Lân Vai ngày ấy - bây giờ
Xóm Lân Vai hiện có hơn 40 hộ trồng mía với tổng diện tích trên 5ha. Mỗi năm bà con trong xóm sản xuất được khoảng 35-40 tấn đường bán ra thị trường, đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng. |
Hơn 30 năm kể từ khi những người Mông đầu tiên đặt chân đến Lân Vai, xã Dân Tiến (Võ Nhai), cuộc sống của đồng bào nơi đây đã dần ấm no. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền các cấp và nỗ lực của người dân, hơn 1 năm trước, Lân Vai đã cùng với xã nhà cán đích nông thôn mới.
Sải bước trên con đường bê tông kiên cố qua trung tâm xóm, ông Hoàng Khình, Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm Lân Vai, bồi hồi nhớ lại: Vào khoảng đầu những năm 90, khi nhưng người dân tộc Mông di cư từ tỉnh Cao Bằng và tỉnh Tuyên Quang về đây, Lân Vai chỉ là vùng rừng núi hoang vu, đất đai cằn cỗi, đời sống của bà con vì vậy mà cơ cực. Ngày ấy, chưa có đường vào xóm, nên người dân buộc phải leo bộ qua núi để đi ra bên ngoài. Lân Vai ngày đó cũng chưa có điện, chưa có điểm trường, con em trong xóm phần nhiều phải bỏ học.
Trong khi đó, diện tích đất canh tác phần lớn là đồi núi, hầu hết bà con đều phải ăn mèn mén thay cơm và thường xuyên thiếu đói vào vụ giáp hạt. Bữa đói, bữa no, đồng bào buộc phải vào rừng hái quả, đào củ mài ăn thay lương thực. Điều kiện khó khăn như vậy nên toàn bộ các hộ dân ở Lân Vai khi đó đều thuộc diện nghèo.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của ngày cũ, hiện nay, cuộc sống của người dân Lân Vai đã có nhiều thay đổi. Xác định khâu đột phá với Lân Vai phải bắt đầu từ giao thông, năm 2003, xã Dân Tiến đã vận động hàng chục hộ dân hiến gần 10 nghìn m2 đất để mở đường đến xóm. Thành quả này đã “mở lối” cho điện lưới Quốc gia, tiếp theo là Điểm trường Mầm non và Tiểu học Dân Tiến về xóm ngay sau đó. Có điện, đường, trường, người dân trong xóm thuận tiện trong giao thương, buôn bán; tiếp cận với truyền thông và trẻ em được đến trường.
Năm 2014, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, xã Dân Tiến đầu tư trên 4 tỷ đồng bê tông hóa toàn bộ 1,8km đường trục chính, với chiều rộng 3m đến xóm Lân Vai. Tuyến đường đã tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Là người 2 lần hiến hàng trăm m2 đất để mở đường vào xóm, ông Lý Sàng Tu chia sẻ: Chủ trương mở đường của Nhà nước cũng là mong muốn của người dân chúng tôi để giúp cho cuộc sống của đồng bào bớt khó khăn hơn và trẻ con được đến trường học tập đầy đủ.
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, xã Dân Tiến đã đầu tư trên 4 tỷ đồng bê tông hóa toàn bộ 1,8km đường trục chính đến xóm Lân Vai.
Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, người dân Lân Vai còn được chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ sinh kế, giống cây trồng, vật nuôi; tập huấn, hướng dẫn sản xuất, gieo trồng. Bên cạnh đó, bà con cũng được hỗ trợ một số máy móc sản xuất như: Máy cày, máy làm đất, máy ép mật mía… giúp tăng năng suất lao động. Một số hộ dân Lân Vai đã mạnh dạn vay nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất để đầu tư chăn nuôi, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Hiện nay, toàn xóm có trên 100 con lợn, gần 100 con trâu, bò, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Lân Vai có gần 38ha diện tích đất canh tác, trước đây chủ yếu trồng ngô. Những năm gần đây, người dân đã mạnh dạn chuyển các giống ngô truyền thống sang trồng ngô lai cho năng suất cao. Đặc biệt, nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhiều hộ dân trong xóm đã mạnh dạn chuyển một phần diện tích ngô sang trồng mía, làm đường. Hiện toàn xóm có hơn 40 hộ trồng mía, với tổng diện tích trên 5ha. Với diện tích này, mỗi năm bà con Lân Vai sản xuất được khoảng 35-40 tấn đường, bán ra thị trường đạt doanh thu tới trên 1 tỷ đồng, trong đó có khoảng 900 triệu đồng lợi nhuận.
Từ cây mía, nhiều gia đình trong xóm đã thoát nghèo. Tiêu biểu như các hộ: Chị Ngô Thị Dính, anh Lý Văn Hinh, anh Lê Văn Thực… Trong đó, anh Lý Văn Ca, 38 tuổi là một điển hình. Từ cây mía, mỗi năm anh Ca sản xuất được 1,5-2 tấn đường, thu về lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng. Năm 2016, gia đình anh đã thoát nghèo. Chia sẻ với chúng tôi, anh Ca bảo: Cuộc sống của gia đình tôi hiện không còn khó khăn nữa. Tôi đã sắm được ti vi, tủ lạnh, bàn ghế và xe máy để đi lại. Các con tôi đều được học hành đầy đủ.
Không dừng lại ở đó, ông Hoàng Khình nói thêm: Trong 3 năm gần đây, hơn 10 hộ dân Lân Vai đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng na. Tiếp theo cây mía thì đây là hướng đi mới, không chỉ mở ra cơ hội thoát nghèo mà còn là làm giàu cho người dân Lân Vai.
Xóm Lân Vai hiện có 69 hộ với khoảng 300 nhân khẩu, trong đó có 67 hộ đồng bào dân tộc Mông (chiếm 97%). Cùng với sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền các cấp, nỗ lực của người dân nơi đây đã góp phần đáng kể giảm số hộ nghèo trong xóm, từ 60% (năm 2015) xuống còn 26% (năm 2021).
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Lê Dũng, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến, cho biết: Lân Vai là một trong những xóm khó khăn nhất của xã và là xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh. Từ chủ trương không để ai bị bỏ lại phía sau, Lân Vai đã được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền và được đầu tư nhiều chương trình dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào ở đây không ngừng được cải thiện, thu nhập trung bình của người dân đạt trên 33 triệu đồng/người/năm. Với những kết quả đó, Lân Vai đã góp phần đưa xã Dân Tiến “về đích” nông thôn mới vào cuối năm 2020.