Hậu quả từ những cơn “sốt đất”
Thời gian gần đây, cơn “sốt” bất động sản đang lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố. “Sốt” giá bất động sản luôn tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ là lạm phát, khủng hoảng tiền tệ hay tài chính, cao hơn là khủng hoảng kinh tế…
Thực tế cho thấy, không chỉ Việt Nam mà ở cả những quốc gia có thị trường bất động sản lâu đời, khi những cơn “sốt đất” đi qua, ngoài việc nhiều nhà đầu tư không thể rút tiền về thì còn gây ra nhiều hệ luỵ như: Cản trở quá trình đô thị hoá, việc xây dựng nhà ở giá rẻ của chính phủ ngưng trệ cũng như hệ luỵ cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp làm thật hướng tới cung cấp nhà cho số đông người có nhu cầu thật.
Các chuyên gia luôn cảnh báo: Tình trạng "thổi" giá nhà, đất không được ngăn chặn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thị trường cũng như chính sách phát triển nhà ở cho đa số người dân cần nhà ở thực.
Dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ông Lê Văn Bình, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng, mỗi lần "sốt đất” sẽ để lại những hệ lụy rất lớn cho điều hành kinh tế-xã hội. Kể cả khi giá đất giảm thì cũng neo lại ở một mặt bằng giá mới. Do đó khi thu hồi mặt bằng quy hoạch để phát triển kinh tế xã hội, nhà nước phải bỏ ra lượng ngân sách lớn hơn vì người dân đòi hỏi phí bồi thường cao hơn. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng phải bỏ ra lượng tiền lớn hơn để đầu tư vì giá cho thuê đất tăng. Những điều đó làm cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội.
Ở góc độ kinh doanh, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản cho rằng, việc giá bất động sản bị "thổi" quá cao sẽ gây khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất cho các doanh nghiệp vì giải phóng mặt bằng khó khăn, chi phí phát sinh lớn hơn nhiều…
Trước tình trạng "sốt đất" diễn ra ở nhiều nơi, trong thời gian vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương vào cuộc và có những giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các hiện tượng “sốt đất” ảo ở một số địa phương.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản để tháo gỡ khó khăn và đặc biệt tháo gỡ về mặt trình tự, thủ tục đầu tư…
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm soát chặt chẽ hơn các tín dụng, nhất là tín dụng trong bất động sản để tránh rủi ro kép trong lĩnh vực này. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các địa phương tập trung đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở thương mại giá rẻ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, cùng với các giải pháp của cơ quan chức năng, người dân, doanh nghiệp đang quan tâm đến lĩnh vực bất động sản cũng nên hết sức bình tĩnh, cảnh giác với những thông tin đồn thổi, tìm hiểu, xem xét kỹ hồ sơ pháp lý của các dự án bất động sản.