Khó khăn trong xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật (Kỳ I)

Cập nhật: Thứ sáu 02/06/2017 - 09:18
 Nông dân xã Úc Kỳ (Phú Bình) phun thuốc trừ sâu bệnh hại lúa.
Nông dân xã Úc Kỳ (Phú Bình) phun thuốc trừ sâu bệnh hại lúa.

Hiện nay, ô nhiễm môi trường nông thôn đang ngày càng trở nên bức xúc. Trong đó nổi cộm là ô nhiễm từ việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, bao gồm: vỏ chai, lọ, túi nilon chứa hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV). Đây là chất thải có khả năng gây độc hại đến hệ sinh thái, cần phải được xử lý đúng cách. Thế nhưng, cho đến nay trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ cũng như chưa có cách xử lý đảm bảo đối với loại chất thải độc hại này.

Bỏ ngỏ xử lý

 

Theo ngành Tài nguyên - Môi trường, mỗi năm tỉnh ta có khoảng 300 tấn bao bì chứa hóa chất BVTV được thải ra. Trong đó, một phần được gom vào các bể chứa tại các cánh đồng, nương chè, còn lại phần lớn vứt bừa bãi tại bờ ruộng, dọc các tuyến kênh mương, sông, suối, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người…

 

Xả trực tiếp ra môi trường

 

Đi một vòng quanh những cánh đồng thuộc xóm Làng Chàng, xã Tân lợi (Đồng Hỷ), chúng ta dễ dàng bắt gặp vỏ thuốc trừ sâu vương vãi trên những bờ ruộng, dọc theo mương nước. Mặc dù thời điểm này đã là mùa gặt, bà con đang tập trung thu hoạch lúa, ít sử dụng đến các loại thuốc BVTV, nhưng những vỏ thuốc BVTV vứt trước đó khá lâu vẫn còn sót lại. Ông Trương Văn Bảy, Trưởng xóm cho biết: Xóm có trên 40ha lúa, khoảng 10ha chè và các loại cây màu khác… Hầu hết bà con đều sử dụng các loại hóa chất BVTV để chăm sóc các loại cây trồng. Đối với cây lúa, thông thường từ khi cấy đến lúc thu hoạch, phải phun thuốc trừ sâu ít nhất 3 lần, mỗi lần phun hết 3 bình/sào, tương ứng với 2 gói thuốc trừ sâu. Gia đình tôi có 10 sào lúa, ít nhất một vụ cũng thải ra khoảng 60 vỏ thuốc trừ sâu, ngoài ra còn có bao bì thuốc diệt cỏ và các loại phân hóa học khác, đấy là chưa kể các loại cây trồng khác cũng phải sử dụng đến thuốc BVTV.  Không riêng ở Làng Chàng, dọc con kênh Đào (Phú Bình) lúc nào cũng có thể thấy bao bì thuốc BVTV nằm ngổn ngang. Nhất là vào thời điểm giữa vụ, bà con sử dụng nhiều thuốc BVTV để chăm sóc cây trồng, vỏ thuốc BVTV vứt bên bờ kênh lại càng nhiều hơn, thậm chí người dân còn vứt cả xuống lòng kênh. Sau khi pha chế thuốc, bao bì (phần lớn là túi nilon) được vứt ngay tại vị trí pha thuốc. Bà Lưu Thị Luyến, xóm Đồng Trong, xã Thanh Ninh (Phú Bình) cho biết: Sau khi phun thuốc BVTV, chai, lọ nhựa chúng tôi thường đem về bán đồng nát, còn túi nilon thì vứt bỏ.

 

Hiện nay, tỉnh ta có khoảng 180.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Hằng năm, nhu cầu sử dụng thuốc BVTV rất lớn. Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, trong 10 năm qua loại chất thải độc hại này đã tăng gấp hơn 10 lần so với trước. Mỗi bao bì thuốc có 1,8% lượng hóa chất dính vào, khi bị thải bỏ, lượng hóa chất này sẽ lan truyền ra môi trường và xâm nhập trở lại cơ thể sinh vật thông qua thức ăn. Với nhu cầu sử dụng hóa chất BVTV như hiện nay, mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 300 tấn bao bì được thải ra, phần lớn là xả ngay ra ruộng hoặc sông, suối, thậm chí là vứt xuống các kênh mương dẫn nước cấp cho mục đích sinh hoạt như sông Công, kênh Núi Cốc, kênh Đào Phú Bình... Việc làm này gây tác hại xấu cho môi trường, rất nhiều vỏ thuốc tồn dư lâu năm, vùi xuống lòng đất, không phân hủy được, ngấm vào mạch nước ngầm, khiến môi trường đất và nước, không khí bị ô nhiễm.

 

Giải pháp tạm thời

 

Để giải quyết rác thải trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn tỉnh Thái Nguyên, trong đó xác định rõ, đến năm 2020, phải xây dựng phương án quản lý chất thải từ hóa chất BVTV. Đặc biệt, trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, nội dung về quản lý chất thải từ hóa chất BVTV cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét công nhận. Vì thế, việc thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc đã được các địa phương quan tâm hơn. Giải pháp xây dựng, lắp đặt các bể chứa rác ngoài đồng là cách làm phổ biến ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Các bể này thường được đặt trên đường trục chính nội đồng, nương chè, cánh đồng, có nơi đặt trên đường mương nước.

 

Năm 2015, xã Thanh Ninh (Phú Bình) đã huy động bà con tham gia xây dựng bể chứa vỏ bao bì thuốc, lò đốt rác quy mô hộ gia đình để góp phần bảo vệ môi trường. Hiện, toàn xã có 65 bể thu gom tập trung ở 14 xóm, với kinh phí xây dựng trung bình 1 triệu đồng/bể. Nguồn kinh phí do xã chi trả 50%, còn lại do chi Hội Nông dân các xóm và bà con đóng góp. Thay vì xây bể vuông thì bà con xã Thanh Ninh lại mua tầm cống to về đổ nắp đậy kín, sau đó trổ cửa để đút rác vào nhằm đảm bảo hóa chất không phát tán ra môi trường. Cách làm này đã hạn chế được lượng vỏ thuốc phát tán rộng rãi ra môi trường, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi chất thải sau thu gom vẫn chưa có biện pháp xử lý. Qua thời gian dài, đến nay, nhiều bể đã không còn chỗ chứa. Theo khảo sát của chúng tôi, rất nhiều bể chứa bao bì thuốc ở các địa phương đang trong tình trạng đầy ứ, có nơi bà con vứt vỏ bao bì ngay phía ngoài bể. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hoàng Nông (Đại Từ) cho biết: Tại xã, việc xây dựng bể chứa bao bì thuốc được bà con thực hiện từ năm 2012. Tính đến nay, đã qua nhiều năm thu gom mà chưa có cách xử lý, việc đầy bể là lẽ đương nhiên, hiện giờ chúng tôi vẫn không biết phải xử lý các bể chứa này như thế nào.

 

Một thực tế đang diễn ra là việc xây bể chủ yếu do địa phương tự vận động nhân dân góp tiền làm, chính vì vậy mà các bể chứa xây dựng không theo quy chuẩn nào dẫn đến tình trạng có nhiều địa phương xây bể không đảm bảo yêu cầu thu gom xử lý đối với chất thải độc hại. Đồng thời, do lượng rác thải lớn, trong khi số lượng bể ít, nên mới giải quyết được một phần nhỏ lượng bao bì thuốc thải ra môi trường. Theo quy định thì cứ 3ha đất canh tác cây trồng hàng năm hoặc 10ha đất canh tác cây trồng lâu năm có sử dụng thuốc BVTV cần có 1 bể chứa bao bì thuốc. Như vậy, với số lượng bể chứa hiện nay thì không thể đáp ứng được việc thu gom hết số bao bì thải ra môi trường hằng năm. Đơn cử như huyện Đại Từ là địa phương xây được nhiều bể chứa nhất tỉnh với 991 bể. Trong khi đó, chỉ tính riêng đối với diện tích cây lúa trên địa bàn là trên 6.700ha đã cần tới trên 2.000 bể thu gom, tức là mới chỉ đạt chưa đến 50% số bể thu gom cần thiết theo hướng dẫn của Thông tư. Đấy là chưa tính đến khoảng 6.000ha chè cùng các diện tích rau, màu khác.

 

Trách nhiệm thuộc về ai?

 

Đối với vỏ thuốc BVTV, trách nhiệm thu gom trước tiên thuộc về người sử dụng. Thông tư liên tịch số 05/2016 của Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT  quy định rõ: “Người sử dụng thuốc BVTV phải thu gom bao gói thuốc BVTV sau pha chế, phun rải để vào bể chứa, không để chung bao gói thuốc BVTV sau sử dụng với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng. Bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng xong thì không được sử dụng vào các mục đích khác, không tự ý xử lý, đem chôn, hoặc đốt bao gói thuốc BVTV”. Quy định là thế, nhưng ở một số vỏ thuốc vẫn hằng ngày xả trực tiếp ra môi trường. Đối với những nơi có bể, một số người dân sau khi pha thuốc vứt vỏ ngay cạnh bể hoặc vứt lẫn cả rác thải sinh hoạt vào bể. Vô hình chung, bể chứa bao bì thuốc thành nơi chứa rác của người dân. Anh Nguyễn Văn Tạc, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Ninh (Phú Bình) cho biết: Xã cũng đã tuyên truyền nhắc nhở bà con nâng cao ý thức trong việc phân loại rác thải ngay từ khâu thu gom, hằng tháng, chúng tôi đều tổ chức cho bà con thực hiện phân loại rác thải tại các bể chứa. Thế nhưng, lần nào phân loại cũng thấy còn lẫn nhiều rác thải sinh hoạt trong bể, người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác thải khi thu gom.

 

Thu gom buông lỏng, việc xử lý bao bì thuốc hiện cũng đang bị bỏ ngỏ. Chất thải sau khi thu gom được người dân đốt tại chỗ hoặc chôn lấp chung với rác thải sinh hoạt tại các bãi rác ở địa phương. Anh Ngô Văn Hiếu, Trưởng xóm Đông, xã Hà Châu (Phú Bình) cho biết: Sau khi xây bể, chúng tôi chỉ được tuyên truyền là vứt vỏ bao bì thuốc vào bể chứ chưa được hướng dẫn xử lý chất thải đã thu gom. Thế nên, cứ khi nào gần đầy bể, chúng tôi lại tự huy động bà con đốt tại chỗ. Trung bình 2-3 tháng đốt một lần, thời điểm giữa vụ thì sau 1 tháng phải đốt vì bà con sử dụng nhiều thuốc BVTV nên bể chứa đầy nhanh hơn.

 

Việc xử lý loại chất thải này thuộc về chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, ngành Nông nghiệp và PTNT, ngành Tài nguyên - Môi trường. Nhưng đến nay, công tác xử lý bao bì thuốc vẫn chưa được các cấp, ngành quan tâm đúng mức, làm hết trách nhiệm, thế nên vẫn còn tình trạng vỏ thuốc BVTV nghiễm nhiên xả trực tiếp ra môi trường.

Nhóm P.V Kinh tế
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: