Nuôi ruồi lính đen làm “siêu thực phẩm” chăn nuôi
Ông Tuyên chăm sóc đàn ruồi lính đen bố mẹ. |
Với tinh thần ham học hỏi, ông Nguyễn Văn Tuyên (sinh năm 1967), Giám đốc Hợp tác xã gà đồi hữu cơ Tân Phú (xã Tân Khánh) hiện là người đầu tiên và duy nhất trên địa bàn huyện Phú Bình nuôi thành công ruồi lính đen làm thức ăn cho vật nuôi. Sau một thời gian triển khai, mô hình nuôi ruồi lính đen đã đem lại hiệu quả kinh tế, vừa giảm chi phí thức ăn, giúp vật nuôi mau lớn lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Năm 2018, qua sách báo, biết được có nhiều hộ dân ở các tỉnh miền Nam nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho vật nuôi, ông Tuyên liền khăn gói lên đường học tập kinh nghiệm. Mất gần 3 năm lăn lộn để được mắt thấy, tai nghe và trải nghiệm, đầu năm 2021 ông bắt tay vào thực hành tại trang trại chăn nuôi gà của gia đình.
Tuy vậy, "vạn sự khởi đầu nan", trong 6 tháng đầu tiên, ông Tuyên liên tục gặp khó khăn, thất bại. Lúc tỷ lệ trứng nở thấp, ấu trùng kém phát triển, khi thì đàn ruồi bố mẹ không sinh sản, bệnh chết…Tổng cho phí đầu tư "ngốn" tới gần 100 triệu đồng nhưng chưa đem lại hiệu quả. Không nản lòng, ông Tuyên vừa làm vừa rút kinh nghiệm và lên mạng học hỏi thêm thông tin từ nhiều kênh. Và từ tháng 7-2021 đến nay, mô hình nuôi ruồi lính đen của ông phát triển tốt, với diện tích khoảng 80m2 chăn nuôi ruồi bố mẹ, 100m2 nuôi ấu trùng ruồi và 100m2 nuôi giun quế.
Nói về quy trình nuôi ruồi lính đen, ông Tuyên cho biết: Vòng đời của ruồi lính đen đen kéo dài trong hơn 1 tháng hoặc khoảng 70 ngày tùy vào điều kiện thời tiết, vào mùa đông chăm sóc sẽ khó khăn, vất vả hơn bởi phải đảm bảo khu nuôi ruồi bố mẹ kín gió, nhiệt độ 28-32 độ C đủ để trứng nở… Ban đầu, trứng ruồi lính đen sẽ được bỏ vào khay để ủ trong 5 ngày, dùng loại cám cho gà con (hoặc cám gạo, ngô nghiền) hòa với nước rồi rải lên khay, trứng sẽ nở thành ấu trùng. Nếu kỹ thuật chăm sóc tốt thì cứ 1 gam trứng sẽ nở ra 1-2 tạ ấu trùng. Vì ấu trùng của ruồi lính đen có thể phân hủy hầu hết các loại rác hữu cơ (rau, củ quả hỏng, thức ăn thừa…) và chất thải động vật… nên không tốn nhiều chi phí chăm sóc, lại giảm thiểu mùi hôi thối. Đến khoảng 20-25 ngày tuổi, ấu trùng đen dần, chuyển thành nhộng và đóng kén, lúc này ấu trùng hóa thành những con sâu đen thì có thể ngưng cho ăn. Trong 1 tuần tiếp theo, ấu trùng sẽ thành ruồi bố mẹ và tiếp tục quy trình đẻ trứng.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, hiện nay, trang trại của gia đình ông Tuyên đang nuôi 4.000-5.000 con gà thịt và 2.000 con gà đẻ/năm. Vì chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ, hướng đến sản phẩm gà thịt và trứng thương phẩm an toàn nên ông Tuyên sử dụng loại thức ăn “tự chế”, phối trộn ấu trùng ruồi lính đen, ngô (bột ngô) với dung dịch men vi sinh (cũng do ông tự nghiên cứu, pha chế), ngâm ủ 3 ngày đem cho đàn gà ăn.
Theo tính toán của ông Tuyên, thông thường cứ 1.000 con gà nuôi trong 5 tháng sẽ tốn khoảng 10 tấn cám công nghiệp, nhưng khi sử dụng loại “ thức ăn tự chế” này, gia đình ông tiết kiệm 24 triệu đồng tiền chi phí thức ăn/lứa. Ngoài ra, do ấu trùng ruồi lính đen rất giàu dinh dưỡng (khoảng trên 40% protein, 10% chất béo và 5% canxi) giúp đàn gà sinh trưởng tốt, hạn chế mắc bệnh, giúp tiết kiệm khoảng 4 triệu đồng chi phí thuốc thú y. Như vậy trung bình mỗi năm ông Tuyên tiết kiệm được trên 190 triệu chi phí chăn nuôi.
Không chỉ phục vụ hoạt động chăn nuôi của gia đình, hiện ông Tuyên còn cung ứng cho một số hộ chăn nuôi trên địa bàn loại dung dịch men vi sinh tự điều chế với giá ưu đãi (10 nghìn đồng/1 lít) và 100 nghìn đồng/lít đạm thủy phân (gồm ấu trùng ruồi lính đen ủ với con giun quế). Cùng với đó, ông cũng đang hỗ trợ miễn phí dung dịch men vi sinh cho 4 hộ trồng chè trong tỉnh sử dụng để thay thế phân bón.
Anh Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc Hợp tác xã chè Trung du Tân Cương Thái Nguyên (T.P Thái Nguyên), chia sẻ: Khi phun tưới thử nghiệm dung dịch này trên diện tích chè tự nhiên, qua 1 tháng, chúng tôi thấy cây chè phát triển xanh tốt, lá tươi bóng. Để so sánh về hiệu quả tiết kiệm chi phí thì cần phải thử nghiệm 3-5 tháng, tuy nhiên lợi ích mà tôi thấy được trước mắt là nếu dung dịch được ứng dụng sẽ tiết kiệm cả thời gian và nhân công chăm sóc.
Nói về định hướng trong thời gian tới, ông Tuyên khẳng khái: Tùy vào nhu cầu của thị trường, tôi sẽ mở rộng diện tích, quy mô nuôi ruồi lính đen và nghiên cứu điều chế dung dịch men vi sinh để ứng dụng vào khâu tưới tiêu, phù hợp với từng loại cây trồng. Tôi cũng sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nuôi ruồi lính đen này cho các hộ dân nếu có nhu cầu nuôi thử nghiệm để phục vụ tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
|