Nỗ lực đồng hành cùng người chăn nuôi
Cán bộ Agribank Phú Bình nắm bắt thông tin về đàn lợn tại trang trại của gia đình chị Nguyễn Thị Cương, xã Thanh Ninh. |
Với tình trạng rớt giá thê thảm kéo dài, có lẽ chưa bao giờ, người chăn nuôi lợn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Điều này không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho các hộ chăn nuôi, mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành ngân hàng nói chung, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) nói riêng. Đối với Thái Nguyên, Chi nhánh Agribank huyện Phú Bình được cho là đơn vị chịu tác động lớn nhất…
Ngày 8-5, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi. Theo đó, căn cứ hướng dẫn của Hội sở chính và quy định của pháp luật, các đơn vị thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng. Khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, các đơn vị được giữ nguyên nhóm nợ 1 (một) lần đối với một khoản nợ; cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác (bao gồm cả miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau) nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. |
Những ngày qua, bà Dương Thị Miền, Giám đốc Agribank Phú Bình như ngồi trên đống lửa. Mặc dù gia đình không nuôi lợn nhưng giá thịt lợn tăng, giảm thế nào; nhu cầu thu của một số cơ sở trên địa bàn ra sao, bà đều nắm rất rõ để khi chủ trang trại nào có nhu cầu, bà sẽ cung cấp thông tin kịp thời. Bà Miền chia sẻ: Mặc dù giá lợn đã giảm sâu từ hơn 2 tháng nay, nhưng thời điểm này mới chính là giai đoạn khó khăn nhất của người chăn nuôi, nhất là những hộ nuôi lớn. Ở giai đoạn trước, hầu hết các hộ dân vẫn còn tự xoay sở được bằng vốn tự có hoặc vay mượn từ anh em, họ hàng. Còn đến giờ, việc vay mượn gần như là không thể. Có khách hàng thậm chí đã phải bán cả đất mặt đường để có tiền mua thức ăn cho lợn. Hơn lúc nào, người chăn nuôi đang rất cần sự tiếp sức của các cấp chính quyền cũng như ngành ngân hàng.
Chị Nguyễn Thị Cương, Chủ trang trại lợn, gà lớn nhất huyện, ở xóm Việt Ninh, xã Lương Phú tâm sự: Những ngày qua, tôi ước sao sẽ được đón nhận những thông tin tốt lành. Vậy nhưng, điều đó vẫn chưa đến. Đáng ngại hơn, cả gà con giống giờ cũng bắt đầu rớt giá thê thảm. Nếu như trước đây, mỗi con gà giống gia đình tôi bán được 12.000 đồng, sau giảm còn 8.000, thì giờ chỉ còn 4.000 đồng/con. Với giá bán này, hiện mỗi con gà giống tôi lỗ 2.000 đồng. Khó khăn chồng chất khó khăn khiến bao vốn liếng của gia đình dồn cả cho việc mua thức ăn cho lợn, gà mà vẫn không đủ. Chỉ riêng tiền thức ăn cho 200 lợn nái, 1.300 con lợn thịt, mỗi ngày gia đình tôi cần ít nhất 30 triệu đồng. Đó là còn chưa kể tiền thức ăn cho trên 15.000 con gà lớn, bé. Trong lúc này, vợ chồng tôi không tránh khỏi sự căng thẳng, mệt mỏi nhưng rất may vẫn tiếp tục nhận được sự đồng hành, chia sẻ của Agribank huyện. Ngân hàng không những không gây áp lực trả nợ đối với tôi mà ngược lại còn luôn quan tâm, động viên, sát cánh cùng vợ chồng tôi để bàn cách giải quyết khó khăn. Ngân hàng đã thực hiện gia hạn nợ gốc và cho tôi trả lãi theo gốc, thay vì trả lãi theo tháng như trước kia. Ngoài ra, Chi nhánh còn làm đề xuất với cấp trên để tôi được vay thêm 1 tỷ đồng. Nếu không có sự đồng hành này của ngân hàng, vợ chồng tôi không biết phải xoay sở ra sao.
Cũng có những đánh giá cao về sự đồng hành của Agribank, ông Nguyễn Thanh Cường, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, là bố đẻ của anh Nguyễn Quang Minh, chủ trang trại lợn ở xóm Trạng Đài, xã Tân Kim chia sẻ: Nếu lúc này không được ngân hàng tạo điều kiện thì người chăn nuôi như gia đình tôi sẽ trắng tay vì ở nông thôn, để vay được nhau năm, bẩy triệu đã khó, nói gì đến tiền chục, tiền trăm triệu để duy trì đàn nuôi. Mặc dù càng nuôi càng lỗ, nhưng gia đình tôi vẫn buộc phải duy trì mà không có sự lựa chọn nào khác, vì đã trót đầu tư trên 800 con giống từ 3-4 tháng trước đó. Với số lượng này, không dễ gì bán ngay 1 lúc vì đầu ra hạn chế, hơn nữa không phải con lợn nào cũng đủ trọng lượng để xuất chuồng. Việc cố gắng duy trì đàn lợn cũng là để giảm bớt số tiền lỗ và nuôi hy vọng giá bán sẽ được cải thiện.
Phú Bình là huyện thuần nông nên dư nợ cho vay của Agribank trên địa bàn luôn chiếm một tỷ trọng lớn dành cho chăn nuôi. Giờ đây, cả 2 loại vật nuôi này đều gặp khó khăn về giá và đầu ra, khiến hoạt động của Chi nhánh bị ảnh hưởng không nhỏ. Tính đến ngày 30-5, tổng dư nợ cho vay của Chi nhánh đạt 963 tỷ đồng, với 7.900 khách hàng thì riêng nguồn vốn khách hàng vay chỉ để nuôi lợn là 142 tỷ đồng, với 1.219 khách hàng (trong đó có 11 khách hàng vay từ 500 triệu đồng đến gần 6 tỷ đồng). Ngoài ra, có khoảng 5.000 khách hàng khác vay vốn phát triển kinh tế tổng hợp, trong đó có chăn nuôi lợn.
Theo thống kê của Trạm Chăn nuôi thú y huyện, tính đến ngày 12-5, toàn huyện có 34,2 nghìn con lợn nái; xấp xỉ 40 nghìn con lợn thịt có trọng lượng từ 70-110kg/con; 12 nghìn con lợn từ 120kg trở lên (quá lứa); 535 hộ nuôi từ 10 lợn nái trở lên (với số lượng 8.300 con). Ngoài ra, còn có vài chục nghìn con lợn thịt có trọng lượng dưới 70kg/con. Khoảng nửa tháng trở lại đây, giá lợn lai và siêu lạc (lợn trang trại) trên địa bàn được bán với giá 20,500-22.00 đồng/kg hơi. Còn giá lợn nuôi nhỏ lẻ thấp hơn từ 2-3.000đồng/kg. Với giá bán này, trung bình mỗi con lợn có trọng lượng trên dưới 100kg, người nuôi lỗ khoảng 1,5 triệu đồng, thậm chí là nhiêu hơn.
Tính đến cuối tháng 5, Agribank Phú Bình đã thực hiện gia hạn nợ cho cả 4 khách hàng lớn (với số tiền 12,8 tỷ đồng) đã gửi hồ sơ. Đồng thời đã trình hồ sơ đề nghị Hội sở cho vay bổ sung đối với 4 khách hàng (số tiền 2 tỷ đồng). Ngoài ra, Chi nhánh cũng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn khác cho cả khách hàng lớn và khách hàng chăn nuôi nhỏ lẻ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Những giải pháp này sẽ tiếp tục được Agribank Phú Bình đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.
Có thể nói, sự đồng hành của Agribank nói chung, Chi nhánh Phú Bình nói riêng đã và đang giúp người chăn nuôi, đặc biệt là các chủ trang trại có được cảm giác yên tâm và tự tin hơn trong quá trình đầu tư phát triển kinh tế. Chắc chắn tới đây, sẽ còn nhiều hộ chăn nuôi có nhu cầu được cơ cấu lại nợ, xin giảm lãi suất và vay vốn bổ sung. Thực tế này rất cần có sự đồng hành của ngân hàng cũng như sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm giúp người dân khôi phục kinh tế, cũng là để ngành chăn nuôi lấy lại đà tăng trưởng trước đó.