Phía sau những dự án dang dở: Điểm mặt những dự án tiến độ “rùa” (Bài 2)
Do nhà đầu tư không còn khả năng tài chính nên Dự án Trung Tín Building (trên địa bàn phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên) bị bỏ không nhiều năm nay. |
Mới đây, UBND tỉnh đã tiến hành kiểm tra 89 dự án (DA) đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn. Kết quả là chỉ có 11 DA cơ bản thực hiện đúng tiến độ, số còn lại gần như chưa triển khai hoặc để quá chậm. Thực tế cho thấy, có những DA chưa triển khai, nằm “đắp chiếu” gần 10 năm, có DA đầu tư dang dở rồi bỏ trống. Đặc biệt, trong đó có cả những DA do các nhà đầu tư tên tuổi…
Trung Tín và các công trình dang dở
Cách đây gần 10 năm, Công ty Cổ phần Trung Tín, có địa chỉ tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đến Thái Nguyên đầu tư thành công Dự án Chợ Thái (T.P Thái Nguyên). Sau đó, thương hiệu Trung Tín nổi lên như một hiện tượng khi trong một cuộc xúc tiến đầu tư vào tỉnh, Công ty này đã đăng ký và được chấp thuận đầu tư hai DA “khủng” nằm ở vị trí trung tâm thành phố, sát khu Chợ Thái với số vốn đăng ký đầu tư gần 900 tỷ đồng. Đó là DA đầu tư xây dựng Trung Tín Hotel và DA đầu tư xây dựng Thái Nguyên Building. Hai DA này đều được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2009 và lần lượt có kế hoạch hoàn thành là tháng 8-2012 và tháng 3-2013.
Khi biết Công ty Cổ phần Trung Tín đảm nhiệm các DA này, dư luận nhân dân địa phương rất tin tưởng vào tính khả thi của các công trình và kỳ vọng sẽ làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị thành phố. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã làm cả người dân và chính quyền thất vọng bởi từ khi được cấp phép đến thời điểm hết hạn đầu tư, DN này không triển khai gì ngoài sử dụng các tấm tôn quây kín DA để tạo ranh giới. Năm 2013, khi tỉnh buộc phải ra quyết định thu hồi DA thì nhà đầu tư mới nhanh chóng dựng khung bê tông hai tầng công trình Thái Nguyên Building rồi để đó cho đến nay. Khi trả lời báo chí về nguyên do để chậm tiến độ, ông Nguyễn Văn Phương, đại diện Công ty CP Trung Tín tại Thái Nguyên cho biết, tài chính của DN đang bị hạn chế bởi những khó khăn chung của nền kinh tế nên đã ảnh hưởng đến quá trình đầu tư.
Được biết, trước đó Công ty Cổ phần Trung Tín còn đăng ký đầu tư một số DA khác trên địa bàn tỉnh, trong đó có DA đầu tư chợ ở T.X Phổ Yên. Tuy nhiên, sau những thất bại khi đầu tư hai DA “khủng” nói trên, DN này đã hủy bỏ các DA còn lại.
Phổ Yên nhiều lần đề nghị thu hồi DA “rùa”
Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh mới đây, đại biểu Dương Văn Hiến, Tổ đại biểu của T.X Phổ Yên đã chất vấn lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư về việc tại sao nhiều lần thị xã đề nghị thu hồi hai DA chậm tiến độ là DA đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu B - Khu công nghiệp Nam Phổ Yên và DA xây dựng Trường Trung cấp nghề Cienco 8 mà chưa được giải quyết. Theo đại biểu này, hai DA trên là nỗi khổ nhiều năm của không chỉ người dân trong diện ảnh hưởng mà với cả chính quyền địa phương.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đã hơn 9 năm triển khai, nhưng DA đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu B - Khu công nghiệp Nam Phổ Yên do Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên làm chủ đầu tư vẫn chưa thể hoàn thành. DA này được xây dựng tại xã Thuận Thành với diện tích khoảng 27ha, vốn đầu tư trên 130 tỷ đồng. Khi đầu tư, chủ DA cam kết sẽ tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động và triển khai với tiến độ nhanh nhất có thể. Do đang trong quá trình trải thảm thu hút đầu tư nên DA này được chính quyền địa phương rất quan tâm, tạo điều kiện. DN cũng đã xây dựng được một khu nhà xưởng và hàng rào trên diện tích khoảng 7ha. Tuy nhiên, từ đó đến nay nhà xưởng không hoạt động, phần đất 20ha còn lại cũng bỏ không. Người dân ở đây tiếc đất canh tác vì toàn bộ diện tích DA đều là đất nông nghiệp của hơn 330 hộ dân địa phương. Mặt khác, đây là DA nằm ở vị trí đẹp, sát Quốc lộ 3 cũ nên gây lãng phí tài nguyên đất.
Tương tự, DA xây dựng Trường Trung cấp nghề Cienco 8 cũng để chậm tiến độ gần 9 năm nay. DA này sử dụng tới 10ha đất với vốn đăng ký đầu tư khoảng 250 tỷ đồng. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch - Đầu tư, trong quá trình triển khai DA, nhà đầu tư chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư DA theo quy định, để quá chậm so với tiến độ đề ra. Giải thích việc chậm tiến độ, chủ đầu tư DA là Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 8 cho rằng, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên không thể tiến hành theo kế hoạch. Tuy nhiên, thực tế chủ đầu tư DA này đã không bố trí kinh phí để giải phóng mặt bằng mặc dù phương án đã được phê duyệt. Được biết, để tháo gỡ khó khăn cho DN, tháng 4-2016, UBND tỉnh đã có văn bản gia hạn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, đến nay DA này vẫn chưa có bất kỳ chuyển biến nào.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên, ông Bùi Văn Lương một lần nữa khẳng định, hai DA trên không còn khả năng triển khai, đề nghị tỉnh xem xét cho thu hồi sớm, tránh lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của thị xã.
Và các DA không thể chậm hơn
Trong phần này chỉ xin chỉ nêu một vài ví dụ ở lĩnh vực đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư (KĐT, KDC) mới trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Phải thừa nhận có thời điểm việc đầu tư các KĐT, KDC mới trở thành hội chứng và phản ứng dây chuyền. Do đó, mới có chuyện các DN ngoài ngành cũng đổ xô đi xin cấp phép xây dựng KĐT, KDC, từ DN chuyên khai khoáng, luyện kim, đến DN sản xuất, kinh doanh nước giải khát… cũng tham gia. Bởi vậy, gần đây một loạt dự án KĐT, KDC bị đề nghị thu hồi do không triển khai, khiến hàng nghìn héc ta đất quy hoạch xong bỏ không, gây lãng phí.
Được quy hoạch chi tiết và chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2011, với diện tích gần 200ha tại phường Tân Lập, nhưng nhiều năm liền chủ đầu tư Dự án KĐT Thái Hưng vẫn không có một động thái nào triển khai dự án. Đã hơn 6 năm nay, gần 400 hộ dân thuộc một số tổ dân phố của phường Tân Lập (nằm trong quy hoạch vùng dự án) khóc dở, mếu dở vì quyền lợi bị ảnh hưởng bởi DA “treo”. Được biết, mới đây DA này đã được chuyển giao lại cho T.P Thái Nguyên quản lý, đầu tư.
Những tưởng trường hợp người dân phường Tân Lập đã là khổ, nhưng bà con thuộc một số tổ dân phố của phường Đồng Quang và Tân Thịnh còn khổ hơn khi 10 năm nay phải sống trong cảnh chờ chực để chuyển đến nơi ở mới vì đang sống trong vùng quy hoạch Dự án KĐT An Phú. Lý do, KĐT này được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng không triển khai. Lãnh đạo phường Tân Thịnh cho hay, các thông tin về dự án địa phương cũng không nắm rõ, mà chỉ biết diện tích quy hoạch là gần 100ha. Người dân khá bức xúc, chính quyền cơ sở không có thẩm quyền còn nhà đầu tư thì bặt vô âm tín suốt nhiều năm nay.
Trong khi T.P Thái Nguyên đang rất thiếu quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng thì vẫn còn không ít DA thiếu khả thi, trong đó có thể kể đến Dự án Tổ hợp Khu đô thị, biệt thự cao cấp, tòa nhà văn phòng cho thuê và khách sạn do Công ty CP APEC làm chủ đầu tư. Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư tại phường Gia Sàng từ năm 2010, chủ đầu tư cũng cam kết hoàn thành dự án vào năm 2014, nhưng đến nay vẫn án binh bất động.