Sông Công phát triển sản phẩm OCOP: Tăng chất lượng, đa chủng loại
Giai đoạn 2021-2025, TP.Sông Công thực hiện cơ chế hỗ trợ 400 triệu đồng/mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ thỏ. Trong ảnh: Liên kết trong chăn nuôi thỏ đã giúp gia đình chị Ngô Thị Ánh Hồng (tổ dân phố 4B, phường Phố Cò) có thu nhập ổn định. |
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay, TP. Sông Công có 9 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP 3 sao và 4 sao. Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP của địa phương chủ yếu vẫn là chè và các mặt hàng từ chè nên sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế. Với mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm OCOP, thành phố đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao thương hiệu, giá trị nông sản địa phương.
Năm 2022, Hợp tác xã nấm Thảo Anh, ở tổ dân phố 4, phường Mỏ Chè, đăng ký 2 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Anh Phạm Thanh Quang, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết: Để có sản phẩm nấm an toàn, chất lượng, trong quá trình sản xuất, Hợp tác xã tuân thủ nghiêm ngặt quy định không dùng thuốc hóa học, thuốc kích thích. Chúng tôi cũng thường xuyên được cơ quan chuyên môn của thành phố tư vấn, hướng dẫn thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Nếu sản phẩm nấm của Hợp tác xã được chứng nhận OCOP sẽ mở ra cơ hội tiêu thụ rộng lớn hơn, nâng sức cạnh tranh trên thị trường.
Giai đoạn 2022-2025, TP. Sông Công phấn đấu có thêm ít nhất 12 sản phẩm đạt OCOP được chứng nhận 3 sao trở lên. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đã định hướng phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp có ưu thế của địa phương, như: Gạo, chè, nấm, thỏ... Trên cơ sở này, ngoài tập trung tuyên truyền về Chương trình OCOP, thành phố cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh hoàn thiện hồ sơ; tư vấn, hỗ trợ xây dựng phương án kinh doanh, nhà xưởng, thiết kế và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm… Đồng thời, hỗ trợ tăng cường kết nối giữa các chủ thể sản xuất với doanh nghiệp, nhà đầu tư để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Đơn cử như vụ xuân năm nay, Phòng Kinh tế thành phố phối hợp với Công ty CP tư vấn và chứng nhận quốc tế ISOCUS thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao (giống lúa LC), quy mô 20ha tại các xã, phường: Tân Quang, Lương Sơn và Châu Sơn. Tham gia mô hình này, 122 hộ dân được ISOCUS tư vấn, đào tạo sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua việc cài đặt phần mềm quản lý cây lúa từ khi gieo cấy đến lúc thu hoạch trên điện thoại thông minh. Trên cơ sở này, Hợp tác xã sản xuất lúa chất lượng cao Sông Công đã được thành lập, giúp người dân tiếp cận với công nghệ số, đưa sản phẩm gạo tiến tới mục tiêu đạt chứng nhận OCOP.
Cùng với đó, thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; hợp tác, liên kết trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý, đơn vị xúc tiến thương mại với các chủ thể sản xuất để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Hiện, TP. Sông Công có Hợp tác xã trà Cao Sơn và Hợp tác xã sản xuất và chế biến chè Thắng Lợi đã được niêm yết các sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử.
Ngoài các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, căn cứ vào thực tế địa phương, giai đoạn 2021-2025, TP. Sông Công đã ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP. Cụ thể, hỗ trợ kinh phí tập huấn, học tập kinh nghiệm phát triển sản phẩm OCOP là 50 triệu đồng/lớp; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP đạt 3 sao là 20 triệu đồng/sản phẩm, 4 sao là 30 triệu đồng và 5 sao là 40 triệu đồng; hỗ trợ các hợp tác xã 50% kinh phí xây dựng nhà kho, xưởng phân loại, đóng gói sản phẩm và xưởng sơ chế, chế biến, bảo quản hàng hóa nông sản...
Theo bà Nghiêm Thị Bình, Phó phòng Kinh tế TP. Sông Công, thực hiện Chương trình OCOP, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất và người dân trên địa bàn đã có ý thức để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đặc biệt là thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn, liên kết chuỗi. Các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đã được nhiều người biết đến, việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm OCOP của thành phố còn hạn chế, do các chủ thể gặp khó khăn trong quá trình mở rộng quy mô sản xuất, quảng bá sản phẩm; quy trình sản xuất đơn giản, chưa quan tâm đến mẫu mã, bao bì sản phẩm… dẫn đến giá trị sản phẩm còn thấp, thiếu tính ổn định và bền vững.
Từ thực tế đó, thời gian tới, TP. Sông Công sẽ tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký ý tưởng, phát triển và hoàn thiện sản phẩm để nâng cao giá trị. Bên cạnh đó, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP. Mặt khác, thành phố sẽ duy trì các sản phẩm OCOP đã dược công nhận; nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, hướng đến sản phẩm chất lượng cao, sản xuất và tiêu thụ ổn định, bền vững, không dàn trải…