Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Cập nhật: Thứ sáu 22/01/2016 - 10:28
 Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tiên Hội đã có thu nhập từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm nhờ trồng bưởi.
Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tiên Hội đã có thu nhập từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm nhờ trồng bưởi.

Những năm qua, huyện Đại Từ đã có những bước đi khá hiệu quả trong việc nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Huyện đã bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo thế mạnh cạnh tranh trên thị trường.

Những ngày giáp Tết Bính Thân 2016, các vườn bưởi tại xã Tiên Hội lại nhộn nhịp người mua hàng từ khắp các nơi trong và ngoài tỉnh. Năm nay, thời tiết nóng, mưa thất thường, có một số đợt mưa đúng dịp hoa bưởi đang thụ phấn nên năng suất bưởi của xã Tiên Hội và một số vùng miền Bắc không bằng mọi năm. Nhưng cũng vì vậy mà người mua hàng tìm về xã Tiên Hội để mua bưởi nhiều hơn và giá bưởi năm nay có chút nhỉnh hơn so với mọi năm. Ông Nguyễn Văn Nam, người mua hàng ở huyện Phú Bình cho biết: Tôi làm nghề kinh doanh hoa quả nên đã đi tìm mua hàng ở nhiều vùng trong tỉnh nhưng năm nào, bưởi Diễn Tiên Hội cũng là lựa chọn đầu tiên của tôi khi mua hàng bán dịp Tết Nguyên đán. Bưởi Tiên Hội không chỉ có chất lượng tốt, mà còn an toàn, có thương hiệu nổi tiếng, được nhiều người biết đến.

 

Xây dựng thành công vùng sản xuất tập trung và thương hiệu “Bưởi Tiên Hội” là một trong những việc ngành Nông nghiệp huyện Đại Từ thực hiện được trong những năm vừa qua. Sau khi nhận thấy cây bưởi phù hợp với đồng đất địa phương, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, xã Tiên Hội và đơn vị chuyên môn đã phối hợp làm hồ sơ và được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Bưởi Tiên Hội”. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng hỗ trợ người dân thực hiện chương trình sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chất lượng, quảng bá thương hiệu, quy hoạch và tư vấn kỹ thuật để người dân mở rộng diện tích.

 

Ông Hoàng Văn Luyến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Hội cho biết: “Hiện nay, tổng diện tích bưởi trên địa bàn xã khoảng 20ha, trong đó, có hơn 15ha bưởi sản xuất theo quy trình VietGAP. Trong đề án quy hoạch sản xuất của xã theo chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có khoảng 100 ha bưởi”. Cùng với bưởi Tiên Hội, huyện Đại Từ cũng đã bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung như vùng cây rau, màu ở xã Bản Ngoại, vùng rau an toàn, hoa ở thị trấn Hùng Sơn… Những vùng sản xuất này đang từng bước thực hiện thâm canh, chuyên canh, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, giá trị trên 1ha đất nông nghiệp. Hiện nay, giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt của huyện đạt 98,5 triệu đồng/ha, tăng 30,7% so với năm 2011.

 

Bên cạnh xây dựng vùng sản xuất tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm/ha đất, huyện cũng đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm phát triển lĩnh vực chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Huyện đã ban hành và thực hiện thành công Đề án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2011-2015, trong đó, đẩy mạnh tập huấn khoa học kỹ thuật, cải tạo giống, quản lý thú y, khống chế dịch bệnh. Trong 4 năm, UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí cho 32 trang trại chăn nuôi với tổng số tiền 4,8 tỷ đồng. Sau khi được hỗ trợ, các trang trại tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô và duy trì chăn nuôi hiệu quả. Vì vậy, số trang trại chăn nuôi công nghiệp trên địa bàn huyện phát triển mạnh, từ 21 trang trại năm 2011, lên 77 trang trại năm 2015; quy mô trang trại ngày càng lớn, giá trị sản lượng hàng hóa đều đạt trên 1 tỷ đồng/năm.

 

Ông Trần Văn Định, chủ trang trại tổng hợp tại xã Tiên Hội cho biết: Từ nguồn vốn hỗ trợ của huyện, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi lợn nái ngoại, gà đẻ trứng ở theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã Tiên Hội. Khi thực hiện, chúng tôi cũng được sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương và cán bộ nông nghiệp. Đến nay, trang trại của gia đình tôi thường xuyên nuôi 70 con lợn nái, trên 700 lợn thịt và hơn 1.500 con gà đẻ trứng cho doanh thu gần 3 tỷ đồng mỗi năm.

 

Ngoài ra, huyện cũng đã chọn và tạo được bước đột phá trong phát triển cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn. Huyện đã ban hành và thực hiện tốt Đề án Hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ chè giai đoạn 2012-2015; tập trung đầu tư cải tạo giống, chỉ đạo trồng mới, trồng thay thế bằng các giống chè có năng suất, chất lượng cao; triển khai áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng và quảng bá thương hiệu “Chè Đại Từ”, tổ chức thành công các Lễ hội Trà hàng năm góp phần giới thiệu, quảng bá và tôn vinh giá trị cây chè. Hiện nay, tổng diện tích chè toàn huyện là 6.333 ha, trong đó diện tích chè giống mới là 3.507,26 ha, chiếm 55,38% tổng diện tích chè; năng suất chè năm 2015 ước đạt 115 tạ/ha, sản lượng chè ước đạt 62.000 tấn.

 

Từ những kết quả trên, có thể thấy, ngành Nông nghiệp huyện Đại Từ đã bước đầu chuyển dịch hiệu quả. Hiện nay, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đạt 1742,5 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân đạt 6,9%/năm. Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Xác định nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp là yếu tố quyết định để thay đổi đời sống người dân, huyện đã xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, tổ chức các phương án sản xuất nông nghiệp, kế hoạch thực hiện cụ thể, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Đồng thời, huyện cũng tích cực phối hợp để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, hỗ trợ người nông dân nâng cao chất lượng, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

 

Cuối năm 2015, huyện Đại Từ đã ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Đề án tập trung khắc phục hạn chế trong sản xuất nông nghiệp, đặt mục tiêu tiếp tục phát triển cây chè, nâng cao giá trị sản phẩm trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy phát triển chăn nuôi để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp... Đây là sẽ là động lực lớn để ngành nông nghiệp của huyện tiếp tục phát triển.

Quốc Tuân
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: