Sản phẩm OCOP ở Đồng Hỷ: Nhiều nhưng chưa đều

Cập nhật: Thứ hai 15/08/2022 - 09:17
 Vùng nguyên liệu của HTX chè an toàn Nguyên Việt tại xóm Cà Phê, xã Minh Lập.
Vùng nguyên liệu của HTX chè an toàn Nguyên Việt tại xóm Cà Phê, xã Minh Lập.

Sau hơn 3 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Đồng Hỷ đang là địa phương dẫn đầu tỉnh với 31 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm được xếp hạng 5 sao cấp Quốc gia. Tuy nhiên các sản phẩm OCOP này chỉ tập trung vào 1 số xã có ưu thế về phát triển cây chè, các xã còn lại vẫn chưa thể xác định sản phẩm OCOP cho riêng mình…

Các xã, thị trấn như: Hóa Thượng, Minh Lập, Văn Hán, Hóa Trung, Sông Cầu là những địa phương quen thuộc, xuất hiện nhiều trong các bảng tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP của Đồng Hỷ.

Có những đơn vị như HTX Thái Minh, HTX miến Việt Cường, HTX Thịnh An, HTX Tuyết Hương… sở hữu 4-5 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP 3-4 sao trở lên.

Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ cho biết: Chương trình OCOP chính thức được triển khai tại Đồng Hỷ từ đầu năm 2019 với mục đích là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương. Hơn 3 năm thực hiện Chương trình, toàn huyện có 31 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia (sản phẩm miến Việt Cường); 21 sản phẩm đạt 4 sao; 9 sản phẩm 3 sao.

Việc phát triển các sản phẩm OCOP đã góp phần làm tăng giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt của huyện từ 110 triệu đồng năm 2020 lên 115,9 triệu đồng năm 2021.

Đặc biệt, từ năm 2021, các chủ thể OCOP nói riêng cũng như ngành Nông nghiệp của Đồng Hỷ đã rất tích cực ứng dụng chuyển đổi số để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực cũng như sản phẩm OCOP của địa phương.

Miến dong Việt Cường của HTX miến Việt Cường, xã Hóa Thượng, là sản phẩm OCOP duy nhất của huyện Đồng Hỷ đạt chứng nhận 5 sao cấp Quốc gia.

Tuy nhiên, ở hầu hết các xã còn lại, việc lựa chọn sản phẩm chủ lực để chuẩn hóa, phát triển sản phẩm OCOP hiện vẫn đang là thách thức lớn cho cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trước tiên, cần phải khẳng định rằng, đối đối với những xã chưa lựa chọn được sản phẩm chủ lực để chuẩn hóa, phát triển sản phẩm OCOP là do nhận thức của một số cán bộ, chủ thể về OCOP chưa đầy đủ. Họ coi OCOP như một cuộc thi nên cố gắng tìm những sản phẩm đặc sắc, chưa ai tham gia để mong muốn được xếp hạng cao.

Mặc dù đã triển khai chương trình OCOP được hơn 3 năm, nhưng tới nay xã Tân Lợi vẫn loay hoay trong quá trình tìm và xây dựng sản phẩm OCOP. Ông Đinh Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Thế mạnh của Tân Lợi là phát triển rừng và chế biến lâm sản; đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng công nghiệp với quy mô lớn. Tuy nhiên, để lựa chọn làm sản phẩm OCOP thì không đặc sắc vì nhiều địa phương cũng có thế mạnh về những sản phẩm này. Hiện, tại xóm Cầu Đã có hơn chục hộ nuôi ong lấy mật, chính quyền địa phương đang vận động các hộ dân thành lập HTX nuôi ong lấy mật với vùng nguyên liệu đặt tại khu vực rừng Ngàn Me.

Hay tại Nam Hòa, một trong những địa phương đi đầu trong nhiều phong trào của huyện Đồng Hỷ, nhưng tới thời điểm này vẫn chưa có sản phẩm OCOP. Ông Lê Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã cho rằng: Xã có 7 dân tộc, mỗi khu vực phân bố dân cư có một thế mạnh. Do vậy, khi khảo sát, đánh giá, lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình OCOP, xã vẫn chưa xác định được sản phẩm chủ lực tiềm năng, thế mạnh để phát triển, nâng lên thành sản phẩm OCOP. Chúng tôi muốn phát triển món thịt chua của đồng bào dân tộc Sán Dìu làm sản phẩm OCOP, nhưng đang gặp khó khăn...

Để giúp các chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, năm 2022, huyện Đồng Hỷ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động phát triển nguồn nguyên liệu, xây dựng hạ tầng, máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến... Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP xây dựng Website giới thiệu, bán sản phẩm, quảng bá sản phẩm trên không gian mạng; thiết kế logo nhận diện cho thương hiệu sản phẩm; thiết kế hộp, bao bì sản phẩm cho các HTX và tem truy xuất nguồn gốc cho các HTX tham gia chu trình OCOP; ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm OCOP; quản lý truy xuất nguồn gốc, xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong nước; phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới...

Minh Phương
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: