Khi nông dân bắt nhịp xu hướng 4.0
Bà Nguyễn Thị Minh chia sẻ về sản phẩm rau xanh với người tiêu dùng. |
Thông qua mạng xã hội như: Zalo, Facebook…, rau, củ, quả tươi được các thành viên Tổ hợp tác (THT) Rau an toàn xóm Cậy, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên), chia sẻ đến đông đảo người tiêu dùng. Nhiều hợp đồng mua - bán diễn ra chóng vánh, hiệu quả giúp cả 2 bên tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hầu hết các kế hoạch sản xuất của Tổ, rồi hợp đồng xuất bán rau cho các siêu thị, đại lý đều được triển khai qua điện thoại thông minh.
Sau hơn 10 năm thành lập, đi vào hoạt động, sản phẩm rau của THT Rau an toàn xóm Cậy đã từng bước chiếm lĩnh thị trường, được các bà nội trợ tin dùng. Hiện, Tổ có 16 thành viên, với tổng diện tích đất gieo trồng rau liền thửa 5ha.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Minh, Tổ trưởng THT Rau an toàn xóm Cậy, cho biết: Toàn bộ quy trình sản xuất, kể từ khâu làm đất đến thu hoạch đều được các thành viên thực hiện nghiêm theo quy trình VietGAP. Mùa nào thức nấy, 100% sản phẩm của Tổ đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm do cơ quan chức năng thẩm định.
Những ngày đầu Xuân, màn trời sũng nước nhưng trên cánh đồng xóm Cậy bà con vẫn tất bật với công việc đồng áng. Bà Nguyễn Thị Hiển, thành viên THT chia sẻ: Nông dân chúng tôi chạy theo cây rau, cây rau “chạy” theo thời vụ, đất không nghỉ, tay không ngơi và để mỗi ngày, trên mâm cơm các gia đình có món rau xanh an toàn.
Bà Hiển là một trong những thành viên có nhiều đất “cổ phần” vào Tổ, với diện tích gần 1ha. Bà có thói quen chia sẻ công việc đồng áng lên Zalo, Facebook. Nhờ vậy, bạn bè, người tiêu dùng yên tâm khi biết rõ xuất xứ, quy trình sản xuất và tự tin hơn khi lựa chọn mua sản phẩm của Tổ.
Cũng bằng chiếc điện thoại thông minh, bà Dương Thị Xuân “khoe” với người tiêu dùng cả một cánh đồng rau xanh mơn mởn chạy dọc bờ sông Cầu. Còn bà Nguyễn Thị Lan lại chia sẻ cận cảnh rổ cà chua đỏ mọng. Rồi bà Nguyễn Thị Huệ quay cảnh cả thửa ruộng rau xanh vừa vào độ thu hái.
Nhiều bà nội trợ “thả tim”, tiện thể nhắn một dòng tin với nội dung đặt mua, thậm chí sắp xếp thời gian đến tham quan mô hình sản xuất của Tổ… Bên ruộng su hào củ nào củ nấy đều chằn chặn, bà Minh cùng các thành viên đang dùng điện thoại quay, chụp đưa lên Zalo, Facebook, kèm hình ảnh là dòng thông tin: “Su hào nhà trồng, 15 ngày nữa được thu hoạch, bác nào thích thì đến cánh đồng xóm Cậy, em sẵn sàng phục vụ”.
Bản thân bà Minh và một số thành viên THT từng được đến các vùng rau xanh của Đà Lạt (Lâm Đồng); Hải Phòng; Lai Châu… tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Bà ưng nhất các mô hình sản xuất rau xanh công nghệ cao. Chỉ cần vào máy tính là biết luống rau nào đói phân, đói nước. Nhưng vì nhiều lý do nên cây rau công nghệ cao của Tổ đang dừng ở mơ ước.
Vẫn là phương thức sản xuất truyền thống là băm đất bằng máy, gieo trồng và thu hái thủ công. Tuy nhiên, có một số công đoạn sản xuất được ứng dụng khoa học công nghệ, tại nhiều thửa ruộng được lắp đặt giàn tưới tự động; một số thửa ruộng xa hệ thống mương dẫn thủy được khoan giếng để chủ động nước tưới. Nhiều diện tích bà con đầu tư làm giàn phủ lưới đen.
Các thành viên Tổ hợp tác Rau an toàn xóm Cậy chia sẻ kinh nghiệm sản xuất theo quy trình VietGAP.
“Lựa cơm gắp mắm”, đầu tư linh hoạt, coi trọng hiệu quả nên công việc sản xuất của Tổ luôn chủ động. Ví như giàn phủ lưới đen giúp cho cây rau phát triển xanh tốt, ngay cả khi tiết trời rét hại, hoặc nắng nóng có lượng bức xạ cao cũng không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây rau…
Tuyệt đối tuân thủ sản xuất theo quy trình VietGAP; bảo đảm ổn định sản lượng, nên một số siêu thị ở T.P Thái Nguyên tìm đến, đặt mua với số lượng lớn. Riêng siêu thị Minh Cầu hợp đồng bao tiêu khoảng 50% sản phẩm rau, củ, quả của Tổ.
Theo đó, hằng năm, Siêu thị này hỗ trợ cho bà con 50% tiền mua giống rau. Hằng ngày, rau được thu hoạch với số lượng theo nhu cầu của Siêu thị. Tất cả sản phẩm được Siêu thị kiểm định chất lượng bằng thiết bị máy móc hiện đại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mới đóng gói, dán mã truy xuất nguồn gốc, rồi bày lên giá hàng phục vụ người tiêu dùng.
Cũng như Siêu thị Minh Cầu, hầu hết các đại lý có hợp đồng bao tiêu sản phẩm rau xanh của Tổ, ngoài việc thường xuyên cử người có chuyên môn đến kiểm tra việc chăm sóc, thu hoạch còn kết nối với các thành viên thường xuyên chia sẻ thông tin, hình ảnh qua Zalo, Facebook.
Qua đó, các cơ sở, đại lý bao tiêu sản phẩm nắm bắt được toàn bộ quy trình sản xuất mà không nhất thiết phải… đến thực địa và lội chân xuống ruộng. Đồng thời, qua hình ảnh chia sẻ, bên đặt mua sản phẩm đánh giá được chính xác về chất lượng, và định giá hợp lý cho từng hợp đồng mua - bán với Tổ.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, các giao dịch mua - bán giữa Tổ và siêu thị, đại lý được thực hiện qua điện thoại được coi là giải pháp tối ưu. Các thành viên trong Tổ cũng hạn chế tập trung đông người cùng lúc để phòng dịch.
Xa mặt nhưng không cách lòng, công việc điều hành, kế hoạch xuống giống cho từng loại rau, củ, quả/vụ; số lượng rau xanh cần thu hoạch, giao bán cho từng đơn vị được triển khai bằng điện thoại, qua nhóm Zalo, Facebok chung của Tổ.
Qua nhóm chung, các thành viên trong Tổ trao đổi, chia sẻ thêm kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về vốn đầu tư mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Trong trường hợp ở Tổ có thành viên bị cách ly do dịch COVID-19, các thành viên sẽ tập trung giúp chăm sóc, thu hoạch, chuyển tiền thẳng vào tài khoản của thành viên bị cách ly. Cũng nhờ đó, công việc sản xuất của Tổ không gián đoạn, đều đặn mỗi sớm, rau, củ, quả từng loại đáp ứng đủ số lượng cho các siêu thị, đại lý Tổ đã ký hợp đồng.
Bằng chiếc điện thoại thông minh, sản phẩm của Tổ được nhiều người biết đến và tin dùng. Họ chính là những người nông dân số, biết ứng dụng công nghệ thông tin cho các giao dịch cần thiết liên quan tới sản xuất mùa vụ. Bạn hàng cũng đã quen với việc “thả tim” khi được xem hình ảnh rau, củ, quả tươi ngon mơn mởn của Tổ vừa chia sẻ lên mạng xã hội.
Tôi cũng xin thả một “tim” để ủng hộ những nông dân trồng rau thời công nghệ số.