Hiệu quả từ các dự án khuyến công
Bên cạnh 12 tấn sản phẩm chè búp khô truyền thống, năm 2014, HTX chè Tân Trà sản xuất thêm 5 tấn chè túi lọc. Trong ảnh: Máy đóng gói trà túi lọc đưa vào sản xuất đã đem lại doanh thu ổn định cho HTX Chè Tân Trà. |
5 năm qua, huyện Đồng Hỷ đã triển khai 17 dự án khuyến công với tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Đó cũng là nền tảng cơ bản để các doanh nghiệp, cơ sở đầu tư vào sản xuất với quy mô lớn hơn, từng bước nâng cao năng lực, khẳng định được vị thế của mình trên thị trường…
Khi mới thành lập vào năm 2012, Hợp tác xã (HTX) Chè Tuyết Hương chưa có máy móc, trang thiết bị hiện đại nên sản phẩm chỉ được chế biến thủ công tại 7 hộ gia đình thành viên, năng suất không cao, sản lượng chỉ đạt khoảng 20 tấn/năm. Lúc đó, việc bảo quản chè còn gặp nhiều khó khăn, sản phẩm chè nhiều khi không bảo đảm chất lượng khi gặp thời tiết nồm, ẩm. Năm 2013, thông qua Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện, HTX được hỗ trợ máy hút chân không, trị giá 100 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 50%. Với công suất 20 kg chè một lần hút chân không, chiếc máy mới đã giúp HTX bảo quản sản phẩm được đảm bảo và dễ dàng hơn. Tiếp đó, năm 2016, HTX lại tiếp tục được hỗ trợ 1 tủ sấy và 1 máy sao chè bằng ga trị giá trên 200 triệu đồng. Với hệ thống mới này, mỗi mẻ có thể sao được 12kg chè khô, nhiều gấp 4 lần so với máy thủ công bình thường. Bên cạnh đó, chất lượng chè cao hơn hẳn do điều chỉnh được nhiệt độ, chè không bị ám khói, bụi và giảm tỷ lệ chè bị gãy thành chè cám. Bà Trần Thị Tuyết, Chủ nhiệm HTX Chè Tuyết Hương chia sẻ: Một HTX mới thành lập như chúng tôi, để đầu tư được máy móc thiết bị hiện đại quả là rất khó khăn. Sự hỗ trợ của công tác khuyến công đã thúc đẩy chúng tôi thêm động lực để đầu tư và đến nay chúng tôi đã có được những máy móc, thiết bị hiện đại để phục vụ công việc chế biến sản phẩm chè. Được biết, hiện nay, sản phẩm của HTX đã đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường. Sản lượng chè thành phẩm của HTX đã đạt 40 tấn/năm.
Cũng ở trong ngành sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, đối với HTX Tân Trà thì sự giúp đỡ từ nguồn kinh phí khuyến công đã giúp HTX mở ra hướng kinh doanh khác là sản xuất thêm trà túi lọc. Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc HTX cho biết: Trước đây, HTX chỉ sản xuất sản phẩm chè búp truyền thống. Loại chè này cần đòi hỏi có thời gian pha chế và thưởng thức. Qua tìm hiểu thị trường, chúng tôi nhận thấy nhiều người thích các đồ uống nhanh như chè Lipton, chè đen, chè Dilmah… Đây là các lại trà túi lọc rất phù hợp với những người có quỹ thời gian hạn chế mà vẫn có thể thưởng thức được trà. Vì vậy, sau khi tìm hiểu, HTX chè Tân Trà đã quyết định sản xuất thêm sản phẩm chè túi lọc. Được sự giúp đỡ của các ngành chức năng, phương án đầu tư máy móc thiết bị sản xuất trà túi lọc của HTX đã được phê duyệt. Với tổng kinh phí thực hiện Phương án là 545 triệu đồng, trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ trên 80 triệu đồng, HTX Chè Tân Trà đã đầu tư dây chuyền, thiết bị đồng bộ sản xuất trà túi lọc YD15 vào năm 2014. Sau hơn 2 năm đưa vào sản xuất cho thấy, dây chuyền vẫn hoạt động ổn đijnh và giảm thiểu được ô nhiễm môi trường. Chỉ riêng sản xuất trà túi lọc, HTX đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho 6 lao động với mức lương bình quân 2,8 triệu đồng/người/tháng.
Còn đối với Nhà máy Gạch Tuynel Hóa Trung (Công ty Cổ phần Thái Sơn) với lĩnh vực chính là sản xuất gạch bằng công nghệ bán dẻo thì sự giúp đỡ của nguồn kinh phí khuyến công cũng rất hiệu quả. Năm 2011, Nhà máy đi vào hoạt động, sử dụng công nghệ sản xuất gạch bán dẻo, tiên tiến nhất hiện nay. Công nghệ này có nhiều ưu điểm như: Sử dụng đất đồi và các loại phế thải rắn khác để sản xuất gạch, thay vì sử dụng đất sét, đất ruộng như công nghệ sản xuất gạch nung trước đây. Đây cũng là quy trình sản xuất không có phế thải, thân thiện với môi trường. Tuy vậy, ngày đầu thành lập, Công ty cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn và kỹ thuật. Ngay trong lúc còn khó khăn, từ chương trình khuyến công, Công ty đã được hỗ trợ dây chuyền trộn nguyên liệu trị giá 250 triệu đồng. Ưu điểm của dây chuyền này là không gây bụi, giảm nhân công so với phương pháp trộn thủ công và cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn. Sau 5 năm đi vào hoạt động, mỗi năm Nhà máy sản xuất được khoảng 18 triệu viên gạch. Hiện nay, Nhà máy đang giải quyết việc làm cho trên 100 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ông Hà Anh Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Thái Sơn bày tỏ: “Đối với doanh nghiệp mới phát triển như chúng tôi thì sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công đã giảm bớt căng thẳng về tài chính và tạo đà để doanh nghiệp phát triển".
Được biết, với mục tiêu phấn đấu chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động theo hướng công nghiệp hóa, phát huy thế mạnh của huyện về chế biến chè, gỗ rừng trồng, sản xuất vật liệu xây dựng,… Thời gian qua, huyện Đồng Hỷ đã chú trọng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các lĩnh vực này. Từ năm 2011 đến nay Đồng Hỷ đã triển khai được 17 dự án hỗ trợ từ chương trình khuyến công với tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề, đầu tư xây dựng mới và mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất chế biến công nghiệp phục vụ nông thôn. Góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương bình quân hằng năm tăng trên 14%. Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt trên 3.000 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương ước đạt 685 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Nói về kế hoạch, định hướng trong công tác khuyến công trên địa bàn thời gian tới, ông Phạm Kiều Hưng, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện cho biết: Những năm tiếp theo, các cơ quan chuyên môn của huyện sẽ tiếp tục rà soát những đơn vị đã được hỗ trợ để khuyến khích, động viên các đơn vị tiếp tục nâng cao hiệu quả cũng như đổi mới các dây chuyền công nghệ cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đơn vị. Đồng thời, lập kế hoạch đề nghị Trung tâm khuyến công tỉnh tiếp tục hỗ trợ những sản phẩm khoa học công nghệ mới cho những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhu cầu nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh khu vực nông thôn.