức tối đa, bởi thực tế cho thấy, việc sử dụng nguồn vốn vay của người dân mang lại hiệu quả khá tốt. Hiện, lãi suất cho vay theo Nghị định số 55 phổ biến ở mức từ 7-9%/năm đối với kỳ ngắn hạn; từ 10-11%/năm đối với kỳ trung và dài hạn.

Ông Lã Hùng Cường cho rằng: Một trong những thành công lớn nhất trong triển khai thực hiện Nghị định số 55 của Chi nhánh chính là đã huy động được sự vào cuộc của các cấp, ngành trên địa bàn, nhất là UBND cấp xã và 2 tổ chức hội, đoàn thể là nông dân, phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở trong việc tham gia thành lập ban chỉ đạo đầu tư vốn Agribank và tổ cho vay vốn ở các thôn, xóm. Việc thành lập các ban, tổ này chính là một trong những nội dung nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị định số 55. Đến nay, toàn tỉnh đã có 136 xã, thị trấn thành lập được Ban chỉ đạo đầu tư vốn Agribank, với 1.960 tổ vay vốn (tăng 261 tổ so với cuối năm 2016), thu hút gần 38 nghìn thành viên (tăng 2,9 nghìn thành viên). Thông qua các ban Chỉ đạo cấp xã và tổ vay vốn, người dân ngày càng hiểu rõ hơn về các chính sách cho vay của Agribank. Đồng thời, việc thẩm định, thiết lập hồ sơ cho vay cũng như giám sát sử dụng nguồn vốn của tổ viên cũng trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn… Điều này phần nào được thể hiện thông qua việc trả nợ, trả lãi của người dân với ngân hàng luôn được đảm bảo đúng quy định; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,36% trên tổng dư nợ cho vay.

Có thể khẳng định, sau hơn hai năm triển khai thực hiện, Nghị định số 55 đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho cả người vay và ngân hàng, từ đó đã có tác động rất tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là khu vực nông thôn, trong đó có phong trào xây dựng nông thôn mới. Từ thành công này, thiết nghĩ ngành Ngân hàng, cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp cần mạnh dạn hơn trong việc đề xuất cũng như tạo điều kiện cho vay, bảo lãnh đối với người dân, doanh nghiệp thông qua các nguồn vốn khác nhau, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các hợp tác xã nếu có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Không nên vì quá đề cao yếu tố an toàn mà đưa ra các điều kiện khắt khe, ngặt nghèo khiến người vay gặp khó, thậm chí là không thể tiếp cận được với nguồn vốn, từ đó sẽ dễ dẫn đến việc làm mất cơ hội gia nhập thị trường của các ý tưởng, sản phẩm mới, lạ.

Thu Hằng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: