Khi chính sách “vào” cuộc sống

Cập nhật: Thứ bẩy 13/08/2022 - 09:47
 Trung bình mỗi ngày, cơ sở của bà Đặng Thị Xuân sản xuất được 1 tạ chè búp khô.
Trung bình mỗi ngày, cơ sở của bà Đặng Thị Xuân sản xuất được 1 tạ chè búp khô.

TP. Thái Nguyên hiện có 9 xã, phường có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, với gần 35.000 người, chiếm 10,7 % dân số. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương và sự nỗ lực vươn lên của người dân, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố ngày càng được nâng cao.

Trước đây, kinh tế của gia đình bà Đặng Thị Xuân, dân tộc Nùng, ở xóm Phúc Thuần, xã Phúc Trìu, chủ yếu dựa vào 6 sào chè. Do trồng chè trung du, chỉ tập trung khai thác, chưa chú trọng đầu tư thâm canh nên nguồn thu nhập từ cây chè đem lại cho gia đình bà không cao.

Bà Xuân chia sẻ: Cách đây gần 10 năm, sau khi được các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, tôi đã cải tạo lại diện tích chè của gia đình, đưa các giống chè lai F1, TRI 777 vào trồng thay thế những diện tích chè bị thoái hóa; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc chè. Nhờ đó, năng suất, chất lượng chè dần được nâng cao. Mỗi lứa, gia đình tôi thu được 100kg chè búp khô. Với giá bán trung bình 150.000 đồng/kg, tôi đã thu khoảng 10 triệu đồng/lứa.

Hướng phát triển kinh tế của gia đình bà Xuân cũng là câu chuyện chung của đồng bào DTTS trên địa bàn xã Phúc Trìu. Ông Lê Khương Duy, Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu, cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 224 hộ đồng bào DTTS, với gần 800 nhân khẩu. Kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trong đó chè là cây trồng mũi nhọn, với tổng diện tích chè toàn xã là 367ha. Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng của thành phố tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất, chế biến chè.

Cùng với đó, xã Phúc Trìu còn hỗ trợ xây dựng các vùng chè sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP tại 3 xóm (Phúc Thuần, Khuôn, Đồi Chè) - nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Ngoài ra, địa phương ưu tiên đầu tư cứng hóa các tuyến đường trục chính của 3 xóm (rộng từ 3-5m) để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa. Nhờ đó, đời sống của đồng bào DTTS ở Phúc Trìu ngày càng được nâng cao. Đến nay, xã chỉ còn 3/33 hộ nghèo là người DTTS; thu nhập quân theo đầu người đạt gần 50 triệu đồng/người/năm...

Ngoài Phúc Trìu, các xã, phường có đông người DTTS sinh sống của TP. Thái Nguyên như: Sơn Cẩm, Phúc Hà, Linh Sơn, Cao Ngạn, Thịnh Đức, Đồng Bẩm, Quang Vinh và Quan Triều cũng đã dành sự quan tâm rất lớn cho đồng bào. Nhờ đó, các công trình điện, đường, trường, trạm đã được xây dựng đồng bộ, khang trang, không còn khoảng cách giữa các vùng.

Đến nay, 100%  xóm có đồng bào DTTS sinh sống đều có đường ô tô, 100% hộ dân có điện lưới và nước sạch phục vụ sinh hoạt. Từ đó, tạo điều kiện để 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao; quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Hiện, số hộ nghèo là đồng bào DTTS của thành phố chỉ còn 114/664 hộ... Ngoài ra, các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS cũng được khôi phục và phát huy như hát Soọng Cô, hát Then, đàn Tính...

Ông Trần Nam Thái, Trưởng phòng Dân tộc TP.Thái Nguyên, khẳng định: Đạt được những kết quả trên là do các chính sách dân tộc như chính sách dành cho người có uy tín, Quyết định 2085/QĐ-TTg về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi... đã được thành phố thực hiện đầy đủ, kịp thời. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, thành phố cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội cho vùng đồng bào DTTS. Ngoài ra, thành phố còn đặc biệt chú trọng đưa các chương trình khuyến nông, khuyến lâm về các xóm đồng bào DTTS; xây dựng và nhân rộng những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi; xây dựng các mô hình xóm, làng văn hóa...

Vũ Công
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: