Phát triển cây chè ở Hoàng Nông

Cập nhật: Thứ sáu 24/07/2015 - 08:40
 Vườn ươm chè giống của gia đình anh Vũ Văn Hiền, xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông (Đại Từ) năm 2014 cho thu nhập trên 360 triệu đồng.
Vườn ươm chè giống của gia đình anh Vũ Văn Hiền, xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông (Đại Từ) năm 2014 cho thu nhập trên 360 triệu đồng.

Nằm dưới chân vườn quốc gia Tam Đảo, có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, xã Hoàng Nông (Đại Từ) sớm xác định cây chè là cây trồng mũi nhọn giúp xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong hơn 3 năm (2012 đến năm 2014), xã đã hỗ trợ người dân mở rộng thêm 111ha diện tích bằng các giống chè lai, đưa tỷ lệ chè lai trên địa bàn xã lên gần 60%, tạo điều kiện xây dựng 12 vườn ươm chè giống.

Sau hơn 2 năm mới trở lại xã Hoàng Nông nên chúng tôi khá bất ngờ trước những thay đổi của địa phương này. Bên cạnh tuyến đường nông thôn mới dải nhựa, đổ bê tông phẳng lỳ, chúng tôi thấy những vườn chè trải rộng thay thế cho diện tích đất hoang hoá trước kia. Nhiều vườn chè ở lưng chừng đồi đã được người dân làm đường bê tông đến tận nơi để tiện đi lại. Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Hoàng Nông cho biết: Xác định cây chè là cây trồng chủ lực, từ Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng uỷ xã đã xây dựng Nghị quyết về phát triển cây chè và ban hành thêm Nghị quyết tập trung nâng cao năng suất, sản lượng chè trong kỳ họp HĐND. Từ Nghị quyết này, UBND xã đã triển khai, tuyên truyền đến toàn thể nhân dân trong xã, đồng thời, phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cung ứng giống, hỗ trợ khoa học kỹ thuật để bà con tổ chức trồng mới, trồng lại chè. Tư duy thay đổi, bà con nhân dân trong xã đã chủ động chuyển đổi giống, phương pháp chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng chè.

 

Để tìm hiểu rõ hơn sự thay đổi của người dân, chúng tôi tới xóm Đoàn Kết là xóm có diện tích chè lớn nhất xã. Trao đổi với người dân nơi đây, chúng tôi được biết cây chè đã có ở xóm từ năm 1967 nhưng do giống cũ, cách chăm sóc lạc hậu, chế biến thủ công nên năng suất thấp giá rẻ. Thu nhập từ trồng chè không cao nên hơn hai chục năm trước đây nhiều gia đình đã bỏ hoang diện tích chè hoặc phá bỏ chuyển đổi sang loại cây trồng khác. Thế nhưng mọi chuyện đã khác khi chính quyền địa phương cũng quan tâm, khuyến khích người dân phát triển cây chè và việc tiêu thụ, giá bán sản phẩm chè tốt hơn. Ông Nghiêm Văn Thê, Trưởng xóm Đoàn Kết cho biết: Được Nhà nước hỗ trợ giống, kỹ thuật, những năm gần đây, các hộ dân trong xóm đã mạnh dạn bỏ các loại cây ăn quả cho thu nhập thấp để trồng chè hoặc chuyển đổi chè trung du giống cũ bằng các giống chè lai như TRI777, LDP1… Năm 2011, tổng diện tích chè của xóm là 35ha với 30% là chè giống mới thì đến nay toàn xóm đã có 50ha chè với 70% là chè giống mới. Từ việc trồng chè, đời sống người dân trong xóm cũng khấm khá lên, nhiều hộ có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm như hộ gia đình ông Nghiêm Văn Sách, Nghiêm Văn Châu, Vũ Tiến Độ…

 

Cùng với việc khuyến khích người dân mở rộng diện tích, chuyển đổi giống chè, xã Hoàng Nông quan tâm nạo vét, kiên cố hoá kênh mương, hồ đập, chủ động nước tưới cho các vùng chè, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trạm Khuyến nông tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, các tổ chức đoàn thể xã hội của xã cũng tạo điều kiện tín chấp để người dân vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để người dân vay vốn mở rộng diện tích trồng chè. Hiện nay, toàn xã có gần 433ha chè, trong đó, diện tích chè nằm trong vườn quốc gia Tam Đảo là 37,7ha, diện tích chè kinh doanh là 349,6ha, năng suất đạt 107 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 4.100 tấn (so với năm 2011, diện tích chè tăng thêm 111ha, sản lượng chè búp tươi tăng 1.250 tấn, năng suất tăng 7 tạ/ha).

 

Ngoài ra, xã cũng tạo điều kiện để người dân vay vốn, chuyển đổi diện tích vườn tạp cho thu nhập thấp để xây dựng các vườn ươm chè giống. Tính đến nay, toàn xã đã có 12 vườn ươm chè giống cho thu nhập trung bình trên 300 triệu đồng/năm, tăng 10 vườn ươm so với năm 2011. Ông Vũ Văn Hiền, chủ một vườn ươm chè giống ở xóm Cầu Đá cho biết: Sau khi tham gia các lớp tập huấn của xã, huyện tổ chức và học hỏi kinh nghiệm thực tế, tháng 8-2014, gia đình tôi xây dựng vườn ươm diện tích 3.200m2 có trên 1,4 triệu cây chè giống LDP1, TRI777, Long Vân, Kim Tuyên, Bát Tiên… Năm đầu làm chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng nhờ sự giúp đỡ của các cán bộ kỹ thuật xã, huyện, gia đình tôi đã duy trì được giống chè chất lượng tốt, xuất bán trên 800 nghìn cây chè giống cho thu nhập trên 360 triệu đồng, trừ chi phí cũng thu lãi trên 200 triệu đồng. Hiện nay, rất nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua nhưng gia đình tôi không đủ con giống để bán.

 

Nhờ đẩy mạnh sản xuất chè, đời sống người dân xã Hoàng Nông đã được nâng lên, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 20,41%, giảm 11,5% so với năm 2011. Mặc dù vậy, chính quyền và người dân xã Hoàng Nông vẫn trăn trở vì sản phẩm chè của xã chưa có thương hiệu, trong xã chưa có hợp tác xã chế biến và tiêu thụ chè. Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Hoàng Nông cho biết: Trong những năm tới, bên cạnh nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng chè, xã có kế hoạch khuyến khích các hộ dân xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác chè VietGAP, sản xuất, kinh doanh chè hiệu quả, nâng cao giá trị và từng bước tạo dựng thương hiệu chè Hoàng Nông.

Quốc Tuân
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: