Mua rau, thịt sạch ở đâu?

Cập nhật: Thứ sáu 13/05/2016 - 09:36
 Hầu hết các vườn rau đảm bảo ATVSTP trên địa bàn T.P Thái Nguyên mới chỉ phát triển dạng mô hình, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Trong ảnh: Mô hình trồng rau an toàn tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên.
Hầu hết các vườn rau đảm bảo ATVSTP trên địa bàn T.P Thái Nguyên mới chỉ phát triển dạng mô hình, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Trong ảnh: Mô hình trồng rau an toàn tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên.

Hiện nay, những sản phẩm rau, thịt bày bán tại các chợ, sạp hàng, không ai dám bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Vậy mua thực phẩm bảo đảm ATVSTP ở đâu? Vấn đề không còn là mới đối với người tiêu dùng, khi mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có đến hàng trăm con lợn, hàng chục con trâu, bò, hàng nghìn con gà, vịt và hàng chục tấn rau xanh các loại được bán mà hầu hết không có cơ sở sản xuất, chế biến tập trung hợp chuẩn quy định về ATVSTP.

Quản lý còn chồng chéo

 

Tại phiên họp của UBND tỉnh quán triệt Chỉ thị số 13/CT-TTg  ngày 9-5 của Thủ tướng Chính phủ về ATVSTP, các cơ quan chức năng đã thông tin nhanh về kết quả thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm 2016. Trong đó các ngành đã tăng cường nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát và xử lý ngăn chặn các vi phạm ATVSTP bằng các hình thức xử phạt nặng, thay vì vận động, giáo dục, tuyên truyền và hướng dẫn đối tượng vi phạm chấp hành đúng các quy định về ATVSTP như những năm trước. Chi cục ATVSTP đã xử phạt trên 190 triệu đồng, tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2015; ngành Công Thương cũng đã kiểm tra và phát hiện 31 cơ sở vi phạm về hàng hóa không bảo đảm ATVSTP, xử phạt và thu giữ hàng hóa trị giá trên 400 triệu đồng; ngành Nông nghiệp và PTNT cũng đã kiểm tra và phát hiện 3/16 mẫu thức ăn chăn nuôi, 1/13 mẫu nước tiểu lợn có chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi (Salbutamol). Cũng theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn, để thực thi được nhiệm vụ và phát hiện kịp thời các vi phạm về ATVSTP là rất khó khăn, phức tạp và cả nguy hiểm. Hầu hết các vi phạm được phát hiện, xử lý thông qua hoạt động tố giác, trinh sát, theo dõi và kiểm tra đột xuất. Như vậy không thể khẳng định 100% thực phẩm hàng ngày lưu thông trên thị trường đều bảo đảm ATVSTP.

 

Trăn trở về vấn đề này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc đã đưa ra câu hỏi: “Vậy người dân mua thực phẩm sạch ở đâu? Ngay tại địa bàn thành phố Thái Nguyên có bao nhiêu địa chỉ bán thực phẩm sạch?”. Hầu hết các cơ quan chức năng đều không có câu trả lời chính xác. Mỗi cơ quan đều có những báo cáo về nhiệm vụ về chuyên môn của mình và tuyệt nhiên không thể làm thay nhiệm vụ chuyên môn của nhau. Song chuỗi Sản xuất - Kinh doanh - Tiêu dùng vẫn chưa thể đồng bộ, dẫn đến thực phẩm trước khi được sử dụng vẫn là sự hoài nghi, lo lắng của người tiêu dùng. Đặc biệt, Cơ quan Thường trực (ngành Y tế và đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ là Chi cục ATVSTP) không thể xử phạt các vi phạm ngoài chuyên môn quy định của ngành, trong khi phát hiện, kiểm tra hầu hết là trong trạng thái bắt quả tang. Nếu huy động đủ lực lượng liên ngành thì phải xây dựng kế hoạch, thời gian, địa điểm công tác cụ thể, như vậy thì khó có thể xử lý nhanh, kịp thời.

 

Đường dây “nóng”, số máy “nóng” vẫn “nguội”?

 

Làm cách nào để ngăn chặn thực phẩm bẩn, phát hiện thực phẩm không an toàn vệ sinh thì báo ai? Đường dây “nóng” đâu? Ngành chức năng nào cũng báo cáo có, nhưng rất ít người, ít cơ quan tổ chức biết đến. Là vấn đề “nóng” thì phải có đường dây thông tin “nóng”. Có khi người tiêu dùng bấm điện thoại liên hệ đường dây “nóng” của một ngành thành viên nào đó trong Ban Chỉ đạo ATVSTP tỉnh thì đổ chuông nhưng không có hồi đáp. Cũng có những lý giải: “Có thể người cầm máy đang bận phát biểu, trả lời phỏng vấn…”. Khi được chất vấn: Số máy “nóng”, đường dây “nóng” ai thường trực? thì được trả lời là lãnh đạo cơ quan chuyên môn trực tiếp phụ trách, nên lãnh đạo đi công tác, máy nóng cũng “đi” theo. Và như vậy, người trực máy “nóng” bận, đồng nghĩa đường dây nóng cũng bận theo, nên không có hồi đáp.

 

Trước những vấn đề còn bất cập, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu cơ quan Thường trực cần liên tục công bố số máy “nóng”, đường dây “nóng” về ATVSTP và giao cho người thường trực thực hiện đúng vai trò trực đường dây “nóng” để luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân. Bên cạnh đó cũng cần nhìn nhận thẳng thắn một vấn đề là  các cơ quan chức năng chưa có nhiều biện pháp trong việc nâng cao nhận thức và kiến thức về ATTP cho người dân. Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát là cần thiết, nhưng chỉ là dập dịch và chữa bệnh, chứa chưa có biện pháp phòng ngừa. Các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương các cấp phải thực sự vào cuộc, bắt đầu từ tuyên truyền đến người dân thông tin đúng và đầy đủ về ATVSTP. Tuyên truyền để thay đổi hành vi, thói quen sử dụng thực phẩm tùy tiện, cẩu thả và không rõ nguồn gốc, không có kiểm định của cơ quan chức năng. Các ngành, địa phương cần tham mưu, xây dựng vùng sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn và theo đó là cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển. Vấn đề ATVSTP phải được coi trọng để bảo vệ tính mạng con người và giống nòi. Về thực phẩm an toàn phải là sản phẩm có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh vào các khu công nghiệp tập trung và xa hơn là xuất khẩu.

Trần Nguyên
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: