Nâng cao giá trị sản phẩm chè ở Võ Nhai
Người dân xóm Vang, xã Liên Minh (Võ Nhai) thu hái chè chính vụ. Ảnh: N.N |
Mặc dù là địa phương có diện tích chè tương đối lớn của tỉnh, tuy nhiên thu nhập từ sản phẩm chè của người dân huyện vùng cao Võ Nhai chưa cao do giá bán trên thị trường còn thấp. Vì vậy, để nâng cao giá trị kinh tế từ cây chè cho bà con, huyện đang triển khai một số giải pháp quan trọng.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Võ Nhai, năm 2015, người trồng chè trên địa bàn huyện có thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn so với người làm chè tại các địa phương khác trong tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, thu nhập từ cây chè của người dân trong huyện vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Bà Vi Thị Hiến, ở xóm Tân Thành, xã Tràng Xá, cho biết: Hiện nay, gia đình tôi có 0,6ha chè, chủ yếu là giống chè truyền thống nên năng suất và giá bán thấp. Nhà tôi đang chuyển sang trồng chè giống mới để từng bước nâng cao giá trị sản phẩm này. Làm chè đã gần 30 năm nay, tôi nhận thấy giá chè ở Võ Nhai luôn thấp hơn so với các địa phương khác trong tỉnh. Đơn cử như năm nay, giá chè của chúng tôi tại thời điểm đầu năm là 80 nghìn đồng/kg đối với chè trung du và 120 nghìn đồng/kg đối với chè cành (chè giống mới) thì tại các huyện khác thường cao hơn từ 35-60 nghìn đồng/kg. Còn tại thời điểm hiện nay, sản phẩm chè trung du ở Võ Nhai chỉ bán được 60 nghìn đồng/kg, chè cành là 75 nghìn đồng/kg mà còn ít người mua…
Được biết hiện nay, diện tích chè ở huyện Võ Nhai tập trung chủ yếu tại 9 làng nghề chè, trong đó có 5 làng nghề được công nhận từ những năm 2011-2012 và 4 làng nghề mới được công nhận đầu năm 2016. Các làng nghề chè này thuộc 5 xã: Liên Minh (3 làng), Tràng Xá (2 làng), Lâu Thượng (2 làng), La Hiên và Bình Long (mỗi xã 1 làng nghề). Ngoài ra, một số địa phương khác cũng có chè nhưng diện tích chỉ từ 10-50ha. Trong tổng diện tích gần 1.200ha chè của toàn huyện thì có tới hơn 30% được trồng ở các sườn đồi có độ dốc tương đối lớn nên việc chăm sóc gặp nhiều khó khăn, năng suất chè thường thấp hơn khoảng 20% so với chè trồng tại khu vực bằng phẳng. Chị Lê Thị Nụ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Ba Nhất, xã Phú Thượng, chia sẻ: Xung quanh xóm là rừng tự nhiên, độ dốc lớn, diện tích chè của người dân trong xóm lại trồng phân tán, mỗi gia đình chỉ có khoảng từ 3 đến 5 sao chè, vì vậy, việc tập trung chuyên canh chè để phát triển kinh tế rất khó khăn. Chính vì vậy, sản lượng chè của mỗi hộ thấp nên người dân trong xóm thường phải đem ra chợ để bán chứ không có thương lái đến tận nơi mua…
Trong những năm gần đây, diện tích chè của Võ Nhai có xu hướng tăng mạnh từ gần 630ha (năm 2010) lên gần 1.200ha (năm 2016) nhưng giá của loại sản phẩm này vẫn thấp. Mặc dù sản lượng chè tươi ở Võ Nhai luôn đạt trung bình hơn 6.000 tấn/năm (sản lượng chè búp tươi), tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn huyện chưa có cơ sở, doanh nghiệp nào chế biến mà chủ yếu người làm chè ở Võ Nhai vẫn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Sản phẩm chè của Võ Nhai chưa thể xuất khẩu để mở rộng thị trường do chưa có thương hiệu, chứng nhận sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm… Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sở dĩ năng suất và giá sản phẩm chè của Võ Nhai chưa cao do, trong gần 1.200ha chè của huyện thì có gần 30% là giống chè trung du đã trồng cách đây hơn 20 năm, giờ đã già cỗi nên cho năng suất, chất lượng thấp. Diện tích chè lại trồng phân tán, rải rác trên các sườn đồi có độ dốc lớn nên năng suất chè không cao do khó chăm sóc. Bên cạnh đó, thương hiệu chè Võ Nhai vẫn chưa được nhiều người biết đến...
Bà Nguyễn Thị Mai Huyên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai cho biết: Hiện tại, huyện đang thực hiện Dự án phát triển cây chè đến năm 2020. Trong đó, các giải pháp trọng tâm là xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn và hỗ trợ chứng nhận sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Đồng thời, quy hoạch các vùng chuyên canh cây chè tại những nơi có địa hình bằng phẳng để người dân thuận lợi trong việc thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó, hỗ trợ người dân trồng mới và trồng thay thế các loại chè giống mới, như: Phúc Văn Tiên, Bát Tiên, LDP1… để nâng cao chất lượng chè.
Với thực trạng giá trị cây chè đem lại cho người dân thấp như hiện nay thì ngoài việc chính quyền hỗ trợ người dân trong việc nâng cao năng suất, chất lượng chè là cần thiết. Cùng với đó, các cấp chính quyền huyện Võ Nhai cần kết nối giữa người trồng chè với doanh nghiệp chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ để nâng cao thu nhập cho người dân làm chè ở Võ Nhai…